Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức:

Muốn có đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao hơn

Đà Nẵng chủ trương từ năm 2011 trở đi khi tuyển vào cơ quan Nhà nước thành công chức không tuyển sinh viên tốt nghiệp phi chính quy xuất phát từ mong muốn của lãnh đạo thành phố là để có đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ TP Đà Nẵng, cho biết về chủ trương không nhận sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước của TP Đà Nẵng.

Tại kỳ họp thứ 17 mới đây, HĐND TP Đà Nẵng khoá 7 thông qua chủ trương không nhận sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước của TP Đà Nẵng. Thông tin này đã nhận rất nhiều luồng ý kiến khác nhau cả đồng thuận lẫn trái chiều.

Dưới đây là phỏng vấn của PV Đài TNVN thường trú tại khu vực miền Trung với ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP Đà Nẵng, về việc cụ thể hóa chủ trương này trong tuyển dụng nguồn nhân lực cho thành phố.

PV: Xin ông cho biết, xuất phát từ thực tế nào mà TP Đà Nẵng thông qua “Đề án không tuyển sinh viên hệ tại chức vào làm việc các cơ quan Nhà nước ở thành phố Đà Nẵng trong năm 2011”?

Ông Bùi Văn Tiếng: Việc Đà Nẵng chủ trương từ năm 2011 trở đi khi tuyển vào cơ quan Nhà nước thành công chức không tuyển sinh viên tốt nghiệp phi chính quy xuất phát từ mong muốn của lãnh đạo thành phố là để có đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Chủ trương này cũng là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về hành chính công ngày một tốt hơn.

Sau khi chủ trương này được thông qua tại kỳ họp HĐND, dư luận có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi nghĩ việc có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh một chủ trương nào đó của một địa phương, của cả nước thì cũng là điều hết sức bình thường. Những người chưa đồng tình lắm với chủ trương này, chúng tôi cũng thấy là hợp lý. Bởi trong đào tạo hệ phi chính quy vẫn có người thật sự có tài năng, có năng lực. Thậm chí họ có thể vượt trội so với sinh viên chính quy. Nhưng ở đây đang nói đến là mặt bằng chung chứ không nên lấy một vài trường hợp cá biệt để đưa lên mặt bằng chung được.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Đà Nẵng chủ trương không nhận sinh viên hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước trong năm 2011 còn có nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Công chức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang khuyến khích xã hội học tập, khuyến khích các loại hình đào tạo đại học. Ông suy nghĩ gì về ý kiến vừa nêu?

Chủ trương này không có gì mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa giáo dục, có nhiều loại hình đào tạo khác nhau. Thực ra học để cho biết, nâng cao kiến thức, để sống và làm việc cho tốt thì đâu cứ phải vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Tôi sợ là những người qua thời gian làm việc ở khu vực tư, họ đã khẳng định được năng lực của mình thì lúc đó họ cũng không muốn vào khu vực công nữa. Nếu như quả tình họ có thực tài, họ sẽ khẳng định được ở khu vực tư. Họ vẫn đàng hoàng làm việc, cống hiến, đóng góp cho quê hương ở khu vực tư.

Trong tương lai, Đà Nẵng cũng đang tính toán đến một khả năng khác là tạo điều kiện cho những người thực tài, thực học nhưng do điều kiện không thể theo học được hệ đào tạo chính quy. Ví dụ như qua một thời gian làm việc ở khu vực tư, được thực tế làm việc chứng minh họ thực sự là người có tài năng và họ có nhu cầu phục vụ trong khu vực công, thành phố có lẽ phải nghĩ đến cơ chế mở để những người học chính quy nhưng không làm được việc thì cũng phải chấp nhận việc sa thải.

Xin cám ơn ông.

Theo VOV