Bọn trẻ rồi sẽ trưởng thành!

Khả Vân

(Dân trí) - "Tôi thấy các mẹ sốt sắng, lo lắng về tương lai lũ trẻ quá nhiều, cố tìm mọi cách để con được ăn học, nhiều khi hơi quá làm mất tính kiên định, không ổn định về tâm lý, nay thế này mai thế khác".

Có khi chỉ cần nghe ai nói nên học chỗ này, chỗ kia, thế là chuyển trường chuyển lớp, ngõ hầu mong con nhanh chóng học giỏi cho bằng con người ta. Các mẹ làm như thế rốt cuộc cũng chỉ vì tấm lòng trọn vẹn vì con vì cái, đúng là cá chuối đắm đuối vì con.

Nhưng đôi khi chúng ta không hiểu rằng sự ổn định, bền bỉ học hành mới làm nên thành tựu. Có câu hòn đá lăn không mọc được rêu!

Học sớm, học muộn không bằng học đều!

Việc học là một sự nghiệp trường kì. Có những đứa trẻ sẽ sớm bộc lộ thiên bẩm, học hành giỏi giang ngay từ tấm bé, khiến bố mẹ yên tâm, hy vọng. Những đứa trẻ như thế chỉ là thiểu số, còn lại đa số các con đều là người bình thường, mà đã là người bình thường thì cần thời gian tu dưỡng.

Bọn trẻ rồi sẽ trưởng thành! - 1

Tác giả: Luật sư Giang Nguyễn, học giả Fulbright, tốt nghiệp ĐH Cornell chuyên ngành kinh tế học, ĐH Luật Boston, và ĐH Luật Pennsylvania. Anh là người sáng lập The Ivy-League Vietnam (Trung tâm Anh ngữ Ivy) và là một nhà giáo dục với những quan điểm chuyên khảo về những vấn đề của giáo dục hiện đại (Ảnh: FB nhân vật).

Có những đứa trẻ mãi tới cấp 3 mới trở nên chăm chỉ, cần mẫn học hành. Có những đứa trẻ mãi tới đại học mới tu chí đọc sách, biết mình muốn gì để mà rèn luyện, thế rồi tốt nghiệp ra trường nhận được công việc tốt và cứ thế tiến thân, trở thành chuyên gia, nhà quản lý giỏi.

Có những đứa trẻ gặp nhiều gian nan, học hành truân chuyên mãi tới ngoài tam tuần mới ổn định, nhưng chỉ mười năm làm nên nghiệp lớn. Có những đứa trẻ xuất thần từ bé, nhưng càng lớn lại càng ham chơi, và cuối cùng cũng không làm nên chuyện gì ý nghĩa cho đời.

Thế nên, chúng ta không cần quá lo lắng, sốt ruột khi nhìn con khôn lớn mỗi ngày. Cũng như trồng cây, cần thời gian vun xới, con người cũng vậy, tất cả đều cần thời gian. Cứ bền bỉ học hành, học bình thường cũng được, tới một lúc nào đó, tất cả lũ trẻ của chúng ta đều trưởng thành theo con đường riêng của chúng.

Lấy ví dụ thế này. Ngày nay mẹ nào cũng sốt ruột khi thấy con học toán cũng dở mà học văn cũng dở, học tiếng Anh lại càng dở. Nhìn con người ta sao mà ao ước. Nhưng những người trải qua 18 tám năm đầu đời của con khi nhìn lại mới hiểu, à hóa ra tất cả bọn trẻ cứ học đi rồi một ngày sẽ sử dụng được tiếng Anh thông thạo thôi.

Toán đủ để đi thi, văn đủ để hiểu đời, tiếng Anh là công cụ đủ để làm việc, và đọc sách. Thế là đủ. Có những đứa trẻ cả 3 năm cấp 3 tiếng Anh nhàng nhàng, nhưng khi sang nước ngoài học hành vài năm sau đã giỏi.

