Dạy ngoại ngữ - Nên dùng “liệu pháp mạnh”

(Dân trí) - Để học tập tốt ngoại ngữ là điều mà tất cả các bậc phụ huynh học sinh đều quan tâm. Song dạy thế nào cho hiệu quả, học như thế nào cho hiệu quả thì thật khó. Với ý kiến cá nhân của mình, tác giả Hoàng Kỳ - Trường THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, Nghệ An đã có bài viết cụ thể như sau:

Báo KH&DT số 16 thứ năm 19/4/2007 có bài: “Có nên dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học?” của TS Đặng Văn Ba (ĐVB). Tôi thấy ý kiến của TS ĐVB có điểm đúng như: Ở tiểu học học sinh “không có môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ” mà các em học sinh hoàn toàn không có nhu cầu (tự nhiên) về học một ngoại ngữ nào đó... thì khó mà đi tới hiệu quả cao được. Song lý do mà TS ĐVB nêu không những đối với học sinh tiểu học mà ngay cả đối với học sinh THCS, THPT cũng hầu hết như vậy nhưng không thể vì thế mà trong thời đại hội nhập ngày nay lại không tăng cường dạy và học ngoại ngữ được! Do đó, theo thiển ý của tôi thì vẫn cần học ngoại ngữ từ cấp tiểu học.

 

Vì sao cần học ngoại ngữ từ cấp tiểu học?

 

- Học sinh càng nhỏ tuổi càng dễ tiếp thu ngoại ngữ, vì học sinh nhỏ tuổi ghi nhớ máy móc tốt (không cần suy luận). Ta cứ để ý khi gia đình chuyển đến một cùng mới thì các em nhỏ học tiếng địa phương vùng với đến nhanh hơn người lớn rất nhiều. Ngay dẫn chứng nên trong bài của TS ĐVB cũng thể hiện điều này.

 

Thời Pháp thuộc các trường học ở các làng (gọi là hương trường, thường mỗi huyện miền xuôi có độ 3, 4 trường) học sinh đã học tiếng Pháp từ lớp đầu cấp (cour Enfentin, lúc đó gọi là lớp 5 như lớp 1 bây giờ) cho đến lớp ba (cour Elementaire, cũng như lớp ba bây giờ), mỗi tuần ít nhất là 3 tiết nhưng đến hết lớp ba đã làm được toàn và làm văn bằng tiếng Pháp, học sinh dã tự dịch được đề toán trong cuốn Ariméthique của ông Brachet (Giám đốc học chính thời Pháp thuộc) để giải. Cuối năm lớp ba thì Sơ học yếu lược thì chưa bắt buộc thi tiếng Pháp nhưng em nào có nguyện vọng vẫn được thi gọi là “Nguyện thí” và được ghi kết quả vào bằng Sơ học yếu được.

 

Tất nhiên môi trường giao tiếp hồi đó ở nông thôn thì cũng chẳng khác gì môi trường hiện nay mấy (có hơn tí chút là các thầy giáo hay nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp nhiều hơn thường họ vẫn dạy ghép với lớp và mỗi trường làm chỉ có 2 thầy giáo và trên lớp học cũng ghi thứ ngày bằng tiếng Pháp thường xuyên và các thầy vẫn hay nói tiếng Pháp với học sinh).

 

 - Có học sớm từ cấp tiểu học và học liên thông thì đến khi tốt nghiệp THPT các em mới có một trình độ ngoại ngữ khả dĩ tạm dùng trong giao tiếp với người nước ngoài, và các em tốt nghiệp THCS nếu cần đi làm việc thì chỉ cần bổ túc thêm một khoá học ngắn là có thể sử dụng tạm được ngoại ngữ trong giao tiếp với người nước ngoài hay tìm hiểu các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tất nhiên là còn cần phải tiếp tục nâng cao thêm.

 

- Càng nhiều tuổi việc tiếp thu ngoại ngữ càng khó khăn hơn không được nhanh nhẹn như lớp trẻ.

 

Vì vậy nếu không có kế hoạch dạy từ lớp đầu cấp tiểu học thì vẫn thực hiện theo kế hoạch là bắt đầu học từ lớp ba nhưng nên có một số lưu ý sau đây để cho việc học ngoại ngữ có hiệu quả tốt hơn.

 

Một số điều cần lưu ý:

 

Tôi cũng có ý kiến như của TS ĐVB là Bộ GD&ĐT nên dùng “liệu pháp mạnh” trong daỵ và học ngoại ngữ. Cụ thể là:

 

- Thời lượng học nên tăng thêm (ít nhất 3 tiết/tuần), dạy ít quá học sinh chưa học đã quên mất.

 

- Trong nhà trường phải tạo thêm một trường giao tiếp ngoại ngữ: lớp học ngoại ngữ gì thì giáo viên ngoại ngữ phải giao tiếp với các em ngoại ngữ đó, hạn chế sử dụng tiếng Việt. Kể cả giáo viên môn khác nếu có trình độ ngoại ngữ (bây giờ đa số giáo viên đều đã được học ngoại ngữ) cũng nên cố gắng giao tiếp ngoại ngữ với học sinh. Trong lớp học nên khuyến khích học sinh cố gắng giao tiếp với nhau bằng ngoại ngữ đang học. Ngày tháng ghi trên lớp ngoài dòng ghi tiếng Việt nên có dòng ghi ngoại ngữ ở dưới...

 

- Phải tổ chức học liên thông, chương trình kết cấu theo đường thẳng từ TH đến hết THPT, tránh tình trạng như lâu nay cấp TH học rồi lên cấp THCS lại học lại từ đầu, thành ra hiệu quả rất kém gây ra lãng phí.

 

Hiện nay việc học ngoại ngữ còn rất lung tung, nên có tình trạng ở cấp TH học tiếng Pháp nhưng lên THCS lại học tiếng Anh, ở THCS học tiếng Anh nhưng lên THPT lại học tiếng Pháp.. hoặc ngược lại. Tình trạng này hiện đang xẩy ra ở một số trường của thành phố Vinh (Nghệ An) và chắc là còn có ở nhiều nơi khác. Sở dĩ như vậy là do tỉnh Nghệ An kết nghĩa với tỉnh Côtes D’Armor nước Cộng hoà Pháp và một số trường ở Vinh lại kết nghĩa với các trường ở thành phố Dinan nên đã bố trí học ngoại ngữ tiếng Pháp.

 

Nên chăng Bộ quy định học tiếng Anh bắt buộc trong toàn quốc là ngoại ngữ thứ nhất (phù hợp với hoàn cảnh hội nhập hiện nay) và khuyến khích học thêm ngoại ngữ thứ hai là các thứ tiếng: Pháp, Trung, Nga, Nhất... có chiếu cố trong việc thi tốt nghiệp như em nào làm được đề thi ngoại ngữ khác thì được cộng thêm điểm để khuyến khích học ngoại ngữ hai.

 

Hoàng Kỳ

(Trường THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ, TP. Vinh, Nghệ An)