Cảnh giác với "bằng cấp quốc tế":

Chưa cử nhân vẫn là... thạc sĩ quốc tế

Những năm gần đây xuất hiện nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế với những quảng cáo nghe rất "oai": đào tạo BBA, MBA, DBA với học phí vừa phải, thời gian ngắn, bằng cấp của Mỹ được quốc tế công nhận... Nhưng đằng sau chúng là vô số những bất ngờ…

Paramount University of Technology (PUT) là một trong những trường quốc tế như thế. Đặc biệt là chương trình đào tạo MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) từ xa do Công ty TNHH Minerva Vietnam Education (trụ sở tại tầng 3, 47 Bà Triệu, Hà Nội) tổ chức chiêu sinh...

 

Với cách tổ chức của PUT, đơn vị đào tạo không cần thuê mặt bằng, không cần phải bỏ vốn mở trường lớp vì học viên chủ yếu tự học ở nhà theo tài liệu được đưa trước. Một nữ nhân viên của Minerva Vietnam tên Hạnh giải thích với chúng tôi rằng đào tạo từ xa cũng tương tự như đi du học ở nước ngoài nên việc đào tạo ở đây khỏi cần xin phép (?).

 

PUT quảng cáo: "Đạt được một tấm bằng quốc tế mà không phải rời xa công việc, học viên có thể tham dự chương trình vào bất cứ lúc nào theo thời gian biểu của mình và hoàn thành chương trình trong thời gian tối thiểu là 12 tháng...".

 

Theo đó, ngay cả người chưa có bằng đại học mà có tối thiểu 5 năm công tác cũng được nhập học. Khi đó, học viên chỉ cần tham gia 1 khóa "tiền MBA" (pre-MBA) trong 6 tháng và phải trả thêm 1.750 USD. Nếu theo tiếp để làm MBA thì phải trả 3. 600 USD. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, 1 nữ nhân viên của công ty Minerva Vietnam tên Trang "bật mí": "Không nhất thiết phải đủ 5 năm công tác cũng có thể được nhập học".

 

Chương trình học cũng khá dễ chịu: Nếu MBA thông thường thì chỉ học 7 môn (khoảng 1 tháng/môn) và viết 1 dự án 10.000 từ. Học viên chủ yếu học ở nhà theo tài liệu được cấp, mỗi môn 1 cuốn. Thời gian học tập trung do thầy giáo nước ngoài giảng bài chỉ có 2 bài cho mỗi môn. Như vậy thời gian lên lớp của cả chương trình đào tạo thạc sĩ này chỉ... 14 ngày.

 

Cô Hạnh cho biết ở đây còn đào tạo cả MBA bằng tiếng Việt (dành cho người không biết tiếng Anh). "Cùng một chương trình nhưng do giáo viên người Việt dạy và chấm bài. Bằng vẫn là do PUT cấp".

 

Theo lời của các nhân viên, hiện có khoảng 200 người đã và đang theo học chương trình MBA của PUT và hầu như "chưa có ai bị trượt". Trong số này không thiếu những người được cơ quan nhà nước tài trợ, cử đi học.

 

Cử nhân... tốc độ!

 

PUT còn liên kết với 1 số tổ chức khác để đào tạo tập trung. Đơn cử chương trình đào tạo cử nhân (BBA) 12 tháng phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM (ISSAD). Viện này mượn một phần nhỏ mặt bằng của ĐH DL Văn Lang để làm phòng học và đăng ký chiêu sinh.

 

Ngồi trong một góc mé cửa ra vào của trường, người đàn ông nhận hồ sơ cho biết, chương trình cử nhân có 8 môn do giáo viên người Việt dạy, học phí 300 USD/môn. Còn bài thi thì làm bằng tiếng Anh và gửi sang Mỹ chấm(?). Chỉ cần người có bằng cấp 3, đã từng tốt nghiệp một chương trình đào tạo riêng của Viện về quản trị trong vòng 20 tháng là có thể tham gia học cử nhân.

 

Chương trình này, theo quảng cáo, chỉ vọn vẹn có 48 tuần nhưng thực tế thời gian học chưa đầy phân nửa, tức cỡ dưới 6 tháng vì mỗi tuần học 3 buổi, mỗi buổi chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Với thời gian trên mà có thể lấy được bằng cử nhân của một trường đại học nước ngoài thì thật là... siêu!

