Trí nhớ

(Dân trí) - Chừng hai chục năm trở lại đây, trí nhớ của người thành phố hình như có vấn đề?

Chẳng phải chuyện quên quên nhớ nhớ của tuổi già. Cũng không phải ào ạt lối sống công nghệ cao đưa người trẻ vào những thế giới ảo. Thế giới của ước mơ không hạn chế kích thước.

Hơn hai mươi năm trước, hình ảnh về những công trình to lớn cỡ cây cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng hoặc Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình luôn chế ngự toàn bộ những nghĩ ngợi của mọi người về tầm vóc, cả kích thước và ý nghĩa của nó.

Cây cầu Thăng Long còn thỉnh thoảng có dịp qua lại. Lên sân bay chẳng còn con đường nào tốt hơn. Nhà máy thuỷ điện thăm một lần ngày mới khánh thành rồi cũng bỏ bẵng đi hai mươi năm. Và kí ức về sự kì vĩ của sức người trở nên bất biến suốt từ bấy đến giờ. Một kí ức nhầm lẫn đáng ngạc nhiên của những đầu óc chưa lấy gì làm trễ nải.

Bạn rủ tôi lên thăm lại Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Tháng tám. Mùa mưa bão đến sớm. Bầu trời âm u. Mây xám nghi ngút vòng quanh trập trùng đỉnh núi. Những con chim nhạn đuổi bắt đàn chuồn chuồn bay thấp cất tiếng gọi bạn xôn xao dưới chân đập nước.

Nhà máy nghỉ không phát điện. Có lẽ đã đến kì bảo dưỡng? Những cửa xả im lìm trống hoác giữa lưng chừng núi. Nhỏ nhoi. Khép nép ưu phiền. Chẳng còn sót lại mảy may trong trí nhớ về một con đập khổng lồ tung những vồng nước trắng xoá miên man xuống phía hạ lưu. Không có tiếng ầm ào náo động và những cầu vồng thần tiên ẩn hiện trong làn nước, con đập hiền lành chỉ như con đê chắn nước ở làng.

Nếu nhớ không nhầm thì theo con tính ngày đó điện năng mà nhà máy sản xuất ra dự tính dùng dư thừa cho miền Bắc. Lạc quan hơn, còn có thể đem xuất khẩu. Thế nên ở Hà Nội mỗi lần mất điện, bà con thường than thở trách móc về cái nhà máy ì ạch chạy không hết công suất. Mùa khô còn có thể thông cảm. Mùa lũ hẳn hoi cũng có hôm cắt điện.

Chưa kể đến việc thành phố mở rộng ra gấp ba lần về diện tích và gấp đôi về dân số. Hà Nội hơn hai chục năm qua, nhất là mười năm trở lại đây đã bổ sung thêm vào trí nhớ hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình xây dựng khổng lồ. Nhiều đến không thể nhớ. Cầu Thăng Long không còn giữ vị trí độc tôn nữa bởi đã có thêm hai cây cầu lớn ở phía Nam thành phố. Toà nhà mười một tầng duy nhất ở thành phố cách đây hai chục năm là Khách sạn Hà Nội bây giờ cũng đã cơi nới thêm một khối nhà ngay bên cạnh. Cao hai mươi tầng. Cũng chẳng thấm tháp gì so với những chung cư cao tầng nhan nhản quanh hồ Giảng Võ. Và cái nhà máy thuỷ điện thì không cơi nới được thêm tí nào. Nó chỉ có thể thay đổi kích thước trong trí nhớ theo chiều hướng thu nhỏ lại. Đành phải oằn mình mà phát điện phục vụ và chịu tiếng oan!

Theo con đường vòng vèo dưới chân đập dẫn qua hầm ngầm sang bờ bên kia, quãng đường cũng như ngắn lại bởi hầm ngầm mắc điện sáng trưng ốp đá nhân tạo. Và cũng bởi sự vắng lặng đến không ngờ của một nơi chốn vốn hàng chục năm trước nườm nượp khách tham quan.

Thế nhưng lòng hồ thì vẫn mênh mang hiện hình đúng như trong trí nhớ. Mặt hồ lơ mơ xanh màu nước hến quanh co luồn lách ôm bóng núi. Những vách đá già nua ngấn nước hàng triệu năm phong thực vẫn lộng lẫy tạc vào dáng núi bức tranh sống động giữa muôn trùng cây xanh ngắt. Và gió vẫn như tự thủa nào...

Hoà Phong