Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội

(Dân trí) - Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ IV là nơi hội tụ những tấm gương khuyến học, khuyến tài xuất sắc trong cả nước.

Các đại biểu về dự Đại hội lần này cùng với sự hào hứng, phấn khởi là tinh thần trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. 

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu đem về Đại hội.

Ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Giang:
Khuyến học xuất phát từ tâm nguyện của xã hội 

Tư tưởng của Bác đã được Đảng ta cụ thể hóa thành mục tiêu, tư tưởng, chiến lược qua các kỳ Đại hội. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là việc tất yếu, khách quan của đất nước ta thời kỳ thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; quán triệt các văn bản chỉ đạo của TW, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã có các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành cùng tham gia công tác khuyến học.

Thực chất công tác khuyến học, khuyến tài xuất phát từ tâm nguyện của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong cộng đồng dân cư, nên từ lâu, công tác này đã được những người tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT tự giác thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quan tâm của chính quyền cùng các ngành, các cấp, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh được đẩy mạnh, tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân cư, trường học được thành lập rộng khắp, được đông đảo nhân dân đồng tình, hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Hà Giang thành một xã hội học tập.

Cơ sở để thực hiện có hiệu quả "Dự án xây dựng xã hội học tập" là việc tích cực xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng. Cho đến nay, toàn tỉnh mới thành lập được 117 trung tâm HTCĐ/ 195 xã, phường, thị trấn, phấn đấu đến năm 2010, cả tỉnh sẽ có 80% số xã thành lập được trung tâm học tập cộng đồng.
 
Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 1

Để hỗ trợ cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tới trường, hội khuyến học các cấp đã tích cực vận động xây dựng quỹ khuyến học. Cho đến nay 100% hội khuyến học cấp huyện, thị xã, cấp xã, phường, thị trấn, trường học, 85% số chi hội cấp thôn, bản, nhiều dòng họ, hội đồng hương, đồng ngũ, đồng môn đã xây dựng được Quỹ khuyến học. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay, Quỹ Khuyến học các cấp hội trong tỉnh có số dư trên 3,8 tỉ đồng.  Từ năm 2005 đến nay đã có trên 12.000 lượt học sinh được nhận học bổng, và được khen thưởng với tổng số tiền trên trên 4,5 tỉ đồng. Riêng năm 2009, nhân dân các xã vùng cao,vùng sâu đã đóng góp trên 460 tấn lương thực, trên 50 tấn rau xanh, trên 2 tỉ đồng cho học sinh các lớp bán trú dân nuôi. Trong những năm qua, Quỹ Khuyến học đã tạo điều kiện cho hàng ngàn học sinh nghèo có điều kiện đến trường học.

Thông qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, nhiều dòng họ của các dân tộc ít người như dân tộc: Pà thẻn,  Lô Lô, Bố Y, Dao,  Mông ở các huyện vừng cao đặc biệt khó khăn đã có người đỗ dạt cao: thạc sỹ, tiến sỹ, đã có nhiều gia đình khoa bảng...

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh Hà Giang đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp GD- ĐT của tỉnh. Năm 2007, tỉnh Hà Giang đã đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập bậc THCS, đang từng bước thực hiện phổ cập bậc trung học ở những nơi có điều kiện.

Có thể khẳng định, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thực hiện thành công Dự án "Xây dựng xã hội học tập tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015" là thiết thực "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Ông Bùi Tư Thiên, Chủ tịch Hội Khuyến học Lai Châu:
Sẽ có bước phát triển mạnh mẽ 

Sau khi chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, Hội Khuyến học tỉnh Lai Châu được tiếp nhận 5 huyện hội gồm: Than Uyên, Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường với 87 hội khuyến học cơ sở xã, thị trấn, 293 chi hội và 12.790 hội viên, 71 gia đình hiếu học, 7 dòng họ hiếu học, 29 trung tâm học tập cộng đồng.

Đến nay tổ chức hội đã phát triển đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hiện có: 1 Tỉnh hội; 7 huyện hội; 116 hội khuyến học cơ sở (98 hội cơ sở xã, phường, thị trấn và 16 hội cơ sở trường học; 01 hội cơ sở cơ quan, 01 hội cơ sở đồng hương); có 653 chi hội khuyến học (376 chi hội trường học, 90 chi hội cơ quan, 187 chi hội thôn bản khu phố), với tổng số 39.348 hội viên; có 1.222 gia đình hiếu học và 23 dòng họ khuyến học.
 
Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 2

Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Lai Châu đã ra sức khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh mọi hoạt động của Hội và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tuy nhiên phong trào vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tổ chức hội tuy có bước phát triển nhưng chưa thật sự mạnh mẽ và vững chắc. Số hội viên có tăng nhưng chưa tương xứng với dân số của tỉnh, chất lượng và hiệu quả chưa đều giữa các huyện, việc xây dựng TTHTCĐ còn chậm, xây dựng Quỹ Khuyến học ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vẫn còn những tồn tại, yếu kém nêu trên là do BCH hội khuyến học các cấp còn thiếu năng động, sáng tạo, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự liên kết với các ngành, các đoàn thể chưa chặt chẽ. Ngoài ra còn do tình hình khó khăn về kinh phí hoạt động và chế độ chính sách đối với cán bộ hội.

Những kết quả nêu trên mới chỉ là điểm khởi đầu cho sự nghiệp khuyến học tỉnh Lai Châu. Hiện nay Tỉnh hội đang chuẩn bị hướng tới Đại hội Khuyến học Tỉnh lần thứ II. Với một tỉnh có địa bàn rộng lớn, gồm 20 dân tộc anh em sinh sống, điều kiện sống và phong tục tập quán khác khau, dân cư rải rác, không tập trung nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, nhận thức của đồng bào ở những vùng này còn nhiều hạn chế, đời sống của đồng bào các dân tộc còn thấp... nên hoạt động của các cấp hội sẽ còn nhiều khó khăn.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của các đồng chí trong BCH Tỉnh hội cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương Hội và hội khuyến học các tỉnh bạn, các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, các lực lượng xã hội trong toàn tỉnh, tôi tin tưởng rằng sự nghiệp Khuyến học tỉnh Lai Châu sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nói chung, sự nghiệp giáo dục tỉnh Lai Châu nói riêng trong những năm tiếp theo.

Ông Lý Hải Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học Cao Bằng:
Đặc biệt quan tâm đến trẻ em vùng cao 

Hòa chung với không khí thi đua "Khuyến học khuyến tài"  của cả nước trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 của Hội khuyến học Việt nam, Hội Khuyến học Cao Bằng tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đóng góp vào thành tích chung của cả nước.

Từ năm 2001 đến nay tổ chức Hội đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn với 2.757 chi hội và 88.015 Hội viên. Từ năm 2005 đến 2010, hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã tổ chức khen thưởng học sinh giỏi và cấp học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học 26.599 suất. Hỗ trợ xây dựng được 16 ký túc xá học sinh hơn 1,7 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng và mua đồ chơi cho các trương mần non nông thôn gần 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ bàn ghế, bảng cho các phân trường vùng cao xa xôi hẻo lánh, mua cặp sách, giấy, vở, quần áo tặng các học sinh nghèo trong những dịp khai giảng năm học mới, hỗ trợ các hội thi của giáo viên dạy giỏi và học sinh ngành giáo dục.

Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, hội khuyến học các cấp còn đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp cùng ngành giáo dục vận động trẻ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đi học để duy trì sĩ số, thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Tỉnh Cao Bằng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS vào tháng 12/2008.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học cũng đã được các cấp Hội quan tâm nhân rộng, đến nay toàn tỉnh có 26.607 Gia đình Hiếu học cấp cơ sở, đã có 199/199 xã, phường xây dựng được TTHTCĐ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có văn bản quy định kinh phí chi hàng năm cho các TTHTCĐ hoạt động, mỗi năm các trung tâm đã mở được nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phổ biến chính sách, pháp luật... thu hút được nhiều lượt người dự... Qua 9 năm hoạt động, Hội khuyến học Cao Bằng đã được Trung ương Hội tặng kỷ niệm chương cho 299 cá nhân. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 tỉnh Cao Bằng đã được Trung ương Hội tặng 3 cờ Đơn vị thi đua xuất sắc cho Tỉnh hội và Hội Khuyến học huyện Nguyên Bình.

