Niềm vui của những trường “bội thu” thí sinh

(Dân trí) - Mặc dù tỷ lệ thí sinh đến dự thi thực tế chỉ chiếm khoảng trên dưới 60% nhưng không khí tại các Hội đồng thi của ĐH Y Hà Nội, Học viện Quan hệ quốc tế, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội… khá rộn ràng vì số thí sinh dự thi tăng đột biến so với năm 2006.

ĐH Y Hà Nội: Số thí sinh dự thi tăng gấp 3 lần

Nếu như năm 2006, số thí sinh dự thi thực tế của ĐH Y chỉ là 3.012 thí sinh “chọi” 800 chỉ tiêu thì năm nay, cũng chỉ 800 chỉ tiêu nhưng đã có 10.700 thí sinh dự thi, tăng gấp 3 lần.

Tỷ lệ thí sinh dự thi của ĐH Y Hà Nội năm nay đạt khoảng 68%. Trong buổi sáng hôm nay (9/7), số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đã tăng khoảng hơn 2% so với chiều tối qua. Tại tất cả các điểm thi của ĐH Y hôm nay, số thí sinh dự thi đều tăng. 

Trao đổi nhanh với Dân trí, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Đào Văn Long cho biết: Trong những năm qua, trường đã có sức hút hơn với thí sinh và đã chiếm được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội. 

Thưa ông, thí sinh vốn rất “sợ” ĐH Y Hà Nội vì điểm chuẩn của trường luôn ở mức khá cao. Phải chăng thí sinh năm nay “liều” hơn thí sinh những năm trước? 

Quả thật, ngay từ khâu đầu vào, ĐH Y Hà Nội đã rất nghiêm ngặt và khắt khe, một phần cũng là do đặc thù đào tạo của trường. Tất cả các giám thị của trường tham gia vào kỳ thi này đều là giảng viên và học viên sau ĐH, tuyệt nhiên không có sinh viên. 

Năm nay, số thí sinh dự thi vào ĐH Y tăng đột biến, theo tôi, vì hai năm nay, ĐH Y đã mở thêm 2 chuyên ngành mới, trong đó có chuyên ngành Bác sĩ Y học chuyển phòng, chuyên về lĩnh vực vắc-xin. Đó là một ngành học rất thu hút người học vì càng ngày, nhu cầu tiêm phòng vắc-xin của mọi người càng tăng. 

Mặt khác, điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội tuy cao nhưng chỉ cao ở một số chuyên ngành như Bác sĩ đa khoa và khi theo dõi về điểm chuẩn của trường, thí sinh nhận thấy nếu thích thì họ vẫn có vẫn có nhiều cơ hội nếu dự thi vào ĐH Y.

Tôi nghĩ rằng, không phải thí sinh năm nay “liều” hơn năm trước mà họ đã rất biết cách tra cứu thông tin cũng như sự tự tin mỗi khi quyết định dự thi vào trường nào. Đó cũng là một trong những thành công của việc tổ chức kỳ thi ĐH 3 chung mà Bộ GD-ĐT đã thực hiện trong 6 năm nay. 

Với số lượng thí sinh dự thi đột biến, thì điểm chuẩn của ĐH Y năm nay liệu có đột biến? 

Năm 2006, mặc dù chỉ có 3.012 thí sinh dự thi nhưng điểm chuẩn của ĐH Y vẫn không hề giảm. Điểm chuẩn thế nào còn phụ thuộc vào bài làm của thí sinh nhưng theo tôi, điểm chuẩn của ĐH Y sẽ vẫn nằm trong những top trường có điểm chuẩn cao nhất hàng năm.   

ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội: Lỗ vẫn cười tươi!

