Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời

(Dân trí) - Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra chủ trương: "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập".

Đại hội toàn quốc lần thứ X lại xác định thêm "chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập".

Xây dựng XHHT là một chủ trương quan trọng

Các Văn kiện chính gồm Cương lĩnh (bổ sung, phát triển), Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2020 sẽ trình Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đã nêu bật vấn đề "đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời".

Như vậy trong 10 năm qua vấn đề "xây dựng xã hội học tập" đã được 3 Đại hội của Đảng đề cập đến.

Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là một chủ trương quan trọng, một cuộc vận động cách mạng to lớn, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài phù hợp với xu thế của thời đại khi giáo dục - đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia. Trước mắt xã hội học tập sẽ tạo thế và lực nội sinh phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, với những bước đi vừa tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt, đi tắt, đón đầu, rút ngắn thời gian đuổi kịp các nước đi trước.

Để cấu trúc lại nền kinh tế - xu thế nổi trội xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Toàn bộ những công việc đó  chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền giáo dục được chấn hưng,  chuyển biến nhanh, mạnh và không ngừng được nâng cao gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển và đời sống xã hội. Muốn thế phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào giáo dục - đào tạo, từ đó làm tăng gấp bội những tri thức mới với tư cách là nguồn vốn vô hình, của cải mới, nội sinh của quốc gia.

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời - 1
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.

Học tập là phương thức chủ yếu để nâng cao dân trí, làm giàu trí tuệ, tiếp thu và sáng tạo ra tri thức mới, làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao,  trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh toàn cầu hoá đang không ngừng gia tăng. Điều đó chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện đào tạo liên tục, học tập thường xuyên, học tập suốt đời - nhân tố đang và phải trở thành một đặc trưng trong lối sống của cán bộ, đảng viên và mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, nghề nghiệp và giới tính. Trong bối cảnh quốc tế mới phải chăng cần quan niệm vấn đề giáo dục - đào tạo rộng hơn nhiều so với quan niệm mấy lâu nay. Nó phải bao gồm giáo dục chính quy trong nhà trường, còn gọi là giáo dục ban đầu từ mầm non đến đại học và sau đại học mà đối tượng chủ yếu là thế hệ trẻ với khoảng 22 triệu người, chiếm 1/4 dân số, mà còn phải bao gồm cả giáo dục tiếp tục, giáo dục sau  nhà trường, giáo dục ngoài xã hội, giáo dục cho người lớn mà đối tượng chủ yếu là những người lao động: nông dân, công nhân, những người đang công tác, những người không có điều kiện đến trường và những người cao tuổi... với hơn 60 triệu người chiếm khoảng 3/4 dân số.

Khuyến học là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 7 (khoá IX) đã chủ trương tăng cường khối đại đoàn  kết toàn dân tộc, phát động sâu rộng các phong trào thi đua, thực hiện 3 cuộc vận động lớn: Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và Toàn dân đoàn kết xây dựng xã hội học tập. Trong 3 phong trào đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng XHHT tuy được triển khai chậm hơn nhưng xét tính chất và tác dụng sẽ là nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ để duy trì và phát triển các phong trào làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hoá.

Thực chất của việc xây dựng cả nước trở thành một XHHT là xây dựng một nền giáo dục nhân dân, một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân mang đậm tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng và tính  hiện đại, một nền giáo dục có thể đưa "dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái" như Bác Hồ hằng mong ước. Để tiến tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập  trước hết phải động viên mọi người dân thông qua phong trào khuyến học, khuyến tài, tham gia học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ đều được học, đặc biệt là tự học, học thường xuyên, học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học về văn hoá, khoa học công nghệ, nghề nghiệp, lối sống; học để biết, để làm, để chung sống, để phát triển cá nhân và cộng đồng, để phục vụ Tổ quốc; học để nâng cao dân trí, dào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh xã hội  hoá, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để mọi người tham gia xây dựng phát triển giáo dục - đào tạo, cụ thể là tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị đã xác định: công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. 

Ý tưởng cao đẹp đó, chủ trương quan trọng đó chỉ trở thành hiện thực khi ta nắm vững thời cơ, tích cực tổ chức thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với tình hình, gắn với yêu cầu phát triển và điều kiện thực hiện từng nơi, từng lúc.

