Nếu công ty bảo hiểm phá sản, ai sẽ bảo vệ người mua?

Khả Vân

(Dân trí) - Trong trường hợp một công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản, số tiền chúng tôi đóng vào sẽ được xử lý như thế nào? Ai sẽ bảo vệ chúng tôi?

Trả lời:

Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, luật pháp hiện hành có quy định rất nhiều biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bị mất khả năng thanh toán, phá sản.

Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm, DNBH phải luôn duy trì khả năng thanh toán như phải trích lập đầy đủ Quỹ dự phòng nghiệp vụ, Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm, tái bảo hiểm để bảo đảm việc thanh toán, hoàn phí cho người mua bảo hiểm.

Riêng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do Hiệp hội Bảo hiểm quản lý. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Hiệp hội Bảo hiểm sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm cho người mua bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

Theo đó, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định từ năm 2010 và đến ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 101 hướng dẫn về việc thu, trích lập, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Nếu công ty bảo hiểm phá sản, ai sẽ bảo vệ người mua? - 1

Các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm phải nộp vào Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm 0,3% doanh thu phí bảo hiểm (Ảnh minh họa).

Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm phải nộp vào quỹ tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm. Số tiền này dùng để chi trả cho khách hàng khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Bao gồm:

1. Hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng khi hợp đồng bảo hiểm không được chuyển giao cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác; 2. Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khi sự kiện hoặc rủi ro được bảo hiểm xảy ra trước ngày doanh nghiệp bảo hiểm đó mất khả năng thanh toán.

Đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện khôi phục khả năng thanh toán, gồm các biện pháp như bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu; tái bảo hiểm; củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp; yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm…

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm bị đặt vào tình trạng kiểm soát khả năng thanh toán. Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật phá sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan.