Lớp học “i tờ” của những người con lầm lạc

(Dân trí) - 27 tuổi, chưa một lần đến trường, tất cả mọi việc liên quan đến ký và xác nhận, Nguyễn Văn Tuấn đều phải điểm chỉ. Nhìn Tuấn, không ai có thể nghĩ cậu chưa biết chữ. Giờ đây, cậu học trò lớn tướng này đang lần mò tập viết ê, a…

Trung tâm giáo dục lao động số VI Sóc Sơn, Hà Nội (hay còn gọi là Trung tâm cai nghiện) là một trường học đặc biệt. Học viên toàn nam, tuổi từ 18 đến 50 nhưng tất cả đều lễ phép, kính trọng thầy giáo kém mình nhiều tuổi. Tuy lớn tuổi như thế nhưng nhiều học viên đang tập đánh vần bảng chữ cái, tập đọc, tập viết.

 

Nguyễn Văn Tuấn, quê ở thị xã Ninh Bình có gương mặt rất sáng sủa, thông minh nhưng đã 27 tuổi mà vẫn chưa biết mặt chữ. Sinh ra trong gia đình có 7 anh em, không phải diện khó khăn nhưng do lười học, mải chơi, Tuấn nhất định không đi học, mặc dù bố mẹ tìm đủ nịnh nọt, quát mắng và cả dọa nạt. Sau đó, Tuấn vướng vào bẫy của “nàng tiên nâu”.

 

Đến khi bị đưa vào Trung tâm giáo dục lao động số 6, được học chữ, Tuấn bỡ ngỡ như mình tìm được niềm vui “kỳ lạ” mà trước đây mình không có. Tuấn tâm sự: “Lần đầu tiên cầm bút, em thấy khó khăn quá nhưng dần thành thích và say mê. Sau 5 tháng học, em đã viết được tên của mình, biết đọc báo, viết thư”. Tuấn đã biết viết thư gửi về cho gia đình - điều mà trước đây cậu chưa hề nghĩ tới.

 

Khác với Tuấn, Hoàng Văn Hóa (33 tuổi) ở Cao Bằng đã có vợ và 2 con. Trước cũng đã từng học hết lớp 1 nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không chịu được nghèo đói, Hóa bỏ nhà đi lang thang, phiêu bạt từ Bắc vào Nam và cuối cùng lại dạt về Hà Nội. Hóa cũng không biết mình đã nghiện từ bao giờ.

 

Trong năm vừa qua, Trung tâm VI đã xóa mù, cấp chứng chỉ cho 25 học viên.  Đây là đơn vị duy nhất của Hà Nội dạy bổ túc văn hóa cho các đối tượng đang cai nghiện.  

Khi được hỏi, học chữ có thích không? Không giấu giếm niềm vui, Hóa hớn hở khoe: “Em học 3 ngày đã thuộc và viết được bảng chữ cái, 1 tuần biết viết. Em sẽ cố gắng học để về hướng dẫn cho 2 con. Trước đây, vợ chỉ dạy ký và viết tên mình thôi, bây giờ em đã đọc được báo, viết được thư, viết các phép tính”. Nói rồi Hóa chăm chú ghép vần câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” mà giáo viên đang dạy với niềm tin lớn.

 

Cô giáo Phạm Thị Thu Hiền cho biết: “Ấn tượng đặc biệt nhất với tôi là học viên  Nguyễn Văn Long ở Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội (45 tuổi), từng một thời nổi tiếng “anh hùng” trong giới giang hồ nhưng đến tuổi mái tóc đã điểm những sợi bạc mà vẫn không biết chữ. Khi vào trung tâm được học chữ, anh Long còn từ chối nhưng chúng tôi đã thuyết phục.

 

Lần đầu cầm bút rất lóng ngóng, đã có lúc Long oải nhưng nghĩ đến các con ở nhà anh lại cố gắng tập đọc, tập viết. Chỉ sau 3 tháng, Long đã đọc thông viết thạo. Khi ra khỏi trung tâm, Long cầm chứng chỉ văn hóa mà mắt rưng rưng”.

 

Những người thầy tâm huyết

 

Lớp học “i tờ” của những người con lầm lạc  - 1

Các học viên đang học nghề đan lát tại Trung tâm IV.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập Trung tâm, ông Phùng Quang Thức - Giám đốc trung tâm tâm sự: “Trung tâm thành lập đến nay được 7 năm. Mới đầu gặp rất nhiều khó khăn, do đối tượng, hoàn cảnh, môi trường, trình độ nhận thức của mỗi học viên. Ngay sau đó, trung tâm đã triển khai các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa để thay đổi hành vi cho học viên, tạo thói quen mới, từ bỏ nếp sống cũ”.

 

Hiện nay, Trung tâm đã mở thêm các lớp dạy nghề như hàn, mộc, xây, nấu ăn, may công nghiệp, sửa chữa xe máy… Trung tâm đã cấp 518 chứng chỉ nghề cho các học viên.

 

Thầy giáo Nghiêm Quý Hoàng, phụ trách dạy nghề của trung tâm cho biết: “Với các lớp dạy nghề, không chỉ giúp các học viên tích cực lao động sản xuất, củng cố lại đời sống tinh thần còn mang lại những kết quả đáng kể, thu nhập của học viên tại xưởng đã đạt mức 150.000đ/tháng”.

 

Học viên Vương Đình Lợi (Thanh Oai - Hà Tây), vào trại từ tháng 10/2005 tâm sự: “Các thầy cô ở Trung tâm rất tận tình, em nhận thức ra được nhiều điều. Em tham gia học các nghề như hàn, may và đặc biệt là lớp nấu ăn. Em cố gắng cai nghiện để bố mẹ khỏi buồn và ra khỏi trung tâm em muốn phát huy nghề nấu ăn”.

 

Còn Chử Minh Quỳnh ở Phủ Lỗ, Sóc Sơn (Hà Nội) vào trung tâm đã được 23 tháng, tham gia 4 khóa học nghề, xe máy, điện, may, hàn. Quỳnh cho biết ra trường sẽ làm nghề sửa xe máy để giúp đỡ bố mẹ.

 

Hồng Hạnh