Bệnh thành tích là căn nguyên lạm phát học sinh giỏi

Hôm nay, 19/1 tại Hội nghị thi và tuyển sinh Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất bỏ quy định thưởng điểm với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Trao đổi với phóng viên, tổ trưởng nghiên cứu điểm thưởng, Phan Văn Kha cho rằng, với căn bệnh thành tích hiện nay, <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/1/98353.vip">số học sinh giỏi thực sự chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ</a>.

Với tư cách Viện phó Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, ông suy nghĩ gì trước những kỷ lục kinh hoàng của học sinh giỏi?

 

Thú thực, khi thống kê, tập hợp số liệu chính tôi cũng cảm thấy sửng sốt. Chỉ sau 2 năm (2003-2005) số học sinh tốt nghiệp loại giỏi trên toàn quốc đã tăng hơn gấp đôi. Trong điều kiện giáo dục còn nhiều bất cập thì tốc độ phát triển học sinh giỏi đột biến phản ánh không đúng thực chất học tập.

 

Tỷ lệ học sinh giỏi tăng chóng mặt nhưng kết quả thi ĐH, CĐ rất thấp, số thí sinh được điểm thưởng nhưng kết quả thi dưới trung bình (tổng 3 môn dưới 15) chiếm tỷ lệ khá cao. Thậm chí 263 em bị 1-3 điểm 0. Từ kết quả nghiên cứu qua số liệu thống kê, lấy ý kiến các cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là dư luận xã hội, chúng tôi đủ cơ sở đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT bỏ quy định điểm thưởng với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi, ngay trong kỳ tuyển sinh 2006.

 

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bội thực học sinh giỏi?

 

Chúng ta đang thiếu hệ thống quản lý chất lượng giáo dục thống nhất trong toàn quốc. Khâu đánh giá kết quả học tập THPT và chỉ đạo về tính điểm thưởng chưa được thực hiện thống nhất giữa các tỉnh và thành phố. Một số địa phương còn chủ ý tính thêm điểm ưu tiên, điểm thi tay nghề vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để nâng số học sinh được thưởng điểm.

 

Nhưng theo tôi, bệnh thành tích là căn nguyên quan trọng của vấn đề này. Việc đánh giá học tập bậc THPT tại một số cơ sở giáo dục chưa thực sự nghiêm túc, còn có những tiêu cực trong đánh giá và công nhận học sinh giỏi ở phổ thông. Ngay ở một số trường chuyên, cũng có một tỷ lệ khá cao học sinh giỏi thi ĐH, CĐ dưới 12 điểm.

 

Có ý kiến cho rằng, quy định điểm thưởng là chủ trương đúng, ngành giáo dục, cần chấn chỉnh công tác thực hiện chứ không phải bãi bỏ quy định này. Quan điểm của ông thế nào?

 

Điều không thể phủ nhận thực tế là trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách cũng phát hiện được số học sinh giỏi thực sự. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số học sinh được thưởng điểm. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân như tôi đã nêu.

 

Khâu tổ chức thực hiện chưa tốt chỉ là một lý do khiến chúng tôi đề xuất bỏ điểm thưởng. Lý do quan trọng là muốn tạo ra một sân chơi công bằng, cùng một vạch xuất phát với các thí sinh. Trong cuộc đua vào đại học, 2 điểm là rất lớn và trong nhiều trường hợp nó mang ý nghĩa quyết định. Tôi tin rằng, những em đã học giỏi thực sự sẽ không cần điểm thưởng vẫn có thể đỗ đại học

 

Thưa ông, tại sao chúng ta không giữ quan điểm trung hoà hơn, ví dụ như hạ khung điểm thưởng tối đa từ 2 điểm xuống 1 điểm?

 

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã đề cập vấn đề này. Chúng tôi cũng tính cả đến phương án nâng tiêu chuẩn để xét thưởng điểm. Tuy nhiên, trong tình hình thi THPT hiện nay, nếu chúng ta hạ mức thưởng điểm, số học sinh tốt nghiệp loại giỏi có thể lại tăng lên. Với những học sinh giỏi hẳn (đạt giải quốc gia, quốc tế) vẫn được tuyển thẳng vào ĐH. Chế độ ưu tiên dành cho đối tượng chính sách và khu vực vẫn được duy trì.

 

Việc thưởng điểm nhằm khuyến khích giáo dục toàn diện, nếu bỏ quy định này, Bộ GD-ĐT có lường tới tình trạng học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi ĐH?

 

Hiện nay, thi tốt nghiệp THPT có 6 môn, các em học lệch cũng khó vượt qua. Khi tiến hành nghiên cứu, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến các chuyên gia, không phải tất cả đều đồng ý bỏ điểm thưởng. Tất nhiên mỗi phương án có ưu và nhược điểm. Chúng ta phải nhìn tổng thế, không vì quyền lợi của một bộ phận học sinh. Theo tôi, cái được của bỏ điểm thưởng là lớn hơn, tạo sân chơi bình đẳng và sự đồng thuận trong xã hội.

 

Theo Việt Anh

Vnexpress