1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xâm hại trẻ em thể hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội

(Dân trí) – “Số vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tăng đều qua các năm, từ 2005 đến nay. Bạo lực học đường diễn biến phức tạp, nguy hiểm” – Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác phòng chống xâm hạn trẻ em ở Việt Nam" khai mạc sáng 15/12.

Xâm hại trẻ em thể hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội  - 1
Bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ khó lường.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhận định, hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau với hình thức và đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, với mức độ và tính chất cho thấy sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư trong xã hội. Trong khi đó, các vụ ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em... ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo mà phần nhiều là do các phương tiện truyền tin phát hiện và tố giác trước công luận.

Những con số thống kê, khảo sát cho thấy số vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại phát hiện được tăng đều qua các năm, từ 2005 đến nay. Từ con số 744 trẻ là nạn nhân của nạn này, năm 2010, số lượng đã tăng gần gấp đôi, lên 1.245 trẻ.

Bạo lực học đường diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ,TB&XH Đặng Nam khuyến hướng tiếp cận dựa trên giải quyết từng đối tượng, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt chuyển sang bảo vệ quyền trẻ em có hệ thống, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em một cách đồng bộ, chuyên nghiệp. Từ việc chủ yếu là can thiệp, giải quyết hậu quả sang chủ động phòng, ngừa, phát hiện sớm nguy cơ; từ chăm sóc tập trung bằng các dịch vụ bao cấp của nhà nước sang chăm sóc tại gia đình, chăm sóc bằng gia đình thay thế, tại cộng đồng với trách nhiệm bảo trợ của nhà nước và hỗ trợ của xã hội....

Bà Vũ Thị Lệ Thanh, Cán bộ chương trình Phòng bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) đề xuất một quy trình rõ ràng cho công tác phòng ngừa, phát hiện hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em, chuyển gửi, điều tra, đánh giá, can thiệp và giám sát giải quyết từng vụ việc. Nhà nước cũng cần xây dựng quy trình và tiêu chí chính thức cho việc chăm sóc, nhận nuôi tạm thời trẻ em cũng những người giám hộ, họ hàng. Trẻ em được nhận nuôi cũng là nhóm đối tượng dễ bị xâm hại, bị bạo hành.

Tại hội thảo lần này, các đại biểu tham dự cũng sẽ cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, làm sáng tỏ những vấn đề đang vướng mắc trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng. Các phiên thảo luận với nhiều chủ đề cụ thể được tổ chức liên tục trong 2 ngày hội thảo. Các phiên thảo luận này nhằm làm rõ những vấn đề còn bất cập từ luật pháp, chính sách, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương đến việc chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, thúc đẩy hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Kết thúc hội thảo, một Bản tuyên bố chung về Hợp tác liên ngành phòng chống xâm hại và lạm dụng trẻ em tại Việt Nam sẽ được ký kết giữa các bên tham gia. Đồng thời, hội thảo hướng tới thành lập Nhóm hành động hợp tác liên ngành, kèm theo đó là kế hoạch hành động của nhóm năm 2012.

P.Thảo