Quảng Bình: Quy định các khoản cấm thu đầu năm học mới

(Dân trí) - Sáng 3/9, trao đổi với PV <i>Dân trí</i>, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết, Sở vừa ra văn bản gửi đến tất cả các trường học đóng trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn các khoản thu đầu năm, ghi rõ các khoản không được thu.

Theo đó, nhiều khoản tuyệt đối không được thu dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm: Tiền vệ sinh môi trường (trong đó tiền phí rác thải, vệ sinh sân vườn, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, phục vụ vệ sinh lớp học); tiền hỗ trợ các kỳ thi, tiền điện, nước sinh hoạt; tiền giấy kiểm tra của học sinh (trừ giấy thi học kỳ); tiền mua vở có lô 20 in hình ảnh của trường; tiền phụ huynh đóng góp thay cho lao động học sinh. Các khoản này chỉ dùng kinh phí chi thường xuyên được ngân sách nhà nước cấp để chi trả.

Cũng theo ông Liêm, trong văn bản hướng dẫn có nêu rõ nhiều khoản cấm thu hộ các tổ chức bao gồm: Bảo hiểm thân thể học sinh và các loại bảo hiểm khác (trừ bảo hiểm y tế), cơ quan bảo hiểm liên hệ với phụ huynh học sinh tại nơi cư trú về việc mua, bán các loại bảo hiểm này theo nguyên tắc tự nguyện.

Tiền mua đồng phục cho học sinh, riêng áo quần đồng phục cho học sinh được Sở GD-ĐT Quảng Bình quy định: phụ huynh học sinh và Ban đại diện Cha mẹ Học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đối với các loại áo quần đồng phục thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng thực hiện theo quy định về chuyên môn.

Quảng Bình: Quy định cấm “lạm thu” ở nhà trường trong năm học mới
Sở GD-ĐT Quảng Bình vừa ra văn bản hướng dẫn các khoản thu đầu năm gửi đến tất cả các trường học đóng trên địa bàn tỉnh nhằm tránh xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm.

Các loại quỹ (quỹ đoàn, đội, khuyến học, Ban đại diện CMHS); hội phí Chữ thập đỏ - đơn vị chỉ đạo các tổ chức đoàn thể liên quan thực hiện vận động quyên góp, ủng hộ và chi phí theo qui định cấp có thẩm quyền của các tổ chức đoàn thể.

Các khoản trên, nhà trường giao cho các tổ chức đoàn thể liên quan thu và chi theo quy định cấp có thẩm quyền, các đơn vị không thu hộ các khoản trên.

Ngoài ra, để đáp ứng một số hoạt động của nhà trường mà ngân sách nhà nước chưa đủ kinh phí để trang trải, các cơ sở giáo dục bàn bạc, thỏa thuận với Ban đại diện CMHS bằng văn bản; thông qua Hội đồng giáo dục; đề xuất với chính quyền xã, phường, thị trấn để tạo sự đồng thuận (đối với đơn vị trực thuộc phải thông qua Sở GD&ĐT).

Tuy nhiên, việc làm trên phải đảm bảo nguyên tắc: Tự nguyện; thu đủ bù chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, thu nhập trên từng địa bàn; mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi.

Theo đó, các loại khoản thu theo thỏa thuận bao gồm: Tiền học phẩm cho học sinh Mầm non; tiền phục vụ các lớp bán trú; tiền học 2 buổi/ngày; tiền học cho học sinh tiểu học có môn tiếng Anh lớp 1, 2 và môn Tin học lớp 3, 4, 5.

Trong đó, tiền phục vụ các lớp bán trú gồm tiền ăn; chăm sóc bán trú (bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân viên phục vụ); trang bị phục vụ bán trú, mua các trang thiết bị bán trú có chất lượng tốt và sử dụng cho các năm học tiếp theo (giường, chiếu, chăn, màn, bát, đĩa…); điện nước sinh hoạt phục vụ riêng cho công tác bán trú.

Bên cạnh những khoản cấm thu, văn bản cũng nêu rõ những khoản được thu theo quy định bao gồm: Các khoản phải thu (phí và lệ phí), các khoản được phép thu như: bảo hiểm y tế, dạy thêm, học thêm, tiền gửi xe học sinh.

 

Vừa qua, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã có văn bản gửi lãnh đạo các Phòng GD-ĐT trong toàn tỉnh, trong đó Sở nhấn mạnh các trường tuyệt đối không xảy ra lạm thu và tình trạng học thêm, dạy thêm trái quy định.

 

Theo đó, Sở quán triệt chỉ đạo các trường học thực hiện đúng các hướng dẫn về các khoản thu, chi trong nhà trường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời phổ biến các quy định về dạy thêm, học thêm; chỉ đạo chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.

 

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các trường cần tổ chức tốt đón học sinh nhập học, nhất là các học sinh đầu khóa; Quan tâm giải quyết, tham mưu, đề nghị các cấp giải quyết đúng chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước trong đối tượng học sinh thuộc diện chính sách, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật. Tổ chức phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường vận động khuyên góp hỗ trợ cho học sinh khó khăn, thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh: “đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở”.

 

Trương Nguyễn

 

Đặng Tài