Hơn 34 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Không chấp nhận được!

(Dân trí) - Sau khi Bộ GD-ĐT trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội con số dự tính sơ bộ cho Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015 lên tới 34.275 tỷ đồng, nhiều ý kiến chuyên gia đã khá bất ngờ và cho rằng quá lãng phí, khó chấp nhận.

Tại buổi họp với Thường vụ Quốc hội vừa qua, về kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”.

Số tiền đưa ra cộng với Dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm hài lòng Ủy ban thành viên Quốc hội về tính khả thi của đề án và nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... Các đồng chí mới nói được là chương trình, SGK phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.

Về vấn đề kinh phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Chúng ta đã dành 20% chi ngân sách cho giáo dục, bây giờ dành tiền làm SGK thì sẽ ảnh hưởng gì đến những việc khác? Trong khi đó, đề án còn thiếu những vấn đề cụ thể, mà chỉ nặng tính định hướng.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần tiêu đến hơn 34 nghìn tỷ là quá đắt!

Trước con số hơn 34 nghìn tỷ đồng để làm Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng quá lớn và lãng phí.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, trước hết không định được mục tiêu những năm tới làm cái gì trong giáo dục thì bàn đến chương trình là vô nghĩa. Phải biết mục tiêu đào tạo là gì, thì mới hỏi số tiền là bao nhiêu? Chủ tịch Quốc hội không đồng tình là đúng.

GS Dong cho rằng: Nếu thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK tiêu đến hơn 34 nghìn tỷ, quá đắt!. Viết sách là nhiệm vụ của người viết vì đã được nhà nước trả lương. Ngày xưa, tôi làm ở Viện Giáo dục, tham gia làm chương trình viết SGK đâu cần có tỷ nào mà vẫn làm được. Tôi thấy con số tiền này đưa ra không chấp nhận được.

“Theo tôi, muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT phải nói rõ trước hết phải đổi mới căn bản là cái gì? chứ không phải đổi mới chương trình là căn bản. Đổi mới toàn diện là cái gì? sau đó mới nói ra số tiền. Đổi mới chương trình không thể là đổi mới toàn diện. Cái nguy hiểm nhất, mục tiêu không xác định mà làm chương trình, SGK sẽ như bắn súng chỉ thiên” - GS Dong nhấn mạnh.

Cần nói rõ con số 34 nghìn tỷ thực hiện những việc gì?

Đồng tình với quan điểm trên, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Bộ GD-ĐT không nói rõ con số hơn 34 nghìn tỷ thực hiện những việc gì? Nếu chỉ để biên soạn chương trình và một bộ SGK phổ thông. Tôi đã phát biểu ở nhiều hội nghị, riêng biên soạn SGK chỉ cần 100 tỷ. Còn nếu bây giờ liệt kê hết ra, có sách mới cần bao nhiêu bộ sách mới, đào tạo bao nhiêu giáo viên..., nếu tính cả phòng học, cơ sở vật chất, nhà trường sẽ vô cùng lớn.

Nếu theo phương án mà Bộ GD-ĐT trình Thường vụ Quốc hội, đến cấp phổ thông tự chọn theo hướng đi thi vào ĐH, CĐ sẽ tốn rất nhiều, mỗi lớp học không chỉ 13 cuốn sách mà rất nhiều sách như các nước khác đang làm. 1 trường học có thể 20 - 40 môn cho học sinh tự chọn. Như thế SGK cũng rất nhiều, giáo viên cũng sẽ phải đào tạo theo nhiều kiểu khác nhau. Tôi nghĩ, nếu là đề án soạn chương trình và SGK mới thì chỉ nên nói một việc đó thôi”.

“Con số hơn 34 nghìn tỷ nhiều hay ít cần phải có chuyên gia về kinh tế học tính toán cẩn thận. Con số ban đầu này, cần phải nói thực với Quốc hội, cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay ở nhiều vùng rất kém. Ngay ở thành phố lớn như Hà Nội, một lớp có tới 70 học sinh thì không thể nói tới chất lượng giáo dục được. Điều này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT không trình bày. Đã được trình bày thì phải trình bày cụ thể trước Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà. Như vậy, chúng ta mới hy vọng có nền giáo dục tốt phục vụ đất nước” - GS.VS Hạc chia sẻ.

Hồng Hạnh