Ông Nguyễn Đình Bưu, UVTV TW HKH VN -  Chủ tịch HKH Thanh Hóa:
Trẻ hóa đội ngũ khuyến học đang là vấn đề cấp bách 

Hội Khuyến học Thanh Hóa được thành lập năm 2000. Đến nay cả tỉnh có 510.856 hội viên, gần 1000 hội cơ sở với 13.353 chi hội phí. Trong đó hơn 50% tổng số hộ toàn tỉnh có hội viên, gần 60% hội viên đã đóng hội phí. Hội đã có nhiều hình thức năng động, sáng tạo hỗ trợ các nhà trường, tác động vào những khâu mà ngành giáo dục không đủ lực lượng hoặc khó có điều kiện thực hiện nên đã đem lại nhiều kết qủa xuất sắc như: Nắm vững trẻ em ở từng gia đình để vận động các em ra lớp đúng độ tuổi; Chủ động giúp đỡ những học sinh có nguy cơ bỏ học  tiếp tục học tập được 41.867 em; Tạo điều kiện, giúp đỡ và vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp học được 33.554 em; Có tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học báo giờ học buổi tối ở 3.044 thôn bản; Phối hợp giáo dục, ngăn chặn không để học sinh mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bạo lực ở 6.648 chi hội; Xây dựng tủ sách khuyến học cho hội viên và học sinh đọc ở 2.705 thôn, bản, khu phố. 

Hội đã chủ trì vận động và giúp đỡ được trên 8.500 học sinh khuyết tật ra lớp; tổ chức các lớp học đặc biệt, lớp học tình thương cho trên 9.300 em; vận động 38.166 giáo viên dạy thêm cho 593.000 học sinh yếu kém, cho các lớp tình thương và học sinh nghèo không thu tiền.

Tổ chức khen thưởng cho 10.500 giáo viên dạy giỏi làm khuyến học tốt và hơn 1,39 triệu lượt học sinh, sinh viên khá giỏi với số tiền 113 tỷ đồng; trao học bổng hoặc giúp đỡ cho trên 35 vạn lượt học sinh, sinh viên nghèo với số tiền trên 101 tỷ đồng...

Hội đã tham gia tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhân dân... đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học. Trong 10 năm đã vận động hiến tặng 15.000 m2 đất, trên 65 tỷ đồng xây dựng nhà ở giáo viên, phòng học và mua sắm trang thiết bị dạy học... vận động ủng hộ 2,5 triệu bản sách giáo khoa...
 
Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 3

Trong 10 năm, quỹ Khuyến học các cấp ở Thanh Hóa có trên 285 tỷ đồng. Riêng năm 2009 cả tỉnh có quỹ Khuyến học 74 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2010 gần 71 tỷ đồng.

Để đạt được thành tích như trên là do các cấp uỷ, chính quyền, ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, trước hết là có nhận thức đúng, xác lập được vai trò, vị trí của công tác Khuyến học, Khuyến tài, XD XHHT, coi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Nhờ vậy cấp uỷ, chính quyền đã nhạy bén, chủ động và tích cực chỉ đạo; các cấp hội đã coi trọng công tác tuyên truyền vận động, công tác thi đua khen thưởng... 

Tuy nhiên, tất cả những gì đạt được mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng được một XHHT con đường phía trước còn dài và rất gian nan. Tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và ngay trong từng huyện, xã; vẫn còn những đơn vị yếu kém, hoạt động hình thức; chiều sâu của phong trào đang còn hạn chế...; Việc xây dựng một đội ngũ cán bộ Khuyến học có cơ cấu độ tuổi hợp lí, tăng sức trẻ thay thế dần các đồng chí tuổi cao, sức yếu... đang là những vấn đề cấp bách và khó khăn.

Chúng tôi tin rằng với thế và lực đã tạo ra được trong 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển phong trào Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng XHHT lên một trình độ cao hơn trong thời kỳ tới.

Bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Bình:
Sẽ có bước phát triển mạnh 

Bài toán lớn nhất suốt 5 năm qua BCH Tỉnh hội tập trung giải đó là số học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học trên hàng trăm nghìn lượt em, nhu cầu khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi ngày càng tăng, trong lúc GDP bình quân đầu người chỉ mới bằng 50% bình quân chung cả nước, hệ quả là nguồn Quỹ Khuyến học quá thấp, bình quân chưa đến 1.000đ/người dân.

Để tháo gỡ khó khăn đó, BCH Tỉnh hội chọn xây dựng Quỹ Khuyến học, Khuyến tài làm khâu đột phá cho nhiệm kỳ 2005 - 2010. Hình thức vận động Quỹá khá phong phú, đa dạng như: kêu gọi sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, đóng góp tự nguyện ngày công của nông dân, thợ thủ công, ngày lương của CBVC; hình thức học bổng 1+ 1. 1 + n… tổ chức liên hoan tiếng hát khuyến học,  tổ chức các phong trào cây trồng, vật nuôi khuyến học…

Với cách làm sáng tạo trên, 5 năm qua các cấp Hội đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… cùng với hệ thống Quỹ Khuyến học của các cấp hội, của các dòng họ, liên gia với số tiền gần 45 tỷ đồng, trong đó quỹ Tỉnh hội huy động trên 16,3 tỷ đồng; Quỹ Khuyến học cấp huyện, thành phố trên 3,2 tỷ đồng; Quỹ Khuyến học thuộc các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn, dòng họ 25,5 tỷ đồng.
 
Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 4

Với tư cách là người bạn đồng hành thân thiết với ngành GD-ĐT, Hội luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bám sát tinh thần chỉ thị và nhiệm vụ năm học nhằm phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh vận động con em đến trường đúng độ tuổi, bình quân mỗi năm đạt trên 99,3%; vận động học sinh có nguy cơ bỏ học và đã bỏ học trở lại trường trên 1.000 em.

Các cấp hội, đặc biệt là các hội khuyến học cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức đoàn thể bằng việc dự chào cờ vào buổi sáng thứ 2 hàng tuần với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của học sinh nhằm có biện pháp động viên, khen thưởng và quản lý các học sinh cá biệt, học sinh lỡ mắc các tệ nạn xã hội có kết quả. Mô hình "Tiếng trống khuyến học", "Học sinh đường phố tự quản", "10 không"  đã trở thành phong trào của các tổ chức hội cơ sở.

Phong trào xây dựng GĐHH đã được các cấp hội coi trọng và tích cực triển khai thực hiện, cuối năm 2009 có 79.900 đăng ký GĐHH, trong đó có 50.186 gia đình đạt tiêu chí GĐHH. Phong trào DHKH đã sớm trở thành phong trào quần chúng, mới qua 5 năm thực hiện (2005 - 2009) đến nay có trên 4.600 dòng học đăng ký đạt 5 tiêu chí DHKH và đã có trên 65% dòng họ đạt 5 tiêu chí DHKH.

Cùng với hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục không chính quy cũng được đẩy mạnh. Đến nay toàn rỉnh đã xây dựng được 156/159 TTHTCĐ xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 98.11%.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Hội Khuyến học Bình Thuận:
Đề nghị xác định tính chất và hệ thống tổ chức hội 

Công tác tổ chức và cán bộ nói chung có tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng đối với Hội Khuyến học, Điều lệ Hội chưa xác lập hệ thống tổ chức Hội Khuyến học từ TW đến cơ sở, nên việc hình thành các cấp hội ở tỉnh lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hội Khuyến học tỉnh Bình Thuận đã được thành lập từ tháng 7/2002. Đến nay tổ chức Hội đã phủ kín 100% đơn vị cấp huyện, xã; 95% số thôn, khu phố, phần lớn các cơ quan và hầu hết các trường học phổ thông… trong toàn tỉnh. Trong đó, có 155 cán bộ chuyên trách. 127 xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị có 1 cán bộ chuyên trách.

Kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm, ở cấp tỉnh được cấp từ 240 - 250 triệu đồng, cấp huyện 45 - 50 triệu đồng, cấp xã 10 triệu đồng. Về mức phụ cấp cho cán bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã 3 lần ra quyết định nâng mức phụ cấp cho cán bộ chuyên trách. Hiện nay ở cấp tỉnh, chủ tịch hưởng 3,55; phó chủ tịch 3,08; ở cấp huyện, chủ tịch 2,33; phó chủ tịch 2,1; cấp xã cán bộ chuyên trách hưởng phụ cấp bằng mức lương tối thiểu (1,00). Các nhân viên đều hưởng lương theo ngạch bậc.
 
Hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 5

Qua Đại hội lần 2, hầu hết các ủy viên BCH các cấp hội đều được chọn lựa,  bố trí gồm những đồng chí có tinh thần trách nhiệm, uy tín, nhiệt tình với công tác Hội; chấm dứt được tình trạng không yên tâm công tác, xin nghỉ việc, hoặc bỏ việc nửa chừng như những năm trước đây.

Nhân dịp ĐH Hội Khuyến học VN lần thứ IV, tôi xin đề nghị Ban Thường vụ TW Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị với Ban Bí thư TW Đảng xác định lại tính chất và hệ thống tổ chức của Hội. Nếu Hội Khuyến học không được xếp như các tổ chức chính trị - xã hội, thì xác định Hội Khuyến học có tính chất đặc thù như Nghị định số 45 của Chính phủ đã nêu và Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở. Nếu được như vậy, tin chắc rằng tổ chức Hội Khuyến học sẽ nhanh chóng tạo thêm thế và lực mới, thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, nhà nước và các tầng lớp nhân dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

PV