PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng:

Chấp nhận “ế” học viên tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo

(Dân trí) - “Vấn đề mấu chốt ở đây là chất lượng đào tạo phải đủ uy tín để nhà tuyển dụng chấp nhận. Ở góc độ quản lý giáo dục, để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng tôi chấp nhận “ế” học viên hệ tại chức”.

PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng thẳng thắn chia sẻ quan điểm trước thông tin “Đà Nẵng “nói không” với sinh viên hệ tại chức”.  

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, yêu cầu về bằng cấp, trình độ nhân sự là tiêu chí riêng của mỗi nhà tuyển dụng. Ngay cả ĐH Đà Nẵng khi tuyển dụng giảng viên cũng có yêu cầu nguồn nhân sự phải tốt nghiệp hệ đào tạo hệ chính quy loại khá, giỏi để đáp ứng được yêu cầu của công việc tại trường.

Trên nguyên tắc, bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy hay hệ vừa học vừa làm, trước đây gọi là hệ tại chức, có giá trị như nhau. Không phải ai học ĐH hệ chính quy cũng giỏi. Không phải ai học ĐH hệ chính quy hiển nhiên đều có năng lực hơn những người theo học ĐH hệ tại chức. Nhưng thực tế cho thấy, các đơn vị tuyển dụng e dè chính vì chất lượng đào tạo chung của hệ đào tạo tại chức.
 
Chấp nhận “ế” học viên tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo - 1
PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng.

Hiện nay, các học viên theo học hệ tại chức đang ngày càng trẻ hóa. Trước đây, học viên hệ này chủ yếu là những người đã đi làm. Vì nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, vì yêu cầu của công việc, họ đăng ký học thêm. Nhưng hiện nay, không ít học viên chọn học hệ tại chức vì chuẩn thi tuyển đầu vào “dễ thở” hơn hệ chính quy. Và thực tế cũng có không ít nơi đào tạo dễ dãi cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Điều này vô tình tạo ra những đánh giá, nhìn nhận thiếu công bằng đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH hệ tại chức với sinh viên.

Vấn đề mấu chốt ở đây là chất lượng đào tạo phải đủ uy tín để nhà tuyển dụng chấp nhận. Ở góc độ quản lý giáo dục, chủ trương của ĐH Đà Nẵng là tổ chức thi tuyển “đầu vào” nghiêm túc và sàng lọc kỹ “đầu ra”. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức tại ĐH Đà Nẵng chỉ đạt tỷ lệ từ 30- 50% so tổng số sinh viên đã theo học. Thậm chí, có ngành tỷ lệ này chỉ đạt từ 10- 15%. Chẳng hạn như ngành Xây dựng dân dụng tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Có cả ngành không mở được lớp như ngành Kế toán.

Số lượng sinh viên theo học hệ tại chức tại Trường ĐH Đà Nẵng cũng ít hơn hẳn so với sinh viên hệ chính quy. Chẳng hạn, trong hơn 20 nghìn sinh viên tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng chỉ có hơn 5 nghìn sinh viên đang học hệ tại chức.

Không phải không có người muốn học mà họ không chọn ĐH Đà Nẵng vì sợ khó đậu, khó tốt nghiệp. Số lượng học viên càng nhiều càng tạo thêm nguồn thu cho nhà trường. Nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng tôi phải chấp nhận “ế” sinh viên hệ tại chức. Chúng tôi chấp nhận việc không mở được lớp chứ không thả lỏng chất lượng đào tạo. Nên khi trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ĐH hệ tại chức, chúng tôi mới thực sự “đau lòng” khi những người thực sự cầu tiến, học hành đàng hoàng, chăm chỉ, khó lắm mới lấy được tấm bằng lại bị đánh đồng với những tấm bằng ĐH tại chức nhận được dễ dàng hơn.

Khánh Hiền (ghi)