Nhiều ý kiến cảm thông với bác sĩ

(Dân trí) - Về vụ cắt nhầm thận ở Cần Thơ, nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình nhưng ngược lại, nhiều ý kiến đồng tình với bác sĩ trong vụ việc này nói riêng và nghề ý nói chung. Chúng tôi xin trích một số ý kiến cảm thông với nghề cao quý này.

Nhiều ý kiến cảm thông với bác sĩ - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
“Đặt mình vào hoàn cảnh đó, tôi cũng sẽ làm như người bác sỹ này. Tình ngay lý gian, nhưng trong lòng bác sỹ thấy thanh thản , cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp”- Vũ Tiến Dũng.

“Đồng ý nền y tế Việt Nam chúng ta còn nhiều bất cập nhưng không vì thế mà chúng ta vơ đũa cả nắm! Trường hợp cắt nhầm thận ơ đây là trường hợp thận móng ngựa, một trường hợp thận dị dạng bẩm sinh (hai quả thận dính liền với nhau), mà tỉ lệ người mang thận móng ngựa là rất thấp (điều hiển nhiên vì nó dị dạng), hơn nữa nó lại càng thấp ở phụ nữ. Nói đến đây các bạn chắc đã hiểu được sai lầm của bác sĩ là do đâu, với cơ sở hạ tầng y tế Việt Nam hiện nay, để phát hiện thận móng ngựa không phải là dễ. Do đó, sai lầm trước hết của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là khó tránh khỏi, từ đó mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc này . Tôi nghĩ tất cả chúng ta trước hết nên tìm hiểu sự việc một cách khách quan sau đó mới quyết định phê phán hay có cái nhìn thông cảm hơn với xã hội. Tôi nghĩ, chúng ta hiện nay dường như đã mất đi ánh mắt thông cảm mà thay vào đó là sự phê phán luôn thường trực” - Duy Khánh.

“Tôi biết vị bác sĩ này rất rõ. Ông này hiện là bác sĩ số 1 về ngoại niệu tại Cần Thơ. Học trò của ông ấy rất nhiều, nhiều bác sĩ đang học nội trú tại nhiều bệnh viện lớn ở Tp HCM. Mọi chuyện xảy ra rồi, một người chẳng hiểu gì về y học cũng nói được. Nếu tài giỏi, các bác thử sức thi đại học Y khoa, thử sức mình học 6 năm y khoa, thử thức đến 2-3 giờ sáng học bài, thử sức sau khi tốt nghiệp lại phải cắm đầu vào thi sau đại học… Để rồi nhận đồng lương bao nhiêu?

Các bạn có bao giờ thấy người nhà đứng chửi bác sĩ khi bác sĩ đang cấp cứu cho một em bé bị gãy chân không? Người ta phải truyền dịch, truyền máu để cứu tính mạng em bé đó trước mà người nhà đứng ngoài chửi rủa, đề nghị chuyển ngay đi sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương để chụp CT. Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện một bà không biết gì về Y học lại chửi mắng bác sĩ đã nỗ lực hết mình cứu sống bệnh nhân.

Vụ ở Cần Thơ, nếu thật sự sai lầm thì tại sao Chủ tịch Hội Tiết niệu, Giám đốc BV Việt Đức lại nói bác sĩ ấy điều trị đúng? Những người giỏi nhất về Niệu học VN nói đúng mà các bạn lên diễn đàn này nói bác sĩ sai là sao? Chẳng lẽ các bạn giỏi hơn họ? Các bạn có thấy các bác sĩ hiện tại đang lo cho bệnh nhân Tú không? Nếu không lo thì các bạn lại trách lại móc, cho là mất y đức. Còn nếu lo như bây giờ thì các bạn lại nói có sai nên mới phải khắc phục hậu quả. Sao đường nào cũng nói được vậy?” - Nguyễn Công Nhân.

“Có ai hiểu cho rằng làm bác sỹ vất vả lắm không? Sai là chửi, làm được thì là bình thường. Tiền lương thì ít ỏi. Tuần 2 buổi trực, có khi đêm 30 Tết cũng phải đi trực, quá vất vả. Mọi ngươi hãy nhận xét công bằng về ngành y” -Dung Nguyen

