Về hưu phải trả lại nhà công vụ

(Dân trí) - Một trong năm trường hợp phải trả lại nhà ở công vụ, theo quy định bắt đầu áp dụng từ tháng 3 tới là người được phân, thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê, ở nhà công vụ…

Theo thông tư hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ do Bộ Xây dựng ban hành mới đây, có 5 trường hợp thu hồi nhà công vụ gồm: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ; Người đang thuê nhà ở công vụ bị chết; Người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê mà cơ quan quản lý nhà ở công vụ có quyết định xử lý thu hồi.

Trình tự, thủ tục thu hồi nhà công vụ được áp dụng theo nguyên tắc, khi rơi vào trường hợp phải thu hồi, trên cơ sở Tờ trình đề nghị của cơ quan quản lý nhà công vụ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà xem xét, nếu đủ điều kiện thu hồi thì ban hành Quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi được gửi 1 bản cho bên cho thuê nhà, 1 bản cho bên thuê nhà, 1 bản cho cơ quan đang quản lý bên thuê nhà để phối hợp thực hiện trong việc thu hồi.
Quỹ nhà công vụ của Hà Nội có nhiều biệt thự cổ, đẹp ở những khu phố Pháp trước đây.
Quỹ nhà công vụ của Hà Nội có nhiều biệt thự cổ, đẹp ở những khu phố Pháp trước đây.

Quyết định thu hồi phải bao gồm căn cứ pháp lý, địa chỉ nhà và tên người đang thuê bị thu hồi, lý do thu hồi, tên cơ quan hoặc đơn vị thực hiện thu hồi, thời hạn thực hiện thu hồi, việc quản lý sử dụng nhà sau khi thu hồi. Thời hạn thu hồi tối đa không quá 90 ngày, kể từ ngày Quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành. Sau khi thu hồi nhà, bên cho thuê nhà thực hiện quản lý sử dụng căn nhà theo Quyết định thu hồi và có văn bản báo cáo cơ quan quản lý quỹ nhà công vụ về việc đã hoàn thành thu hồi.

Bên cạnh việc quy định về thu hồi nhà ở công vụ, Điều 18 của Thông tư cũng chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà ở công vụ. Cụ thể, người được thuê, phân ở nhà công vụ, bên được giao quản lý nhà bị cấm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng nhà.

Văn bản hướng dẫn cũng cấm việc cho thuê nhà công vụ không đúng đối tượng; chuyển đổi, chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào; cho người khác mượn, ở nhờ một phần hoặc toàn bộ nhà; cải tạo, sửa chữa nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Thông tư cũng quy định, nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình quản lý sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định.

Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ.

Đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý vận hành, bảo trì, cho thuê nhà ở công vụ, đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

Đối với các phần diện tích dùng để kinh doanh, dịch vụ thì đơn vị quản lý vận hành được khai thác kinh doanh để bù đắp cho chi phí quản lý vận hành và bảo trì nhà ở công vụ.

Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ trực tiếp thu phí sử dụng các dịch vụ như điện, nước, internet hoặc dịch vụ trông giữ tài sản thì phải đảm bảo nguyên tắc không nhằm mục đích kinh doanh trong hoạt động thu phí này.

Đối với nhà ở công vụ của Chính phủ thì việc quản lý, bố trí cho thuê thực hiện theo quy định tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 07/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/3/2014.

P.Thảo