Bỏ ra 3.600 USD để... mếu!

Sau khi học xong khóa đào tạo 18 tháng tại Việt Nam, học viên của Trung tâm Đào tạo quản lý cao cấp SITC tại Đà Nẵng sẽ "Có cơ hội sở hữu bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) Mỹ với mức học phí… 3.600 USD” (?)

Có bằng nhưng không có giá trị pháp lý!

 

Buổi giải đáp thắc mắc của học viên về những thông tin mà báo chí đã nêu về Trung tâm SITC chi nhánh Đà Nẵng (54- Võ Văn Tần, Q.Thanh Khê) tổ chức vào chiều 14/5/2005 trở nên rất căng thẳng khi học viên của khóa đào tạo này nhận ra giá trị thật của tấm bằng mình sắp được sở hữu.

 

Đây là khóa đầu tiên của SITC tại Đà Nẵng, mở từ tháng 1/2005 với 36 học viên. Những thông tin từ báo chí, cơ quan chức năng và từ website về Trường Đại học American Capital University (ACU) đã làm cho học viên choáng váng vì quá bất ngờ.

 

Trước đây, khi quảng cáo về chương trình đào tạo này cũng như trong hợp đồng đào tạo, SITC cam kết khóa học kéo dài 18 tháng, học viên phải hoàn thành 12 tín chỉ. Sau khi hoàn thành khóa học, trung tâm sẽ cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo. Sau đó, các chứng chỉ này sẽ được chuyển sang Công ty SMTC tại Singapore để được xem xét và chuyển đổi thành bằng thạc sĩ nếu học viên thi đạt từ 8-10 điểm thông qua việc phối hợp với Đại học ACU của Mỹ.

 

Những thông tin và lời hứa hẹn đầy sáng sủa này đã khiến các học viên yên tâm chấp nhận với mức học phí cho khóa đào tạo 18 tháng này ở mức “trên trời”: 3.600 USD.

 

Thế nhưng trong thực tế, bản chất của tấm bằng này lại khác hoàn toàn. Sau khi báo chí nêu về hiện tượng không bình thường của SITC tại Việt Nam trong việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã xác minh và sự thật về tấm bằng thạc sĩ này lại không hề giống như học viên mong đợi.

 

Theo thông tin từ cơ quan này, ACU chỉ là một trường tư thục do bang Wyoming (Hoa Kỳ) cấp phép thành lập và hoạt động như một doanh nghiệp. Đại học này chỉ chuyên đào tạo từ xa, qua mạng Internet, không có cơ sở giảng dạy và chỉ có văn phòng tại thành phố Cheyenne thuộc bang Wyoming.

 

Những văn bằng của đại học này cấp không có giá trị quốc gia. Theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi bằng cấp này cũng không có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

 

SITC lúng túng

 

Trước sức ép của học viên, đại diện SITC từ Singapore đã trực tiếp sang để giải thích những thắc mắc mà học viên nêu, nhưng tại buổi "chất vấn", SITC lại giải thích kiểu vòng vo.

 

Theo nhiều học viên cho biết, cách đào tạo tại SITC có chất lượng khá tốt, đáp ứng được nhu cầu về kiến thức của học viên. Tuy nhiên, học viên phản đối vì SITC đã cố tình không cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin về tấm bằng thạc sĩ mà họ có thể sẽ được nhận sau quá trình đào tạo.

 

Trong quảng cáo, họ chỉ nhận được thông tin là "cơ hội để được cấp bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh từ ACU của Mỹ". Điều này đã gây ngộ nhận cho học viên vì chính bản thân họ mong đợi ngoài kiến thức phải có một tấm bằng có giá trị pháp lý.

 

Sau khi tất cả các học viên tỏ thái độ không chấp nhận tiếp tục khóa học theo kiểu lấy bằng thạc sĩ từ ACU, đại diện SITC đã đưa ra hai trường đại học khác là Đại học Preston (Mỹ) và Ballarat (Australia). SITC hứa hẹn nếu học viên đồng ý sẽ được chuyển sang cho một trong hai trường này xét và cấp bằng thạc sĩ.

 

Tuy nhiên, học viên vẫn không chịu vì bản thân họ chưa biết thực hư về những trường này và tấm bằng thạc sĩ của họ liệu có tiếp tục rớt vào cảnh dở khóc dở cười như kiểu bằng cấp của ACU hay không?

 

Theo Nguyễn Khánh ThànhThanh niên

Dòng sự kiện: Thạc sĩ rởm