Hội nghị thi và tuyển sinh 2006:

Ba chung chưa khắc phục được mâu thuẫn trong tuyển sinh

(Dân trí) - Trao đổi với báo giới sáng nay về tình hình thi tốt nghiệp THPT, THBT, thi học sinh giỏi và thi tuyển sinh ĐH -CĐ năm 2005, phương hướng nhiệm vụ công tác thi và tuyển sinh 2006, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long cho biết:

- Các kỳ thi phổ thông và tuyển sinh ĐH -CĐ, THCN đã tiến hành đúng quy chế, trật tự, an toàn, được cải tiến gọn nhẹ hơn, giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, về khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi, lập hồ sơ dự thi của thí sinh... đều tồn tại nhiều thiếu sót.

 

Kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt hơn năm 2004 là 2,02%, trong đó  học sinh tốt nghiệp loại giỏi 3,34%, khá 13,7%. Giữa các môn thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể về tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. Cao nhất là môn ngoại ngữ 92,83%, thấp nhất là môn Vật lí 66,60%. Với tốt nghiệp bổ túc THPT thấp hơn năm trước, đại bộ phận chỉ tốt nghiệp loại trung bình, nhiều tỉnh không có học sinh tốt nghiệp loại giỏi. Tốt nghiệp THCS cả nước có khoảng 10,93% loại giỏi, 27,61% loại khá....

 

Năm 2005, là năm thứ 4 tuyển sinh theo giải pháp 3 chung và đã có thể khẳng định 3 chung đã không còn có gì mới mẻ. Nhưng thực tế đã nảy sinh rất nhiều sự cố không đáng có đã xảy ra, chẳng hạn như sự cố về đề thi?

 

So với 3 năm trước, cách ra đề thi năm 2005 về cơ bản vẫn theo nguyên tắc bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu lớp 12, không lắt léo, không đánh đố, có khả năng phân loại, phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh. Tuy nhiên việc điều chỉnh độ khó của đề thi các môn Toán, lý, Hoá khối A và khối B chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh được điểm 10, gây khó khăn cho các trường trong việc xét tuyển, đặc biệt là các trường khối Y, Dược, Ngoại thương.

 

Đáp án của các môn Hoá, Toán... còn sai sót. Đề thi môn Sử khiến thí sinh chưa quen nên kết quả môn sử thấp nhất. Tuy các trường tự ra đề thi đã thực hiện đúng các quy định về việc biên soạn, sao in, vận chuyển, sử dụng nhưng mức độ bảo mật chưa cao như ký hợp đồng mời cán bộ ra đề thi quá sớm như trường Cao đẳng Công nghiệp Sao đỏ, chưa triệt để cách ly cán bộ tham gia Ban đề thi như trường Cao đẳng Công nghệ và Quản lý kinh doanh.

 

Theo đánh giá của dư luận thì chính sự cố về đề thi đã gây ra một phổ điểm hơi bất bình thường?

 

Thống kê kết quả thì cho thấy có 31,68% tổng số thí sinh dự thi đủ cả 3 môn đạt tổng điểm 3 môn thi từ 15 điểm trở lên, trong đó khối A: 36,49%; khối B: 37,31%; khối C: 17,60%; D1 : tiếng Anh 24,43%; D2: tiếng Nga 59,11%; khối D3: tiếng Pháp 53,85%; D4: tiếng Trung 34,78%. Có 101 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi là 30 điểm, trong đó khối A là 98 và B là 3 thí sinh.

 

Do đề thi bám sát chương trình THPT, không dễ nhưng không qúa khó nên tổng số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ 15 điểm trở lên cao gấp 2 lần so với năm 2004. Đặc biệt, kết quả thi khối A và khối B khá cao. Điểm trung bình các môn thi khối A đều xấp xỉ 4,0; các môn thi khố B đều trên 4,0, riêng môn Sinh xấp xỉ 3,0. Khối C chỉ có 17,6% tổng số thí sinh có 3 môn thi đạt từ 15 điểm trở lên vì đề thi môn Sử tuy không khó và nằm ngoài chương tình THPT nhưng đòi hỏi thí sinh phải biết phân tích tổng hợp, do đó có tới 16,79% thí sinh bị điểm 0 (điểm trung bình môn Sử chưa đạt 2,0). Riêng số thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi được cộng điểm thưởng, có 13% có tổng 3 môn thi đạt dưới 15 điểm.

 

Tổng số thí sinh có 3 môn bị điểm 0 năm nay là 4.332, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2004, tập trung chủ yếu là khố A và B là hai khối có đề thi không khó. Đặc biệt có 81 thí sinh được cộng điểm thưởng vào kết quả thi đó là học sinh giỏi quốc gia hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi cũng bị điểm 0 một môn, hai môn hoặc cả 3 môn.

 

Kỳ thi tuyển sinh năm 2006, có những thay đổi gì trong phương hướng tuyển sinh thưa Thứ trưởng?

 

Giải pháp 3 chung theo Đề án cải tiến tuyển sinh giai đoạn 2002- 2007 đã thực hiện được 4 năm. Giải pháp này đã khắc phục được mâu thuẫn cơ bản trong công tác tuyển sinh là nhu cầu ĐH,CĐ ngày càng tăng vì khả năng đào tạo có hạn. Nhưng đó là giải pháp khả thi nhất trong tình hình nước ta hiện nay, nó đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề tốt để tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân.

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh