Phân ban THPT không thành công vì mục tiêu “chạy vào ĐH”

Chương trình THPT phân ban thí điểm lần này đã không đạt được mục tiêu ngay từ khâu xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa.

TS Lê Thị Thanh Thảo, Khoa vật lý, Đại học Sư phạm TPHCM đã phân tích cặn kẽ nguyên nhân làm chương trình phân ban xa lạ với đời sống, gây quá tải cả về sức lực, trí lực và thời gian của học sinh (HS). Đa số HS chủ động lựa chọn ban học không phù hợp. Tại sao vậy?

 

“Cắt xén” ban chính để... thành ban phụ

 

Nghiên cứu chương trình học và sách giáo khoa phân ban nhiều môn học và qua phản ánh từ từng môn học trong các hội thảo về phân ban cho thấy một thực tế chung là: Chương trình ban phụ chỉ khác chương trình ban chính cơ bản về thời lượng chung cho toàn bộ chương trình còn các chủ đề học tập thì giống nhau. Điều này cho thấy chương trình của các ban không khác nhau cơ bản và cũng không khác cơ bản với chương trình hiện hành.

 

Khi biên soạn SGK phân ban ở hầu hết các môn, các tác giả chỉ dành sự quan tâm, đầu tư chủ yếu cho việc biên soạn sách cho ban chính; còn SGK ban phụ thì chỉ cần lược bỏ đi từ ban chính các chủ đề không có trong chương trình ban phụ. Thực tế này được nhiều tác giả biên soạn SGK chính thức thừa nhận.

 

Không chỉ thế, trong biên soạn nội dung chương trình, các tác giả coi trọng việc trang bị một hệ thống khái niệm khoa học theo cách xây dựng khái niệm. Vì vậy, chương trình nặng tính lý thuyết, hàn lâm, xa rời thực tiễn, chỉ phù hợp với khoảng 15% đến 17% HS, là nhóm đối tượng có thiên hướng, sở trường, tiềm năng khoa học.

 

Trong khi đó, đại đa số những người có nhu cầu cơ bản là được trang bị kiến thức, kỹ năng sống, học tập và làm việc có giá trị thực tiễn cao đã bị “bỏ quên”. Sự quá tải xảy ra trong từng bài học do dung lượng kiến thức và cách trình bày nội dung quá tải chứ không phải là vấn đề thời lượng chung của cả chương trình.

 

HS không thể lựa chọn ban phù hợp ngay cả khi họ có nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình, nội dung học trước đó. Còn với các HS lựa chọn ban chỉ trên cảm nhận sự phù hợp của cá nhân với tên gọi của ban sẽ hoàn toàn bị bất ngờ và thất vọng.

 

Đó là còn chưa nói đến việc biên soạn nội dung còn phụ thuộc quá nhiều vào quan niệm chủ quan của từng người viết (có người thì trình bày hời hợt, lướt qua, có người thì đi đến tận căn nguyên, kiểu “chẻ con chữ làm tám”…) đã làm cho cách trình bày nội dung thiếu nhất quán, gây khó khăn cho cả việc dạy và học.

 

Đổi mới giáo dục không thành công vì mục tiêu “chạy vào ĐH”

 

Đa số HS chủ động chọn ban không phù hợp do nhu cầu thi vào đại học, dù đây là con đường có cánh cửa rất hẹp. Rất nhiều HS sức học không tốt vẫn hy vọng với sự cần mẫn, chăm chỉ, với sự trợ lực của việc luyện thi có thể có cơ may vào được một trường đại học nào đó nếu dự thi khối A.

 

Do vậy, chương trình, nội dung ban tự nhiên nặng, không phù hợp là lẽ đương nhiên. Với Ban Khoa học xã hội và nhân văn, đa số HS lựa chọn ban này là những HS không thể học tốt các môn khoa học tự nhiên. Trong thực tế, các môn khoa học xã hội là chính ban với họ là rất nặng (rất lý thuyết, hàn lâm, kinh viện – như nhiều giáo viên dạy phân ban đã nhận xét trong các Hội thảo phan ban vừa qua).

 

Bên cạnh đó, chương trình, nội dung các môn học tự nhiên mặc dù là môn phụ lại không nhẹ hơn ban tự nhiên bao nhiêu nên với hầu hết HS lựa chọn ban này sự quá tải là tất yếu xảy ra ở hầu hết các môn học, kể cả các môn học chính ban và các môn phụ.

 

Mục tiêu giáo dục môn học và mục tiêu thể hiện trong nội dung thi tốt nghiệp THPT và thi đại học không hòa hợp, thậm chí mâu thuẫn nhau như hiện nay là nguyên nhân trực tiếp khiến mục tiêu phân ban trong thực tế khó lòng đạt được. Cách thức, nội dung thi vào đại học nhiều chục năm nay không có sự đổi mới cơ bản, tích cực, thể hiện một mục tiêu giáo dục xa lạ, nếu không muốn nói là tiêu cực, đã là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều cố gắng đổi mới giáo dục phổ thông không thể thành công.

 

Thử lấy ví dụ trong đề thi tốt nghiệp đại học môn vật lý, năm nào cũng có các dạng bài tập như: quang hình học, dòng điện xoay chiều, con lắc lò xo, dòng điện không đổi… với nội dung ngày càng lắt léo mà chỉ có những giáo viên dày kinh nghiệm, những người luyện thi, những người ra đề mới dám nghĩ ra, vì chúng chẳng bao giờ có trong thực tiễn hoặc chẳng cần thiết đến mức mọi HS phải biết, phải thành thạo.

 

Tất cả những người hiểu biết về vật lý đều thấy rằng đây là các dạng bài tập rất ít giá trị nhận thức và càng ít giá trị tư duy, nhưng nó lại rất dễ “bịa” mà không sợ sai. Nhưng HS để đối phó với các bài tập này không còn cách nào khác hơn là phải luyện thi, phải bỏ tiền và thời gian để “mua lại” những kỹ thuật, xảo thuật “giải mã” chúng. Cả người dạy và người học từ lâu đều biết rằng chúng sẽ bị trút bỏ như trút bỏ gánh nặng dư thừa ngay sau khi kỳ thi kết thúc.

 

Việc lựa chọn ban ở PTTH ảnh hưởng không nhỏ nếu không muốn nói là quyết định đến sự thành công của HS ngay trong quá trình học tập và nhất là khi lựa chọn ngành nghề và lĩnh vực hoạt động thực tiễn trong tương lai. Chương trình, SGK phân ban được biên soạn và thực tế thí điểm cho thấy không đáp ứng tốt mục tiêu “phù hợp với trình độ HS” thì có thể nhận định là mục tiêu chính của việc phân ban đã không đạt được.

 

Phân ban chỉ nên tiếp tục nếu từng chương trình, SGK của từng ban trong từng môn học được đánh giá cụ thể, nghiêm túc, có tính khoa học thuyết phục và chất lượng được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía.

 

Theo Tuổi trẻ (TS Lê Thị Thanh Thảo - SGGP)

Dòng sự kiện: Phân ban - nên hay không?