Thí sinh ngày càng “biết mình biết ta”

Có thể nói hiện tượng của mùa tuyển sinh năm nay là nhiều ngành có hồ sơ đăng ký dự thi tăng vọt và là những ngành đang có nhu cầu lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong khi đó, hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào hệ CĐ cũng tăng mạnh, nhiều trường có tỉ lệ "chọi" không hề kém cạnh các trường ĐH tên tuổi...

 

ĐH: Nhiều ngành tăng vọt

 

Hầu hết những ngành học mà tên gọi có chút gì đó gắn với sự phát triển kinh tế, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước đều có lượng hồ sơ ĐKDT tăng cao. Ở nhóm ngành kinh tế, những ngành học hút nhất vẫn là những ngành thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng và kế toán- kiểm toán. Trường nào có tuyển sinh các ngành này đều có lượng hồ sơ ĐKDT rất đáng kể.

 

Nếu như năm 2005, ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chỉ có 7.903 hồ sơ thì năm 2006 tăng lên 10.167 hồ sơ, dẫn đầu các ngành trong trường. Tương tự, ngành này tại Khoa kinh tế, ĐHQG TPHCM năm 2005 chỉ có 2.131 hồ sơ thì năm nay cũng tăng lên 3.654 hồ sơ. Ngành luật thương mại của ĐH Luật TPHCM cũng dẫn đầu trường này với 6.317 hồ sơ (năm 2005 là 4.400 hồ sơ).

 

Trong khi đó, ngành kế toán- kiểm toán của Trường ĐHBC Tôn Đức Thắng năm 2005 chỉ có 768 hồ sơ thì năm nay nhận được 1.137 hồ sơ. Trường ĐH Tiền Giang năm đầu tiên tuyển sinh thì ngành kế toán cũng dẫn đầu với con số 1.595 hồ sơ, tiếp theo là quản trị kinh doanh với 1.135 hồ sơ.

 

Tương tự như vậy, các ngành liên quan đến kinh tế của ĐH Cần Thơ cũng có lượng hồ sơ tăng mạnh: kế toán (kiểm toán tổng hợp, kế toán kiểm toán) với 3.214 hồ sơ (năm 2005 là 2.693 hồ sơ); ngành tài chính (tài chính tín dụng, tài chính doanh nghiệp) có 2.403 hồ sơ (năm 2005 là 2.190)...

 

Một nhóm ngành nữa cũng có dấu hiệu tăng, đó là những ngành liên quan đến lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch. Ngành văn hóa du lịch của Trường ĐH Văn hóa TPHCM dẫn đầu trường này với 1.400 hồ sơ. Nổi bật hơn nữa là chuyên ngành nhà hàng khách sạn của ngành quản trị kinh doanh Trường ĐHBC Tôn Đức Thắng khi có đến 1.158 hồ sơ. Ngành du lịch (chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch) của ĐH Cần Thơ cũng tăng với 3.637 hồ sơ, trong khi tuyển sinh 2005 chỉ có 2.754 hồ sơ.

 

Cao đẳng: Tỉ lệ "chọi" đáng ngại!

 

Năm nay, các trường CĐ tiếp tục thu hút khá đông thí sinh (TS), nhiều trường có số lượng TS ĐKDT và tỉ lệ "chọi" cao ngất ngưởng. Trong đó các ngành kinh tế, du lịch vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn của mình. Là một trường mới, lần đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh, Trường CĐ Kinh tế TPHCM đã có hơn 30.077 hồ sơ/700 chỉ tiêu (CT);

 

CĐ Du lịch Hà Nội: hơn 19.000 hồ sơ/700CT; CĐ Tài chính quản trị kinh doanh: gần 15.000 hồ sơ/1.600CT; CĐ Kinh tế đối ngoại: 28.396/1.100CT... Ở các trường sư phạm, Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 1 có tỉ lệ “chọi” ở mức đáng ngại: 1/24; CĐ SP mẫu giáo T.Ư 2: hơn 5.000 hồ sơ/500CT; CĐ SP mẫu giáo T.Ư 3: 7.300 hồ sơ/600CT...

 

Đáng lưu ý là ở các trường CĐ kỹ thuật, công nghệ, những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm cũng thu hút rất đông TS. Tại TPHCM, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có hơn 14.000/600CT; Trường CĐ Xây dựng số 2 năm nay cũng tăng gần 3.000 hồ sơ so với năm 2005, hiện trường này có hơn 8.000 hồ sơ/600CT; Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TPHCM thu hút hơn 18.000/1.400 CT. Trong khi đó tỉ lệ “chọi” vào CĐ Điện lực TP.HCM - một trường mới thành lập, lại lên đến 1/36,2 với 7.247 hồ sơ/200 CT.

 

Ở phía Bắc, cuộc đua vào Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 1 sẽ không dễ dàng chút nào khi trường này có đến 32.000 hồ sơ/2.050CT. Trường CĐ Giao thông vận tải (Hà Nội) cũng có 28.000 hồ sơ/1.450CT; CĐ Kỹ thuật Sao Đỏ hơn 9.000 hồ sơ/650CT.

 

Hầu hết các trường, ngành mà TS lựa chọn ở hệ CĐ đều na ná như ở hệ ĐH. Điều đó cho thấy hệ CĐ là một phương án phòng thân của không ít TS nếu như không trúng tuyển ĐH. Hay nói chính xác hơn, nhiều TS đã chọn con đường học cho mình theo một phương án duy nhất: nếu thi ĐH ngành nào đó không trúng tuyển thì chọn học ngành ấy ở CĐ.

 

Bên cạnh đó, việc các trường CĐ năm nay hút TS cũng là do ngày thi của các trường "vênh" nhau, không trùng lắp và nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TS trong việc chọn ngành, chọn trường để thi.

 

Theo N. Phan - P.Điền

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Chiêu chọn ngành 2006