Phong trào quần chúng sâu rộng

15 năm trước đây, nhận thức sâu sắc xu thế của thời đại, nắm vững mong ước tột bậc của Bác Hồ "đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành",  một số các đồng chí lãnh đạo tiền bối như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã đề xuất việc thành lập một tổ chức xã hội để phối hợp với cơ quan của Nhà nước đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh và mở rộng việc học tập trong nhân dân nhằm thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển đất nước. Tháng 10/1996 Hội Khuyến học Việt Nam ra đời. Mười bốn năm qua kể từ ngày thành lập, với hoạt động tích cực và đầy tâm huyết của các cán bộ và hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Hội đã có mặt ở khắp mọi địa bàn dân cư, tại 100% tỉnh, thành, 100% huyện, thị, quận, gần 100% xã, phường, còn nhanh chóng lan toả đến thôn, làng, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... với trên 200.000 chi hội, len lỏi đến từng gia đình, tác động đến tận người dân. Những thiết chế độc đáo Việt Nam đã được xây dựng như  gia đình hiếu học  (hiện đã có  hơn 3,5 triệu gia đình được công nhận), dòng họ khuyến học (hiện đã có gần 4 vạn dòng họ được công nhận), hàng vạn cụm dân cư khuyến học... Đặc biệt Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục - đào tạo thiết lập được hơn 9.600 trung tâm học tập cộng đồng (mỗi xã, phường có 1 trung tâm) tại 95% số xã, phường trong cả nước. Trung tâm  học tập cộng đồng là thiết chế học tập thường xuyên và lâu dài cho người dân, là trường học của dân, do dân, vì dân theo phương châm "cần gì học nấy". Tất cả những thiết chế này là tiền đề, để tiến tới xã hội học tập, là cơ sở để xây dựng xã hội học tập.

Do nước ta có nhiều khác biệt giữa các vùng miền: giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; khác biệt về dân trí, về trình độ học vấn, về trình độ phát triển, điều kiện vật chất, về địa lý... nên không thể ngày một, ngày hai xây dựng được  cả nước trở thành một xã hội học tập; do đó, phải có thời gian, phải đi từng bước, từ thấp đến cao, từ cơ sở đi lên, từ địa phương đến toàn quốc.

Chính qua phong trào khuyến học, khuyến tài mà tìm ra mô hình xã hội học tập cho các cấp.

Nghị quyết 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện "Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" có thể gọi là bước đầu tiên gắn công tác khuyến học, khuyến tài với xây dựng xã hội học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này. Về phần mình, Hội cũng đã cố gắng trên cơ sở đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài tìm và xây dựng mô hình xã hội học tập trong 7 năm qua. Nghị quyết "Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở" đã được thực hiện và đã tổng kết rút ra những kết luận thiết thực về mô hình XHHT ở cơ sở. Ngoài ra TW Hội đã hoàn thành đề tài khoa học cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao về "Xây dựng mô hình XHHT ở Việt Nam" được Hội đồng nghiệm thu  cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc.

Đó là những căn cứ để chuyển sang giai đoạn: "Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập" ở nước ta.

Tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị là: "Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân". Để động viên toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp tham gia xây dựng xã hội học tập với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, ngày 22/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 927/QĐ-TTg thành lập Uỷ ban quốc gia xây dựng xã hội học tập do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban gồm đại diện lãnh đạo các ban ngành và tổ chức liên quan.

Áp dụng kinh nghiệm triển  khai 2 cuộc vận động toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hoá để đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT ngay từ đầu phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức và chỉ đạo thực hiện, các chế độ chính sách và các biện pháp thu hút nguồn lực.

Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện: cuộc vận động này phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý chỉ đạo của các cấp chính quyền đặc biệt là của Ban  chỉ đạo quốc gia xây dựng XHHT, sự hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc, sự tham gia tích cực của ngành giáo dục - đào tạo và Hội Khuyến học VN, sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị, các tổ chức và lực lượng xã hội, hình thành một Mặt trận rộng rãi khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Về nguồn lực và chế độ chính sách: cần được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hoá, Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm, đưa nội dung cuộc vận động xây dựng XHHT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Trung ương và các địa phương, đưa việc phát triển TTHTCĐ ở xã, phường thành một tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, Nhà nước dành một phần hợp lý ngân sách giáo dục - đào tạo để phát triển các hình thức giáo dục không chính quy, ngoài nhà trường, để cấp kinh phí cho TTHTCĐ và giáo dục từ xa, hỗ trợ kinh phí và có chế độ chính sách cho Hội Khuyến học các cấp và cán bộ của Hội thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Với vai trò nòng cốt có nhiệm vụ liên kết, phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các ngành, các tổ chức và lực lượng xã hội, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ ra sức thực hiện tốt sứ mạng lịch sử do BCH TW Đảng giao phó được ghi  trên bức truớng tặng Hội KHVN năm 2005:

"Hội Khuyến học Việt Nam

Khuyến học, khuyến tài

Xây dựng cả nước trở thành một XHHT"

* (Tít phụ trong bài do toà soạn đặt)

Nguyễn Mạnh Cầm
(Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam)