Chương trình tiên tiến sẽ khó khi ngừng rót kinh phí

(Dân trí)- ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM là 1 trong 5 trường làm tốt chương trình tiên tiến khi tạo ra những sinh viên giỏi tiếng Anh, năng động và tự tin. Tuy nhiên, như các đơn vị có chương trình tiên tiến khác, trường sẽ đối mặt khó khăn khi không còn ngân sách rót xuống.

Hôm qua 5/4, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì đã làm việc với thầy trò Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, bàn về những vấn đề mà chương trình tiên tiến (CTTT) phải đối mặt.  

Theo đề án mà Chính phủ phê duyệt, CTTT được cấp kinh phí từ khóa 1 đến khóa 3 theo nguyên tắc ngân sách nhà nước chiếm 60%, nhà trường chịu trách nhiệm 25% và học phí do sinh viên (SV) đóng góp chiếm 15%. Sau khóa 3, các trường có đào tạo CTTT phải tự lo mọi chi phí. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để duy trì chương trình này.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH quốc gia TPHCM (ĐH QGTPHCM) lưu ý làm thế nào để chương trình này tồn tại bền vững nếu Nhà nước buông ngân sách. ĐH QGTPHCM hiện có 3 CTTT đang được thực hiện với 454 SV theo học. Nếu tính từ đầu thì 3 chương trình đó của ĐH QGTPHCM nhận được 60 tỷ đồng từ ngân sách. Tính ra mỗi SV được đầu tư 132 triệu đồng/năm, cộng thêm với học phí SV đóng khoảng gần 30 triệu đồng/ năm thì tổng kinh phí đào tạo mỗi SV theo học chương trình này là 160 triệu đồng/năm. Như vậy chi phí đào tạo cao gấp 8 lần so với chương trình cử nhân tài năng vốn được ĐH QGTPHCM cố gắng "gồng" lắm cũng chỉ được 20 triệu đồng/sv/năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng nhận định: “Để chương trình tiếp tục được duy trì, chỉ nên giảm dần nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước chứ không cắt ngay. Đồng thời tăng dần mức học phí người học bên cạnh đó là thu hút nguồn thu từ doanh nghiệp….”.

Còn TS. Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính thì nêu quan điểm rằng người nào sử dụng sản phẩm đào tạo thì sẽ chịu chi phí đào tạo. “Nên chuyển kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua hướng “đặt hàng” các trường đào tạo chứ không cấp trực tiếp cho các trường và cần có sự cam kết phục vụ Nhà nước đối với người học sau khi tốt nghiệp.

Còn nếu gia đình muốn con mình hưởng thụ môi trường đại học tốt, bắt buộc họ phải bỏ tiền túi đầu tư và doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực tốt phải tài trợ kinh phí cho người học”, TS Giang đề xuất.

Tuy sẽ khó khăn khi không còn được Nhà nước hỗ trợ nhưng PGS-TS Dương Ái Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khẳng định sẽ cố gắng đứng vững bởi trường đã có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo...

Mặc dù mức đầu tư lớn nhưng thực trạng hiện nay chính việc tuyển sinh những năm sau càng càng lúc càng giảm. Khóa đầu tiên, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM  tuyển 55 SV nhưng đến nay chỉ còn 36 SV. Khóa thứ 2 tuyển được có 49 SV nhưng hiện chỉ còn 33 SV theo học. Các khóa 3, 4 và 5 lần lượt là 33, 34 và 25 SV đăng ký học.

Điều này cũng được chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận: “CTTT rõ ràng là khó so với các chương trình bình thường khi phải học bằng tiếng Anh, thực hành, thực tập nhiều nên nhiều SV ngại khó không dám vào. Đáng quan tâm là số lượng tuyển sinh các năm sau giảm so với những năm đầu tiên”. Thứ trưởng Ga cho rằng các SV hãy đầu tư bây giờ và suy nghĩ cho tương lai, nếu ngại khó thì sau này sẽ khó cạnh tranh trong thị trường lao động. Với chương trình này Nhà nước đầu tư rất lớn, các thầy nhiều kinh nghiệm và chương trình tốt thì các em cố gắng học tập.

Chương trình tiên tiến sẽ khó khi ngừng rót kinh phí - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với SV học chương trình tiên tiến.

Cũng trong buổi đối thoại với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 5/4, các SV theo học CTTT cũng đã đề xuất 6 kiến nghị: có nhiều nguồn học bổng hấp dẫn hơn; tăng cường giao lưu, trao đổi SV; trao đổi giáo sư với các trường đại học nước ngoài; có chương trình cho SV vay để học CTTT; hỗ trợ ngân sách đào tạo giảng viên từ SV học CTTT; tăng cơ hội nghiên cứu khoa học cho SV. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những đề xuất này hợp lý và đáng lưu ý.

Thụy An