1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Xây mới loạt kho xăng dầu, khí đốt quy mô lớn

Phương Liên

(Dân trí) - Loạt kho xăng dầu, khí đốt trong giai đoạn tới sẽ được xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu quy hoạch là phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước phấn đấu đạt 75-90 ngày nhập ròng nhằm đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.

Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.

Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu theo vùng tiếp tục được xây dựng, nâng cấp thiết bị công nghệ. Các kho khu vực nội đô không đảm bảo an toàn hoặc không phù hợp với định hướng phát triển đô thị của địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh... được di dời.

Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện nay và mở rộng, nâng công suất các kho thương mại lên khoảng 1,4 triệu m3. Cùng đó, 59 kho xăng dầu thương mại sẽ được xây mới tại các địa phương, tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.

Hệ thống đường ống xăng dầu hiện có với 580,9km cũng sẽ được đầu tư nâng cấp sau đó xây mới tuyến ống dẫn nhiên liệu bay từ kho đầu nguồn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về kho sân bay Long Thành. 

Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.