 

PUT còn liên kết đào tạo ADBA (cao đẳng), BBA, MBA với viện kế toán và quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian lại dài hơn rất nhiều, ví dụ BBA kéo dài tới 3 năm mà đầu vào phải là trung cấp - kỹ thuật viên đã tốt nghiệp tại viện. Cách đào tạo, theo một cán bộ tên Dũng nói, chương trình do thầy giáo Việt tự dạy, tự chấm bài, nếu đạt thì học viên sẽ được PUT cấp bằng. Chúng tôi hỏi: "Bằng thì do PUT cấp nhưng lại không phải chính giảng viên của trường dạy liệu có hợp lý?". Ông Dũng khẳng định đội ngũ giảng viên toàn những người có đủ trình độ, có người từng là tiến sĩ, thạc sĩ ở châu Âu về.

 

Thực chất?

 

PUT được Bộ Giáo dục đại học bang Wyoming (Mỹ) cấp phép hoạt động từ tháng 11/2003. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Giáo dục đại học Liên bang Mỹ và Bộ Giáo dục đại học Bang Wyoming, PUT chưa được kiểm định và không được công nhận đạt chuẩn về chất lượng giáo dục và đào tạo ở Mỹ.

 

Mặc dù luật của Bang Wyoming quy định phải công khai điều này với sinh viên nhưng trong các quảng cáo của mình, PUT chỉ luôn nói rằng họ là thành viên của một loạt các hiệp hội như Tổ chức Đào tạo Cao học Mỹ (AAHE), Tổ chức quốc tế đào tạo từ xa và đào tạo mở rộng (ICDE), Tổ chức đào tạo mở rộng của Anh quốc (BAOL) hoặc chương trình của trường đã được Tổ chức Kiểm định Anh quốc (UKAS) công nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001...

 

Kiểu quảng cáo như vậy rất dễ gây ngộ nhận rằng PUT là 1 trường danh tiếng, đẳng cấp quốc tế. Thật ra, việc gia nhập các hiệp hội nói trên, theo chúng tôi được biết, rất đơn giản. Chỉ cần đóng hội phí hàng năm thì bất kỳ ai cũng có thể là hội viên. Còn việc UKAS cấp chứng chỉ Iso 9001 không có nghĩa là trường đã được công nhận đạt chất lượng giáo dục và đào tạo.

 

Ngay tại Wyoming, cơ sở vật chất của PUT dường như không có gì ngoài một vài căn phòng lèo tèo. Trong bài viết "Cảnh báo các "xưởng cấp bằng" đang đổ về Wyoming" (đăng trên trang web của CNN ngày 8/2) của phóng viên AP: "Chỉ riêng Cheyene - thành phố thuộc tiểu bang Wyoming- đã có 6 trường đại học trực tuyến; 5 trong số đó ở cùng một vài tòa nhà lân cận nhau".

 

Hai trường đại học xài chung một số điện thoại?

 

Điều hết sức ngạc nhiên là trên văn bằng mẫu của PUT, chữ kỹ của tiến sĩ Saleem H Zaidi, Hiệu trưởng PUT cũng trùng với chữ ký của Hiệu trưởng Đại học Southern Pacific University (SPU). Theo thông tin trên trên website degreeinfo.com, một diễn đàn chuyên về giáo dục, PUT chính là "hậu duệ" của SPU(?).

 

Thông tin này cũng cho hay trung tâm tuyển sinh của SPU và PUT ở Malaysia từng sử dụng chung một địa chỉ, một số điện thoại và fax. Sau khi bị phản ánh, PUT đã thay đổi địa chỉ và xóa số điện thoại và fax của trung tâm này ra khỏi website của họ. Việc một trường đại học không muốn để số điện thoại và số fax lên website chính thức của mình quả là... bí ẩn.

 

Thật ra, SPU là một cái tên không xa lạ trên thị trường đào tạo từ xa ở VN. Chương trình đào tạo của SPU từng được tổ chức thông qua Công ty TNHH Quốc tế MCM.

 

Thế nhưng, những "thành tích" của SPU thì không phải ai cũng biết. Ngoài những vấn đề như chưa được kiểm định, các tiểu bang Oregon và Michigan (Mỹ) không cho phép sử dụng văn bằng của SPU, trường này còn bị tòa án Hawaii ra phán quyết cấm tiếp tục hoạt động ở Hawaii, bị buộc phải trả lại học phí cho các sinh viên và nộp phạt dân sự do đã cố tình lừa dối sinh viên, không công khai về việc trường chưa được kiểm định chất lượng.

 

Sau khi bị trục xuất khỏi Hawaii, SPU đã đăng ký và tái thành lập tại đảo quốc Kitss và Nevis. Đảo quốc này, theo Alan Contrenas - Giám đốc Văn phòng kiểm định thuộc tiểu bang Oregon, "nổi tiếng khắp nửa bán cầu vì cấp phép cho bất kỳ thứ gì thành trường đại học".

 

VNN - theo Pháp Luật TPHCM

Dòng sự kiện: Thạc sĩ rởm