Bộ trưởng Bộ Giáo dục mong giữ ba chữ "an" trong trường học

Mỹ Hà

(Dân trí) - Bộ trưởng mong muốn giữ ba chữ "an" trong trường học: học trò đến trường được an toàn, thầy cô giáo làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường an tâm.

Sáng 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2023; kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ đội ngũ nhà giáo Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà phải phấn đấu trở thành mẫu mực, là khuôn mẫu cho nhà giáo cả nước.

Đối với trường học, ông mong muốn giữ được 3 chữ "an". Đó là, học trò đến trường phải được an toàn, thầy cô giáo làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường được an tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục mong giữ ba chữ an trong trường học - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Hà Nguyễn).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Hà Nội có quy mô giáo dục hàng đầu cả nước với gần 2,3 triệu học sinh. Đây là nơi phụ huynh có trình độ, đòi hỏi cao nhưng ngược lại, cũng là địa phương có nhiều thuận lợi về hợp tác quốc tế.

Giai đoạn đổi mới giáo dục, vai trò của người thầy cũng dần thay đổi từ trang bị kiến thức, kiểm tra đánh giá sang dẫn dắt, định hướng học trò không ngừng thích nghi, tự tích lũy tri thức không giới hạn nên đòi hỏi người thầy càng phải nỗ lực đổi mới chính mình.

Với trách nhiệm của đơn vị chủ quản, Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ không ngừng kiến nghị những chính sách để Đảng, Chính phủ thấu hiểu hơn và trên thực tế cũng đang dần có những chính sách để cuộc sống của nhà giáo tốt hơn.

Các nhà giáo được tôn vinh tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc đã rất quý, trong thời kỳ đổi mới, công việc của ngành đầy khó khăn và thầy cô đã vượt lên được lại càng đáng quý.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược của thành phố.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục mong giữ ba chữ an trong trường học - 2

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương (Ảnh: Hà Nguyễn).

Năm nay, Thủ đô có 13 tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động; 8 tập thể được tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; 39 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 41 cá nhân được Sở GD&ĐT trao tặng Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2023.

Tại buổi tuyên dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương nêu bật kết quả của ngành năm học 2022-2023 và khẳng định, giáo dục Hà Nội đã phát triển cả về quy mô, chất lượng, tiếp tục khẳng định vị thế "đầu tàu".

Toàn thành phố có 2.875 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh; gần 123.000 giáo viên; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 72,7%.

Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Học sinh Hà Nội dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Đặc biệt, năm 2023, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội có tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022.