Dùng xe bọc thép chở hơn 33 tỷ đồng tiền mặt và vàng làm sính lễ cưới vợ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nam thanh niên đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đang gây xôn xao dư luận nước này khi huy động cả xe bọc thép chở 9,98 triệu tệ (hơn 33 tỷ đồng) tiền mặt đến nhà gái hỏi cưới vợ.

Huy động xe bọc thép chở tiền vàng đến hỏi vợ

"Hầu hết nam giới ở Trung Quốc trước khi bắt đầu kế hoạch chi tiêu cho cuộc hôn nhân của mình, họ phải chấp nhận giá cô dâu có thể rất tốn kém do nhà gái đưa ra", báo chí Trung Quốc nhận định.

Và mới đây, một đám cưới ở tỉnh Chiết Giang, miền đông nước này, đang gây xôn xao dư luận. Đoạn video được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội cho thấy, nam thanh niên phải huy động cả xe bọc thép, chở quà sính lễ gồm tiền mặt, các thỏi vàng và đồng hồ hàng hiệu tới nhà cô dâu tương lai. Tổng số tiền sính lễ lên tới 9,98 triệu nhân dân tệ (hơn 33 tỷ đồng).

Dùng xe bọc thép chở hơn 33 tỷ đồng tiền mặt và vàng làm sính lễ cưới vợ - 1
Dùng xe bọc thép mang sính lễ tới nhà cô dâu (Ảnh: Global Times).

Hình ảnh từ video cho thấy, sính lễ đựng trong 6 chiếc két sắt màu đỏ, được 4 nhân viên chuyên nghiệp hộ tống. Riêng khoản tiền mặt sau đó được đưa thẳng tới ngân hàng để gửi vào tài khoản của cô dâu.

Sau đó, truyền thông địa phương đã xác định danh tính chú rể họ Yan, 30 tuổi. Trong khi nhiều người choáng ngợp về mức độ của sính lễ, thì một số người dân tại Thái Châu cho rằng, đây là phong tục rất phổ biến của địa phương.

Được biết, đám cưới dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

"Giá cô dâu" ở Trung Quốc chưa "hạ nhiệt"

Bất chấp những nỗ lực gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế "giá cô dâu", nhưng các cuộc hôn nhân tốn kém tại nước này chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần quan trọng của hôn lễ, gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, thậm chí là tài sản như nhà, xe, để trao cho nhà gái. 

Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Đó có thể là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải nào đó mà nhà trai phải tặng nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.

Dùng xe bọc thép chở hơn 33 tỷ đồng tiền mặt và vàng làm sính lễ cưới vợ - 2
Những món sính lễ gồm nhiều tiền mặt, vàng và trang sức có giá trị không còn là chuyện hiếm ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: News).

Chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tập tục này. Dù vậy, yếu tố bị coi là trở ngại để ổn định "thị trường hôn nhân" vùng nông thôn này, vấn nạn sính lễ vẫn tồn tại.

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ". Tuy nhiên ngày nay, nghi lễ xưa đã nhường chỗ cho "mức giá của cô dâu". Sinh lễ được hiểu cụ thể là "tiền bồi thường" mà nhà trai phải gửi nhà gái và hỗ trợ tài chính với cặp đôi mới cưới.

Dùng xe bọc thép chở hơn 33 tỷ đồng tiền mặt và vàng làm sính lễ cưới vợ - 3
Nhiều đám cưới tại Trung Quốc có chi phí rất tốn kém (Ảnh: SCMP).

Tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông và An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ sính lễ cho riêng mình vì sợ bị buộc tội "bán con gái". Thay vào đó, họ đưa lại cho cô dâu để dùng cho cuộc sống sau này.

Các chuyên gia đã từng phân tích, cảnh báo nhiều, diễn biến trên "thị trường hôn nhân" như vậy không có nghĩa là giá trị của người phụ nữ trong xã hội tăng lên mà họ càng giống "một món hàng" được mua bán.

Thực tế, nhiều cô gái sau khi kết hôn cũng phải còng lưng trả nợ cho đám cưới của chính mình, bị nhà chồng "khai thác" tối đa để... trừ nợ.

Chênh lệch giới tính cũng gây hệ quả lớn, khiến tình trạng phụ nữ bị cướp đoạt, bị xâm hại diễn ra phổ biến hơn.