Học sớm, học muộn không bằng học đều. Cứ đều đặn mỗi ngày, không phải quá gồng mình lên cho mệt mỏi rồi lại sớm buông bỏ. Không cần phải thầy nọ cô kia thì con mình mới giỏi, mới trưởng thành. Cái quan trọng khi tìm thầy cho con là con cảm nhận yêu mến người thầy, người cô con học. Sự yêu mến sẽ khiến đứa trẻ cảm nhận được sự nhẹ nhàng trong học tập. Có khi chỉ vài câu chuyện thầy cô kể đã khiến đứa trẻ tìm thấy hứng thú với học hành.

Học ở đâu mà học bền bỉ, học nghiêm túc đều làm nên con người giỏi

Tôi dạy học bao năm nay, chứng kiến biết bao đứa trẻ trưởng thành. Những đứa trẻ kiệt xuất thì không nói làm gì, chúng không cảm nhận được sự nỗ lực của bản thân đem lại thành tựu lớn lao vì chúng làm như chơi cũng đã bằng người khác làm "như trâu húc mả".

Nhưng tôi cũng chứng kiến biết bao đứa trẻ bình thường, thi điểm SAT/IELTS rất thấp rồi đỗ vào những trường rất bình thường bên Mỹ, ấy vậy sau này lại xin được những công việc tốt nhờ nỗ lực cao trong 4 năm ăn học đại học bên nước ngoài. Gần đây các cháu về thăm tôi với những tin vui nào là đỗ tiến sĩ, nào là xin được việc làm hãng dược, hãng phần mềm lớn, mà khởi điểm các cháu đều bình thường.

Bọn trẻ rồi sẽ trưởng thành! - 2

Luật sư Giang Nguyễn cho rằng, học sớm, học muộn không bằng học đều. Học đều đặn mỗi ngày, không phải quá gồng mình lên cho mệt mỏi rồi lại sớm buông bỏ.

Các cháu không học chuyên chọn mà học trường rất bình thường ở Hà Nội thôi. Thành tựu có được là nhờ sự bền bỉ. Bố mẹ các cháu cũng không đòi hỏi cao, không đặt mục tiêu lớn, mà cứ kiên trì với khát vọng rất giản dị là chừng nào con còn muốn ăn học thì bố mẹ sẽ cố gắng đáp ứng.

Nhiều cháu học hành trong nước cũng rất giỏi giang, đâu phải cứ tống hết con sang Mỹ mới là con đường đi tới thành công. Có biết bao nhân tài học trong nước, rồi sau này vẫn trở thành những kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia giỏi đó thôi.

Ngày nay thông tin tràn ngập, sách vở không còn bị kiểm duyệt cấm đoán nhiều, nên các trường đại học trong nước cũng không quá lạc hậu so với nước ngoài, có chăng chỉ là cơ chế và môi trường dưỡng dục mà thôi. Sự khác biệt ấy cũng là quá nhiều, quá xa nhưng không vì thế mà con em mình bị thiệt thòi quá nhiều.

Gần đây tôi tuyển nhân viên mới hiểu ra rằng các em học trong nước cũng rất là xuất sắc. Luận văn các em làm cũng về những vấn đề gai góc toàn cầu. Đến khi vào làm việc tôi mới thấy các em học trong nước những tiếng Anh cũng rất giỏi, đọc tài liệu, viết email, viết tư vấn đâu có kém gì các em ăn học nước ngoài. Học ở đâu mà học bền bỉ, học nghiêm túc đều làm nên con người giỏi cả.

Rồi bọn trẻ sẽ trưởng thành cả thôi. Nói như thế không có nghĩa bố mẹ phó mặc con cho số phận. Nói như thế có ý là chúng ta không cần quá sốt ruột, lo lắng, ganh đua, mà nên kiên nhẫn, bền bỉ rồi sẽ tới đích.

Nên nhớ ngoài nỗ lực của con người, thành công của mỗi đứa trẻ còn là thiên mệnh. Không muốn cũng không được mà muốn cũng không được! Giải thích điều này khó lắm vì nó có cái gì đó tâm linh huyền bí nhưng tới bây giờ tôi chiêm nghiệm thấy mọi việc như đã có sự sắp xếp.

Thế nên cứ yên tâm làm ăn, kiếm tiền, tu dưỡng rồi bọn trẻ sẽ tới đích của mình. Hy vọng trả lời được phần nào câu hỏi và lời tâm sự tôi nghe từ rất nhiều phụ huynh khắp nơi.