Niềm vui bất ngờ của cô giáo không tay ở Thanh Hóa

Hạnh Linh

(Dân trí) - Ngày 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đến thăm, biểu dương cô giáo không tay Lê Thị Thắm.

Có mặt tại nhà cô giáo Lê Thị Thắm, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ân cần hỏi thăm về sức khỏe, công việc ở trường của cô giáo Lê Thị Thắm.

Hôm nay (5/9) là ngày cả nước hân hoan chào đón năm học mới, cũng là ngày vui với cô Thắm vì đã thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng.

Niềm vui bất ngờ với cô giáo không tay trong ngày khai giảng (Video: Hạnh Linh).

Phó Chủ tịch nước cho rằng, Lê Thị Thắm là một trong những trường hợp rất đặc biệt. Cách em thực hiện ước mơ cho thấy sự nỗ lực vươn lên của Thắm, là minh chứng tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước mong muốn cô giáo Thắm sẽ phát huy thật tốt những gì đã nỗ lực đạt được ngày hôm nay.

Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu gia đình, nhà trường nơi Thắm công tác cần tạo điều kiện tốt nhất để cô giáo đặc biệt của chúng ta phát huy được phẩm chất, chuyên môn trong công việc, lan tỏa tinh thần và nghị lực vươn lên trong xã hội.

Cô giáo Lê Thị Thắm (25 tuổi) được biết đến là tấm gương sáng của tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực học tập, vươn lên số phận.

Kể từ khi sinh ra, Thắm đã không có 2 tay, bị nhiều bệnh, cơ thể phát triển không bình thường. Vượt qua bệnh tật, Thắm đã tập viết bằng chân, theo học và học tốt ngành sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Thắm trở về nhà mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong thôn, trong xã.

Niềm vui bất ngờ của cô giáo không tay ở Thanh Hóa - 1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm, trò chuyện cùng cô giáo Lê Thị Thắm (Ảnh: Hạnh Linh).

Trao đổi về trường hợp của cô giáo Thắm với Phó Chủ tịch nước, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết, cô Thắm ra trường năm 2020 cũng là thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bối cảnh về chỉ tiêu giáo viên ở huyện thời điểm bấy giờ cũng chưa có. Trong khoảng những năm 2020 đến đầu năm 2023, cô Thắm tổ chức mở lớp dạy thêm miễn phí tại nhà.

Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Lê Thị Thắm là một trong những gương điển hình tiên tiến về học tập Bác.

Cô Lê Thị Thắm đã có bài phát biểu hết sức cảm động nói về quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp đã trở về quê nhà dạy học miễn phí. Cô Thắm nêu nguyện vọng được tham gia công tác giảng dạy ở xã Đông Yên, hoặc Đông Thịnh, là giáo viên bậc Tiểu học hoặc THCS.

Sau khi nghe xong bài phát biểu của cô Lê Thị Thắm, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao cho Huyện ủy, UBND huyện Đông Sơn xem xét, thực hiện quy trình tuyển dụng đặc cách làm giáo viên đối với cô Lê Thị Thắm.

Căn cứ theo quy định, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn đã ra quyết định tuyển dụng giáo viên tiếng Anh đối với cô giáo Lê Thị Thắm kể từ ngày 1/8, và phân công công tác tại Trường Tiểu học - THCS Đông Thịnh.

Hiện cô Lê Thị Thắm đang công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học - THCS Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, được tập thể cán bộ giáo viên nhà trường rất quan tâm giúp đỡ.

"Khi đã thực hiện được ước mơ, em tin rồi cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp, tương lai sẽ tươi sáng hơn, em sẽ nỗ lực để lo cho bản thân, gia đình, bố mẹ và giúp ích cho xã hội", cô Thắm chia sẻ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trao tặng những món quà khích lệ tình thần tới cô giáo Lê Thị Thắm và gia đình.