1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thời gian qua, thị trường giải trí xuất hiện nhiều ca sĩ "nhí" nhận biểu diễn với thù lao rất cao. Các em còn nhỏ như vậy thì cơ sở thuê các em biểu diễn có vi phạm pháp luật?

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật? - 1

Biểu diễn nghệ thuật là một trong số ít công việc được sử dụng lao động trẻ em (Ảnh minh họa: Phương Nhung).

Thực tế, pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ về lao động trẻ em, lao động chưa thành niên tại các điều 143-147 trong Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

Với những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có thể được phép làm hầu hết các công việc. Pháp luật chỉ cấm tuyển dụng người trong độ tuổi này làm một số công việc cụ thể, hay làm việc ở một số nơi không phù hợp quy định chi tiết tại Điều 147 Bộ luật Lao động 2019.

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật? - 2

Công việc cấm tuyển dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Như vậy, đi hát nói riêng và biểu diễn nghệ thuật nói chung tại các sân khấu công khai không nằm trong danh mục những công việc và những nơi cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Do đó, người sử dụng lao động được phép thuê người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm công việc này.

Với nhóm lao động từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (thuộc nhóm lao động trẻ em), Điểm 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành.

Ngày 12/11/2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Trong thông tư này, Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm.

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật? - 3
Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Như vậy, đi hát là một loại hình biểu diễn nghệ thuật thuộc danh mục cho phép nên người sử dụng lao động được phép thuê người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc này.

Tuy nhiên, khi thuê lao động trẻ em trong độ tuổi này, người sử dụng lao động phải lưu ý thời giờ làm việc của trẻ em không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định rõ: "Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi".

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật? - 4

Tại Hội thảo "Phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em và đảm bảo an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững - SDG 8.7" ngày 20/6, các đại biểu đã được chia sẻ những kết quả và thông điệp của Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em và Lời kêu gọi hành động Durban về xóa bỏ lao động trẻ em (Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH).

Với nhóm trẻ chưa đủ 13 tuổi, Điểm 3 điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh".

Như vậy, người sử dụng lao động được phép thuê trẻ em chưa đủ 13 tuổi đi hát vì đây là một loại hình biểu diễn nghệ thuật.

Tuy nhiên, Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định rất chi tiết các điều kiện để tuyển dụng người dưới 13 tuổi làm việc như hạn chế thời gian làm việc, phải giao kết hợp đồng…

Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định rõ người thuê trẻ em dưới 13 tuổi phải đáp ứng nhiều điều kiện như có lý lịch tư pháp; cam kết chưa từng bị xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em; người thuê phải có hề hồ sơ đề nghị gửi về Sở LĐ-TB&XH (nơi người thuê cư trú, hoặc cơ quan thuê đặt trụ sở) xem xét và khi cơ quan này có văn bản đồng ý thì hợp đồng mới có hiệu lực…

Nếu cá nhân, tổ chức có nhu cầu thuê trẻ em chưa đủ 13 tuổi làm việc không đạt các điều kiện, thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục pháp lý và được cơ quan quản lý lao động đồng ý là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết các quy định về lao động chưa thành niên trong Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH TẠI ĐÂY.