Học sinh bỏ học - lỗi tại “Hai không”?

(Dân trí) - Kiên Giang, Nghệ An, Phú Yên, Bắc Cạn, Điện Biên, Quảng Bình, Lâm Đồng... đâu đâu cũng thấy râm ran chuyện học sinh bỏ học. Câu “cửa miệng” của lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT là học sinh bỏ học vì ngành giáo dục thực hiện... “Hai không”.

Phải chăng, cuộc vận động “Hai không” mắc “lỗi” khi đã khiến các em vào cảnh phải bỏ học? Thực tế có lẽ không hoàn toàn như vậy. 

Một vài tuần sau khai giảng, học sinh thôn Na (Sơn Trạch, Quảng Bình) đã bỏ học hàng loạt. Mặc dù nhà trường cùng với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động, năn nỉ học sinh quay trở lại trường nhưng các em vẫn... kệ. Vì, những thân gỗ sưa bạc tỷ “quyến rũ” hơn và nhà trường đã không thể giữ nổi bước chân của các em.

Ngay tại gia đình của Trưởng thôn và Phó thôn Na đều có con bỏ học để đi tìm gỗ. Phó thôn Na kế: “Bọn hắn đều đang học lớp 8 nhưng cứ đùng đùng bỏ học, nói răng cũng không thông, đập đánh cũng không ăn thua”.  

Còn tại Lâm Đồng, khoảng 30% học sinh của tỉnh này đã bỏ học trong năm học 2006-2007. Hai năm nay, cà phê được giá, các gia đình ở nông thôn cho con nghỉ học ở nhà... phụ làm cà phê. Theo lời một cán bộ Sở GD-ĐT Lâm Đồng, ngay cả khi bố mẹ không bắt các em bỏ học, thì học sinh vẫn muốn bỏ học để đi làm cà phê vì thích có tiền hơn!

Khi các phụ huynh và học sinh đã “tính toán” như vậy, thì cuộc chiến “giành giật” người học của ngành giáo dục quả là không cân sức. Đã vậy, ngành lại tiến hành một cuộc “thanh lọc” chất lượng bằng “Hai không” thì vấn đề này càng trở nên quá gian nan.

Đừng đổ lỗi tại “Hai không”!

Trong một cuộc họp giao ban với lãnh đão 64 Sở GD-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có kể một câu chuyện mà ông đã tận mắt chứng kiến: Đó là một cháu bé khi các bạn trong lớp đang ngồi học thì cháu cứ chui dưới gầm bàn. Khi được hỏi tại sao cháu cứ chui dưới gầm bàn thì cháu bé đã trở lời vì cháu học không hiểu nên chui xuống gầm bàn ngồi... chơi.

Lỗi của các thầy cô giáo trong chuyện này không chỉ là dạy các em không đến nơi đến chốn khiến các em không hiểu bài mà còn vì thầy cô dù biết nhiều em học kém nhưng vẫn cố cho các em lên lớp. Ngồi nhầm lớp, học không theo được, nên mới phải chui xuồng gầm bàn chơi!

Chính vì vậy, ngay từ khi kết thúc học kỳ I năm học 2006- 2007, ngành giáo dục đã bắt tay vào công cuộc “Nói không với ngồi nhầm lớp”. Hầu hết các địa phương đều ráo riết bắt tay thực hiện và thực tế diễn ra tại nhiều nơi, “không ngồi nhầm lớp” đã đồng nghĩa với “không đến lớp”. Dù đã rất nỗ lực nhưng ngành giáo dục không thể ép tất cả học sinh lưu ban tiếp tục theo học.

Như tại Nghệ An năm học 2007 - 2008, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều gấp 1,5 lần mọi năm với tổng số học sinh bỏ học lên đến gần 11.000 em. Bậc THPT và THCS là những bậc dễ ngồi nhầm lớp nhất nên tỷ lệ học sinh bỏ học cũng là cao nhất với khoảng 8.000 học sinh bỏ học.

Việc học sinh bỏ học không phải là chuyện lần đầu tiên diễn ra nhưng chưa có năm nào, hiện tượng này lại nóng bỏng như hai năm nay. Theo lời một lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì nói chung, đối với tất cả các “cuộc chiến”, muốn chiến thắng thì không thể tránh khỏi những mất mát, tổn thương. Vì vây, nếu thực sự muốn ngành giáo dục phát triển thì đừng đổ lỗi tại “Hai không”.

M.M