Đề xuất chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học ở TPHCM

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Đây là nội dung được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM kiến nghị nhằm nhằm tạo chế độ đặc thù cho giáo viên tiểu học phải dạy buổi 2.

Đề xuất chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học ở TPHCM - 1

Cô và trò Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong một tiết học chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Qua khảo sát thực tế việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) TPHCM nhận thấy những bất cập khi giáo viên tiểu học phải dạy 2 buổi/ngày, gấp đôi trước kia nhưng không nhận được thêm thù lao. 

Hiện ngân sách chưa chi khoản này và Nghị quyết 04 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM về thu chi giáo dục chỉ cho các trường thu tiền dạy buổi 2 với học sinh lớp 5 trở lên.

Trước kia, nếu dạy 2 buổi/ngày, nhà trường được phép thu tiền dạy buổi 2 để trả lương cho giáo viên. Tại TPHCM, mức thu này tùy theo quận, huyện, trung bình khoảng 100.000-150.000 đồng/tháng.

Song, chương trình Giáo dục phổ thông mới quy định học sinh tiểu học mặc định được học 2 buổi/ngày.

Do đó, các trường vẫn phải dạy nhưng không được phép thu tiền.

Hiện khoảng 80% trường tiểu học ở TPHCM dạy 2 buổi/ngày. Số còn lại chưa triển khai được do thiếu phòng học.

Do đó, đơn vị này kiến nghị Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố có chế độ, chính sách đặc thù cho giáo viên cấp tiểu học dạy buổi 2 ở các khối 1, 2, 3, 4 (những khối đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới).

TPHCM từng nhiều lần đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách chi trả thu nhập buổi 2 cho giáo viên tiểu học.

Đơn vị này cũng chỉ ra thực tế, mức thu nhập của giáo viên còn thấp, chưa thu hút được thầy cô gắn bó với nghề, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học.

Tình trạng tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn còn khó khăn, nhất là các bộ môn hiện còn thiếu nhiều giáo viên như tiếng Anh, mỹ thuật, hội họa, tin học, tổng phụ trách Đội...

Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề xuất xem xét việc bố trí ngân sách hỗ trợ các trường trang bị đồ dùng phục vụ theo chương trình mới đối với lớp 4 và lớp 8.

Đồng thời, rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng thêm phòng học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, tạo điều kiện bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập tại các quận có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao.

Sau khi nhận văn bản đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện về nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố giải quyết đối với các kiến nghị.

Theo đó, các sở, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để triển khai thực hiện các nội dung có liên quan; những nội dung vượt quá thẩm quyền thì tham mưu UBND Thành phố xem xét, giải quyết, ban hành các chính sách kịp thời.

Đề xuất chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học ở TPHCM - 2

Học sinh lớp 1, 2, 3, 4 đang học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với thời lượng 2 buổi/ngày (Ảnh: Huyên Nguyễn).

TPHCM hiện là địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên. Ngoài lương, giáo viên được nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết của HĐND thành phố, tối đa 1,8 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Giáo viên TPHCM vì thế có thể đạt mức thu nhập từ 6,8 đến 22 triệu đồng/tháng, trong khi mức chung của giáo viên cả nước là 3,8 đến 12,2 triệu đồng/tháng. 

Giáo viên mầm non mới ra trường nhận công tác được hỗ trợ gần 3 triệu đồng/tháng ở năm đầu tiên. Trong hai năm tiếp theo, tỷ lệ này là 70% và 50%.

Song, trên thực tế, số giáo viên được hưởng mức thu nhập cao còn thấp. Vì thế, công tác tuyển dụng giáo viên vẫn gặp khó khăn bởi chi phí sinh hoạt, ăn ở cao, công việc áp lực, vất vả nhưng lương không bằng nhiều ngành nghề khác.