Trong cả hai đợt tuyển sinh, trường có gần 20 nghìn thí sinh dự thi, trừ đi số thí sinh “ảo”, trường thiệt hại trên 700 triệu đồng khi tổ chức thi. Dù vậy, trường vẫn dành riêng thêm 34 triệu đồng để in sách hướng dẫn chi tiết toàn cảnh các ngành học của trường để phát không cho mỗi thí sinh đến dự thi, mỗi cuốn sách có giá thành 20.000đ. 

Nếu so với con số hơn 4.000 thí sinh dự thi vào trường năm 2006 thì số thí sinh dự thi vào trường năm nay đã đạt con số kỷ lục. 

Rất phấn khởi, ông Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng trường cho đã chỉ ra 5 lý do dẫn đến của sự đột biến về số lượng thí sinh dự thi năm nay:

  • Trường luôn tôn trọng điểm sàn của Bộ.
  • Không phân biệt đối xử điểm giữa các khoa, ngành. Hết năm thứ nhất sinh viên mới chọn ngành.
  • Trường có nhiều loại hình đào tạo và trường còn thực hiện đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ.
  • Từ năm 2006, bắt đầu mở thêm chuyên ngành Tiếng Anh và Công nghệ thông tin.
  • Có nhiều hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài.  

Trả lời câu hỏi của PV rằng, phải chăng số thí sinh đạt được con số đột biến như vậy vì từ hai năm nay, trường bỏ được “mác” dân lập? Phó Hiệu trưởng Lê Khắc Đoá cho rằng: Tại sao các trường dân lập và tư thục lại phải cho thêm cái tên này vào trong khi tên trường đã rất dài, còn những trường công lập thi không. Chẳng hạn như ĐH Bách khoa, tại sao không gọi là ĐH công lập Bách khoa?  

Ông Đoá cũng cho biết, bằng ĐH cấp cho mỗi sinh viên của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng sẽ không có dòng nào ghi dân lập hay tư thực gì cả và sẽ bình đẳng như tất cả các các trường công lập khác.  

Học viện Quan hệ quốc tế: Thí sinh ít thực dụng hơn 

Niềm vui của những trường “bội thu” thí sinh - 1

Ông Phạm Sanh Châu

Đó là nhận xét của ông Phạm Sanh Châu, thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh Học viện Quan hệ quốc tế khi giải thích về hiện tượng số lượng dự thi vào Học viện tăng đột biến trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.  

Ông Châu cho biết: Nếu như nhiều năm trước đây, thí sinh khi thi ĐH luôn tính toán nếu đỗ ra trường làm gì, mức lương bao nhiêu thì nay xu hướng này có lẽ đang thay đổi và đó cũng có thể xem là sự trở lại của phong cách ít thực dụng hơn. 

Năm 2005, Học viện Quan hệ quốc tế có 630 thí sinh dự thi. Sang năm 2006, số thí sinh này nhỉnh lên 684 thí sinh, nhưng đến năm 2007, nhẩy vọt lên 2.618 thí sinh dự thi. Mức chỉ tiêu của  trường trong 3 năm là 200, 350 và 350 chỉ tiêu. 

Ông Châu phân tích: Từ năm 2006, trường mở thêm ngành đào tạo cử nhân tiếng Anh và là năm đầu tiên mở nên thí sinh chưa biết về ngành học này. Tuy nhiên, khi đã biết thí các em đều thích học ngành tiếng Anh tại Học viện hơn là những trường chỉ đào tạo ngoại ngữ thông thường như ở các ĐH Ngoại ngữ khác.  

Cùng đó, mức điểm chuẩn của những ngành mới mở tại trường cũng chỉ từ 19 đến 20 điểm, Học viện Quan hệ quốc tế lại là một trường có thương hiệu nhất định với tên gọi khá hấp dẫn từ nhiều năm nay, vì thế, các em không tội gì mà không thi vào đây. Cùng đó, với xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì vị thế của ngoại giao đang lên, tính hấp dẫn của trường càng nhiều hơn. 

Mai Minh
(Thực hiện)

Dòng sự kiện: Tuyển sinh ĐH 2007