“Tôi nghĩ các bạn không nên quá vội để trách vị bác sĩ trên. Dù là bác sĩ giỏi cũng có lúc phạm sai lầm. Tôi luôn thắc mắc tại sao sau ca mổ, bác sĩ đã không thông báo đúng tình hình cho gia đình bệnh nhân. Cũng khó trách mọi người, gần đây đã có vài "sự cố" liên quan đến bệnh viện TP Cần Thơ. Tôi thấy cách nói chuyện của bạn Nguyễn Công Nhân là không được. Bạn nói như thế là đi ngược lại với thiên chức của một bác sĩ. Nếu ai đó đã chọn con đường mình đi là "làm mẹ" (Từ Mẫu) của mọi người thì người ấy nên hiểu rằng cuộc đời mình là để cống hiến cho những "đứa con". Mọi người cũng nên hiểu con đường để trở thành một bác sĩ khó khăn thế nào. Ngay từ khi thực tập, sinh viên các ngành khác có thể đã ngon giấc thì sinh viên y phải thâu đêm làm bệnh án, rồi những lúc đi dọc hành lang dài như vô tận lúc 2, 3 giờ sáng... Các bạn có trải qua từng giây, từng phút giành giật một sinh mệnh với thần chết, để rồi khi sinh mệnh ấy chấm dứt mà mình không thể nào làm gì hơn được, các bạn mới biết bác sĩ phải đau đớn như thế nào. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Mong các bạn hiểu điều này” - Trần Quân.

“Trong khi các bạn được quây quần bên gia đình trong những ngày tết thì các y, bác sĩ họ làm gì. Xin thưa, họ ở bệnh viện nhai bánh mì (ngày tết ai nấu cơm cho mà ăn) để cấp cứu bệnh nhân. Các bạn biết thưởng tết của y, bác sĩ là bao nhiêu không? Xin thưa, không đủ mua bộ quần áo rét đúng nghĩa. Có thể có những bác sĩ nhận phong bì nhưng không phải ai cũng nhận cả đâu bạn ạ. Học 6 năm đại học, ra trường chật vật mãi mới xin được việc với mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng nhưng những y, bác sĩ vẫn vui vẻ vì tâm niệm duy nhất của người bác sĩ là cứu giúp bệnh nhân” - Đinh Văn Trung.

“Thử hỏi nếu chúng tôi không tập trung trong công việc thì một cái xét nghiệm HIV đang âm tính trở thành dương tính thì hậu quả như thế nào? Các bạn tưởng nhìn siêu âm đơn giản lắm à, trong ngành y không có khái niệm đó đâu. Sai lầm là giết người, là ân hận cả đời.” - Phạm Thanh Hương.

“Nghề Y đúng là một nghề bạc bẽo, chữa khỏi bệnh cho 1.000 bệnh nhân thì không ai biết, không ai khen, chỉ cần sai một ca là bị cả xã hội chửi rủa. Thật đau lòng, thương thay cho các "mẹ hiền" - Nguyễn Trung

“Bắt đầu học lâm sàng, tôi học lão khoa đầu tiên, đa số là tai biến, liệt tứ chi hoặc nửa người. Khi nhìn thấy họ đau đớn, rên la, ỉa đái không tự chủ, tôi đã khóc, tôi nghĩ đến bà mình ở nhà. Nhưng sự quan tâm này dẫn đến việc tôi quá sa đà và đi lan man, xa rời triệu chứng cần học. Và cách đánh giá về mức độ đau… cũng bị ảnh hưởng nên không chính xác. Dần dần, tình cảm của tôi cũng không còn ảnh hưởng lớn nữa. Tôi biết đánh giá khách quan hơn, có thể bình tĩnh quan sát, có nhiều trường hợp bệnh nhân ôm bụng quằn quại, nhưng lại không đáng lo ngại. Không phải tôi vô cảm, khi nhìn bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, tôi không thể nén tiếng thở dài...

Đã là công việc thì không nên để tình cảm chi phối. Thầy tôi từng nói đùa rằng, bao giờ em đứng trước ca mổ mà bình tĩnh như mổ gà, mổ vịt là thành công 50% rồi. Nhưng có lẽ cũng không phải là một lời nói đùa. Không phải vô lý khi bác sĩ không nên trực tiếp mổ cho người thân, vốn dĩ người thân không giống như người bệnh bình thường, càng không thể bình tĩnh coi như mổ một con vật. Trước đây, tôi đã nghĩ cho dù có bao nhiêu người chửi bác sĩ, tôi kệ. Nhưng sau khi đọc những bình luận của mọi người, lần đầu tiên tôi đã nói: Thương thay cái nghề này. Chỉ cần sống mà thấy mình không phải hối hận là được rồi” - Nguyễn Thùy Dương.

Còn các bạn, các bạn nghĩ gì sau khi đã đọc những lời tâm sự này?

Bùi (tổng hợp)