“Sau lũ, cả cô lẫn trò sẽ còn khổ dài dài...”

(Dân trí) - Đi học trở lại sau lũ, nhiều học sinh ở Bình Định đã đến trường chỉ với bộ đồ đồng phục học trò. Không có sách, vở, đồ dùng học tập, có em chỉ có duy nhất một chiếc bút chì để đến lớp!

Mặc dù các lực lượng xung kích các cấp đã chung tay góp sức, nhưng cũng chỉ mới bước đầu làm sạch chỗ ngồi cho các em. Ai ai cũng trăn trở khi nhìn thấy cảnh cả học sinh lẫn thầy cô vùng lũ đến trường bằng đôi chân trần, không cặp sách. 

Chúng tôi gặp hai anh em Hồ Văn Quế, học lớp 5B và Hồ Thị Kim Hay, học lớp 2A, trường Tiểu học số 2 Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) trong tình cảnh hết sức éo le. Hai anh em Quế - Hay đang hí húy đảo tung đống sách vở bị lấp đầy bùn tại tiền sảnh của trường học để cố nhặt nhượm những gì có thể để các em mang vào lớp. Em Quế đã không cầm nổi nước mắt khi tôi hỏi vì sao em lại đào bới ở chỗ đống sách mục nát vì nước lũ.  

“Cô ơi, bây giờ nhà cháu không còn cái gì hết, nhà sập, đồ đạc trôi hết nên cái gì bố mẹ cũng phải đi xin, từ đôi dép đến chiếc khăn quàng đỏ. Giờ mẹ cháu chưa có tiền mua sách cho anh em cháu nên cháu xem ở đây (ở đống sách vở ướt sũng nước - PV) có cuốn nào dùng được cháu mang về phơi để dùng”, Quế buồn bã trả lời rồi quay mặt đi dụi nước mắt. 
 
“Sau lũ, cả cô lẫn trò sẽ còn khổ dài dài...”   - 1

Cô trò trường Tiểu học số 2 Nhơn Phú cùng nhau phơi những cuốn sách có thể sử dụng

Một tuần sau cơn lũ, hôm 9/11 trường tiểu học số 1 Nhơn Phú đã đón học sinh trở lại với những tình cảm rất cảm động mà có lẽ chưa bao giờ xảy ra ở ngôi trường này. Trong tiết học đầu tiên thay vì kiểm tra bài cũ như lệ thường, cô giáo dành 10 phút đầu giờ để thăm hỏi tình hình gia đình của các em: “Nhà ngập sâu không, các em đã ăn gì chưa, sách vở các em đã có chưa, bạn nào chưa có bây giờ cô phát cho các em một cuốn vở để ghi bài tạm nhé”. 

Học sinh vất vả để đến trường, giáo viên cũng khó khăn không kém. Trở lại lớp học, đứng trên bục giảng, những gì hiển hiện trước mắt không chỉ là những gương mặt học sinh thân yêu vẫn còn mệt mỏi do lũ dữ, mà chính còn ở sự ngổn ngang của thiết bị, đồ dùng dạy học, giáo án, sách của giáo viên đã bị ngấm trong nước lũ nhiều ngày. 

Cảnh hoang tàn, tiêu điều của trường Tiểu học số 2 Nhơn Phú không khác gì một trại chăn vịt, xung quanh bùn non còn chất thành lớp, trên nóc nhà xe từng mảng rác vẫn còn treo lơ lửng; bên hành lang, dọc bờ tường, giữa sân và cả trên bục giảng chỗ nào còn nền xi măng là thầy cô tranh thủ phơi sách vở, giáo án. Nơi cuối mỗi phòng học vẫn lấm lem đầy bùn và bốc mùi tanh tưởi, học sinh và cô giáo ngồi trong phòng học chỉ với viên phấn và những cuốn vở cứu trợ vừa được nhận từ một vài tổ chức. 

Cô giáo Nguyễn Thu Hồng tâm sự: “Nhà mình nước ngập lên đến nóc, bao nhiêu đồ đạc bị hư hỏng và trôi hết nên giờ đến trường phải đi nhờ đồng nghiệp và lên bục giảng cũng tay không chứ đừng nói là mấy em học sinh không có sách vở. Ở vùng này nước ngập sâu lắm, nhà ai cũng mất sạch, may mà có mấy chú bộ đội chứ không người cũng chẳng còn. Tình trạng này cả cô lẫn trò sẽ còn khổ dài dài...” 
 
“Sau lũ, cả cô lẫn trò sẽ còn khổ dài dài...”   - 2

Bục giảng cũng làm sân phơi sách, trên bàn học sách vở chỉ mới em có em không

Đi một vòng quanh các khu vực 3, 6, 7, 8 và xung quanh các trường học tại phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, chúng tôi đều thấy chung cảnh tượng nhà nhà tìm chỗ phơi lúa bị mọc mầm, chăn màn ướt lũ, sách vở ướt nhòe… 

Anh Hồ Văn Ròm, trú tại khu vực 8 phường Nhơn Phú, buồn rầu nói: “Nhà tui bị sập hoàn toàn. Cả 4 thành viên chạy được lên núi trú nạn, sau khi nước rút về lại nhà thì chỉ còn lại cái nền trơ trơ. Hai vợ chồng làm công nhân gỗ thu nhập chưa đầy 2 triệu/tháng, giờ 2 cháu đến trường đến đôi dép cũng hàng xóm cho, còn thì không có cặp sách. Thấy con như vầy tui chỉ biết nuốt nước mắt vào trong…”. 

Không còn thời gian để thống kê thiệt hại, các trường học trong vùng ngập lụt ở Bình Định hiện đang tập trung cho việc khắc phục hậu quả và linh hoạt có giải pháp để chủ động đồng hành cùng học sinh. Với những em không có sách vở, nhà trường đã trích quỹ khuyến học mua và phát cho mỗi em một cuốn tập để viết tạm.  

Dù vậy, đến ngày hôm nay, trong hầu hết các lớp học, số học sinh vắng mặt vẫn còn nhiều. Nguy cơ bỏ học là điều không ai muốn, nhưng có nhiều khả năng sẽ xảy ra. 

Liệu bao giờ trẻ em vùng lũ mới thật sự trở lại cuộc sống bình thường như trước? Điều trăn trở của các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh vùng lũ đang rất cần được sự sẻ chia của cộng đồng.  

Hà Khê