“Tủ sách dòng họ sẽ gắn trách nhiệm chia sẻ tri thức”

Nguyễn Quang Thạch - người nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình Tủ sách dòng họ đang có chuyến đi xuyên Việt vào dịp Tết Canh Dần 2010 (từ ngày 14 đến 24/2) qua 19 tỉnh, thành phố. Nhân dịp này, báo chí đã có cuộc trò chuyện với anh.

Nghe nói Bộ VH,TT&DL có văn bản đồng ý cho anh xuyên Việt vì Tủ sách dòng họ?
 
Đúng vậy. Sau 13 năm ấp ủ và theo đuổi xây dựng mô hình Tủ sách dòng họ đến nay tôi mới thực hiện được ước mơ xuyên Việt vì mô hình này nhằm tạo yếu tố kích hàng ngàn dòng họ trên cả nước tự nhân rộng tủ sách, cũng như thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đến việc đưa sách về nông thôn theo chính sách xã hội hóa thư viện của Nhà nước.
 
Tôi đã làm tờ trình gửi Bộ VH,TT&DL xin phép đi xuyên Việt từ Hà Nội đến TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010 bằng xe máy với khẩu hiệu Hãy tặng sách cho các tủ sách dòng họ nông thôn Việt Nam. Ngày 31/12/2009, Bộ đã có công văn đồng ý cho tôi xuyên Việt để tiếp tục xây dựng mô hình Tủ sách dòng họ.
 
“Tủ sách dòng họ sẽ gắn trách nhiệm chia sẻ tri thức” - 1
Nguyễn Quang Thạch (đeo kính bên trái) đang trao sách cho đại diện dòng họ Nguyễn (Tủ sách họ Nguyễn), làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa (Hà Nội).
 
Trước chuyến xuyên Việt thì mô hình mà anh “sáng lập” ra đã đạt được những kết quả như thế nào rồi, thưa anh?
 
Đến nay mô hình đã xây dựng được 40 tủ sách với khoảng 9.000 đầu sách cho 40 dòng họ thuộc 11 tỉnh trên cả nước gồm Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh và Ninh Bình.
 
Ngoài ra, 3 dòng họ và 3 cá nhân đã tự nhân rộng được 14 tủ sách ở 5 địa phương khác gồm Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột, Quảng Nam, Hà Tĩnh và huyện đảo Cát Bà. Các tủ sách đã phục vụ hàng ngàn độc giả ở thôn quê với ít nhất 20.000 lượt sách được mượn.
 
Ngoài đóng góp của cá nhân tôi, mô hình đã huy động sự đóng góp của 66 cá nhân trong nước và nước ngoài với gần 6.500 cuốn sách, tạp chí cùng hơn 66 triệu đồng và 200 USD. Dự án tủ sách vừa nhận được 400 triệu từ cuộc thi Ý tưởng phục vụ cộng đồng.
 
Vì sao anh lại “sống chết” vì Tủ sách dòng họ đến vậy, thưa anh?
 
Dòng họ có vị trí rất quan trọng trong đời sống cộng đồng và gia đình ở Việt Nam. Cấu trúc cộng đồng nông thôn được hình thành chủ yếu bởi nhiều dòng họ sống trong mỗi thôn xóm với mức độ quần cư từ 30 đến 200 hộ dân/mỗi họ.
 
Các dòng họ sống quây quần bên nhau trong thôn xóm, hầu hết đều có nơi thờ tự đó là nhà thờ họ, đặc biệt trong 15 năm trở lại đây, hàng chục ngàn dòng họ đã lập các Ban khuyến học và Quỹ khuyến học dòng họ để hỗ trợ con cháu trong việc học hành thi cử.
 
Sau nhiều năm nghiên cứu và theo dõi sự khôi phục và phát triển của văn hóa dòng họ (từ năm 1997 đến 2009), ý tưởng xây dựng tủ sách/thư viện dòng họ nhờ đó hình thành và các tủ sách đầu tiên được xây dựng vào tháng 3/2007.
 
Anh nghĩ mô hình Tủ sách dòng họ và chuyến xuyên Việt của anh sẽ có tác động như thế nào đối với xã hội?
 
Hôi hy vọng mô hình Tủ sách dòng họ với chuyến xuyên Việt lần này sẽ tạo ra hiệu ứng xây dựng tủ sách dòng họ trên quy mô rộng lớn, do đó sẽ giảm thiểu vấn đề thiếu sách ở khu vực nông thôn.
 
Tủ sách sẽ tạo sự gắn kết trách nhiệm của những người con sinh sống ở khu vực thành phố đối với dòng họ và quê hương mình bằng cách chia sẻ tri thức và thông tin...
 
Xin cám ơn anh!
 
Theo Huy Thông
Thể thao Văn hóa