Học từ “điều bí ẩn thường ngày”

Có những điều rất quen thuộc trong cuộc sống, đến nỗi đôi khi chúng ta không hề thắc mắc về nó. Giáo sư người Mỹ - Robert Frank đã nhìn thấy hiện tượng đó và khai thác nó thành phương pháp giảng dạy độc đáo của mình.

Bạn có biết tại sao nút áo nam nằm ở mép áo bên trái trong khi áo nữ thì ngược lại? Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ?

Trong cuộc sống có biết bao "điều bí ẩn thường ngày" như thế đã không được chúng ta để mắt đến.

Với các sinh viên học lớp nhập môn kinh tế của giáo sư Robert Frank ở Trường ĐH Cornell (Mỹ) thì khác. Nhiệm vụ của họ là đặt câu hỏi từ những sự việc quen thuộc và tìm câu trả lời.

Trong hơn 20 năm đứng lớp, mỗi khi bắt đầu giảng dạy, giáo sư Robert Frank lại giao bài tập thú vị ấy cho các sinh viên.

Kết quả là một quyển sách được đón nhận nồng nhiệt và một lối tư duy mới mẻ làm hành trang vào đời cho nhiều thế hệ sinh viên.

Nghĩ mới về những điều bình thường

Đề bài của GS Robert Frank là "Vận dụng các nguyên tắc đã thảo luận trong khóa học, đặt ra một câu hỏi thú vị về một vài khía cạnh của các sự việc hoặc hành vi mà bạn quan sát thấy, rồi đưa ra câu trả lời".

Ông gọi đấy là những "bí ẩn thường ngày", đã quen thuộc đến mức được mặc nhiên thừa nhận.

Nhưng giờ đây, các sinh viên phải lật lại vấn đề để tìm ra điểm thú vị đằng sau những điều đã quen thuộc ấy.

Nhiều người sẽ thắc mắc các bài tập này có liên quan gì đến môn kinh tế mà các sinh viên đang học?

Một số câu hỏi lý thú của các sinh viên

 

- Tại sao phi công cảm tử của Nhật (kamikaze) lại đội mũ bảo hiểm?

 

- Tại sao các sản phẩm trong tủ lạnh khách sạn lại đắt như vậy?

 

- Tại sao việc thắt dây an toàn bắt buộc với ôtô nhưng không bắt buộc với đa số xe buýt học đường?

 

- Điều gì giải thích cho sự khác nhau về kích thước của hộp đựng DVD và CD trong khi hai loại đĩa này đều có kích thước như nhau?

Thật ra, trong quá trình tìm câu trả lời, các sinh viên cần phải sử dụng một số kiến thức kinh tế cốt lõi như chi phí cơ hội, phân tích lợi ích - chi phí, tình trạng độc quyền...

Ví dụ, để trả lời câu hỏi tại sao sữa đựng trong hộp giấy chữ nhật, một sinh viên cho rằng nó giúp tối thiểu hóa sự chiếm chỗ của các hộp sữa trong tủ giữ lạnh (làm giảm chi phí trưng bày sản phẩm), trái với lon nước giải khát thường được bày trên kệ không cần giữ lạnh.

Tuy nhiên, một số câu hỏi ít liên quan đến kinh tế, nhưng vẫn được chấp nhận chỉ đơn giản vì nó... quá thú vị.

Ví dụ câu hỏi về nút áo, khi mới được phát minh, nút áo là một món hàng xa xỉ. Vào thời đó, đàn ông thường tự mặc áo, còn phụ nữ thì có người hầu giúp mặc áo.

Vì 90% người thuận tay phải, nút áo sơmi thường được kết vào mép trái cho áo nam và mép phải cho áo nữ để tiện cho người hầu (đa số thuận tay phải).

Quan trọng là chịu tư duy

GS Frank nhấn mạnh rằng câu trả lời của sinh viên không nhất thiết phải đúng. "Điều quan trọng hơn là bản thân các câu hỏi phải thú vị và câu trả lời phải hợp lý”. Tính thú vị của câu hỏi được GS Frank đặc biệt lưu ý vì ba lý do.

Thứ nhất, để đưa ra được một câu hỏi hay, sinh viên phải lựa chọn từ nhiều phương án câu hỏi khác, và chỉ chuyện này thôi cũng đã là một bài tập có ích.

Thứ hai, sinh viên chọn ra được câu hỏi hay thì sẽ tâm đắc với bài làm của mình hơn và dành nhiều công sức để đầu tư cho nó.

Cuối cùng, sinh viên đưa ra câu hỏi hay thường thích bàn về nó với người khác.

"Nếu không đưa được một ý tưởng ra khỏi lớp học thì bạn chưa học được gì từ nó cả. Một khi đã sử dụng đến nó thì nó sẽ là của bạn, mãi mãi" - GS Frank khẳng định.

Khi ra bài tập này, ông muốn sinh viên không chỉ biết thêm về một sự thật thú vị trong cuộc sống, mà còn học được nhiều điều khác. Thật vậy, không thể phủ định rằng sinh viên đã rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng bổ ích.

Do yêu cầu chỉ được trả lời trong chưa đến 500 chữ, họ phải tìm cách trình bày thật ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu.

"Hãy tưởng tượng bạn nói chuyện với người nhà của mình và người đó chưa từng học qua về kinh tế. Bài thuyết trình hay nhất phải là bài mà người như thế đọc lên cũng hiểu. Thông thường những bài viết ấy không cần dùng đến phép tính số học hay đồ thị bảng biểu gì cả” - GS Frank yêu cầu.

Bên cạnh đó, kỹ năng tư duy của sinh viên cũng tiến bộ rõ rệt. Trong quá trình lập luận bảo vệ ý kiến của mình, sinh viên dần dần định hình trong đầu câu trả lời hợp lý nhất. Những cuộc trao đổi ý kiến còn giúp họ rèn luyện kỹ năng phản biện.

GS Frank đã tuyển chọn những câu hỏi và trả lời hay nhất của sinh viên đưa vào quyển sách The economic naturalist: In search of explanations for everyday enigmas (tạm dịch: Nhà tự nhiên kinh tế: Tìm kiếm lời giải cho những điều bí ẩn thường ngày).

Ông vinh danh tên của tất cả sinh viên tham gia trong quyển sách và trích một nửa tiền bản quyền cho Học viện John S. Knight thuộc Trường ĐH Cornell.

Sách đã được đón nhận nồng nhiệt tại Mỹ và tạo ra sự tranh luận sôi nổi ở nhiều diễn đàn trên mạng. Một số độc giả cho rằng câu trả lời trong sách chưa thỏa đáng và đề nghị một câu trả lời khác hợp lý hơn. Đối với GS Frank, đó là thành công, vì mục đích cuối cùng của bài tập này chính là khuyến khích tranh luận.

Theo Thanh Trúc
Tuổi Trẻ