Cử tri TPHCM: "Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng"

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Giáo viên công tác 5 năm, thu nhập chỉ 5,5 triệu đồng, thấp hơn cả lao động phổ thông. Trong khi lương cơ bản tăng một, giá cả tăng gấp nhiều lần, trả theo hình thức cào bằng", một hiệu trưởng nêu.

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 1

Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh trong một tiết dạy (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Lương giáo viên thấp hơn cả lao động phổ thông, sao đủ sống?"

Giáo viên 5 năm đi làm nhưng thu nhập chỉ ở mức khoảng 5 triệu đồng - đó là thực trạng đầy nhức nhối được ông Lê Văn Lực - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) - chia sẻ tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa V.

Theo ông Lực, thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện, xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp...

Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.

Đối với đơn vị này, hiện mức lương của giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng/người. Mức lương này không cao, bởi công nhân lao động phổ thông đã có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe...) rất cao.

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 2

Ông Lê Văn Lực - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) - phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Với mức lương này, giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống. Dẫn đến, một số giáo viên tại đơn vị phải nghỉ việc, chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.

"Việc tăng lương cơ bản từ ngày 1/7/2023 chỉ là sự động viên tinh thần, bởi thực tế số tiền tăng đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá của hàng hóa, cùng với nhu cầu đời sống ngày càng cao", ông Lực thẳng thắn bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Tấn Tài bày tỏ tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tại đơn vị này nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua luôn không tuyển đủ giáo viên.

Bởi vậy, mong ước chung của thầy cô là được trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới. Điều này sẽ giúp thầy cô đỡ vất vả hơn trong cuộc sống, có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm nhiều nghề "tay trái" như bán hàng online, làm gia sư.

"Hiện vẫn còn tình trạng trả lương mang tính "cào bằng", "làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau", tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức", ông Lực đề xuất.

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 3

Đại biểu dự Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa V (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhìn chung, theo vị Hiệu trưởng, chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần "cải cách" nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến.

Tiền lương thấp không kích thích được cán bộ công chức, viên chức và người lao động gắn bó với Nhà nước, không thu hút được nhân tài, dẫn đến hiện tượng người làm việc giỏi, có tài bỏ khu vực Nhà nước ra làm việc cho khu vực ngoài Nhà nước, nơi có tiền lương và thu nhập cao có xu hướng ngày càng tăng. Mặt khác, lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.

Qua các phân tích trên, ông Lực đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Đối với giáo viên mới vào nghề, hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học...

Cùng với đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) nhằm khắc phục triệt để tính "cào bằng" trong chi trả lương hiện nay, phát huy khả năng, trí tuệ của mọi người trong lao động, sản xuất, động viên khuyến khích người có tài , có trình độ yên tâm công tác trong khu vực công.

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 4

Bà Nguyễn Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Bà Nguyễn Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5) - nêu thực trạng tỷ lệ giáo viên mới ra trường bỏ nghề, nghỉ việc còn ở mức cao, thành phố không tuyển đủ giáo viên mầm non. Các đơn vị khó khăn khi chi trả lương cho nhân viên nấu ăn, vệ sinh.

Ông Lương Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) nêu vấn đề quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa chưa hợp lý. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động có hệ số lương thấp.

"Hệ thống thang, bảng lương hiện nay còn rườm rà, khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc. Một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp, hệ số lương khởi điểm các ngạch có trình độ đại học 2,34; ngạch nhân viên văn thư 1,35; nhân viên phục vụ 1,0 là quá thấp chưa khuyến khích người lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Minh nêu.

Ngoài ra, hiện nay, viên chức đang công tác tại các trường THPT như y tế, văn thư, thư viện có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp. Một số vị trí khác chỉ nhận lương theo hệ số lương cơ sở không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành.

Mặt khác, nhiều trường không có nguồn lực để chi trả hợp đồng nhân viên bảo vệ theo diện hợp đồng của Nghị định 111 nên vô cùng khó khăn.

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, ông Lương Văn Minh bày tỏ khó khăn tại điểm a, khoản 1, điều 3 yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Theo ông Minh, đây là lao động thời vụ nên trích đóng bảo hiểm xã hội rất khó.

Kiến nghị nhân viên đều được hưởng thâm niên nghề

Về vị trí việc làm, ông Nguyễn Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) - đề xuất có chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư trong các trường phổ thông vì hiện nay mức thu nhập của đối tượng này còn thấp.

Ngoài ra, ông đề nghị bổ sung chức danh giám thị - người giúp trường học thực hiện quản lý học sinh một cách tốt nhất - nhưng Nghị định 111/2022/NĐ-CP chưa thể hiện vị trí này.

Một điểm chưa hợp lý khác là chế độ chính sách tại Thông tư 05/2023 quy định chức năng nhiệm vụ nhân viên trong công tác trường chuyên ngoài thực hiện nhiệm vụ chung có thêm các nhiệm vụ đặc thù nhưng chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm trường chuyên.

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 5

Ông Nguyễn Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè) - bày tỏ khó khăn đối với các vị trí như nhân viên văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ. Theo quy định, các trường từ 28 lớp trở lên được bố trí tối đa 3 người, trường dưới 28 lớp tối đa 2 người. Điều này gây khó khăn cho các trường dưới 28 lớp trong việc bố trí nhân sự đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Cùng với đó, các trường khó tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và chức danh nhân viên công nghệ thông tin do vị trí việc làm này không có ứng viên đáp ứng trình độ, đồng thời lương, phụ cấp của các vị trí này thấp.

Bà Lợi đề xuất các trường tiểu học được bố trí tối đa 3 nhân viên ở các vị trí văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ. Đồng thời, vị hiệu trưởng kiến nghị tất cả viên chức làm việc trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên nghề (kể cả viên chức là nhân viên văn phòng).

Cử tri TPHCM: Lương giáo viên còn cào bằng, làm 5 năm chỉ 5,5 triệu đồng - 6

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đồng thuận với các kiến nghị của cử tri ngành giáo dục, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - kiến nghị về nội dung cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp.

Theo ông Dũng, để tạo bước đột phá cần có thêm cơ chế để các đơn vị sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, quản lý và sử dụng biên chế hợp đồng lao động tại đơn vị.

Về vị trí việc làm, một số vị trí khó khăn thu hút nhân lực tốt như công nghệ thông tin, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ… Ông nhấn mạnh, chúng ta đang đi tới chuyển đổi số áp dụng công nghệ thông tin song cán bộ kiêm nhiệm như vậy rất khó để thực thi các nhiệm vụ ngày càng phức tạp.