Tâm điểm
Ngô Viết Nam Sơn

Hiến kế khai thác hiệu quả metro số 1 TPHCM

Tổng khối lượng xây dựng tuyến metro số 1 đến nay đã đạt hơn 95%; dự kiến vận hành thử toàn tuyến vào ngày 2/9 và sẽ khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12/2023.

Sau nhiều năm tháng chờ đợi, đây là tin vui với người dân thành phố. Tuy nhiên, để tuyến metro số 1 đi vào sử dụng và phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều thách thức.

Đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được tuyến xe bus gom và cũng chưa có bãi xe quanh ga metro, nên lượng người tham gia metro sẽ chủ yếu là những người đi bộ sống ở khu vực gần ga với số lượng rất khiêm tốn. Ở các nước, sở dĩ metro thu hút đông hành khách vì họ có mạng lưới xe bus gom và có bãi xe gần metro để những người sở hữu phương tiện giao thông cá nhân gửi xe, chuyển sang đi metro.

Hiến kế khai thác hiệu quả metro số 1 TPHCM - 1

Khu tứ giác Bến Thành, bên dưới là công trình ga Bến Thành - ga ngầm chính phục vụ khách đi metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Ảnh: Hải Long).

Tới đây khi metro mở cửa thì người dân có thể tò mò rồi đi thử, nhưng sau đó lượng bán vé sẽ không đủ để nuôi bộ máy vận hành (từ nhân sự đến máy móc), thành phố sẽ phải bù lỗ. Một khi hoạt động không đủ công suất, metro càng chạy thì ngân sách Nhà nước càng phải bù lỗ nhiều hơn. Với tình trạng như hiện nay, khi metro hoạt động sẽ khó tránh tạo gánh nặng cho ngân sách thành phố, mà hiệu quả giảm ách tắc giao thông cũng không được bao nhiêu.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, muốn metro hoạt động hiệu quả phải gấp rút xây dựng mạng lưới: xây dựng các bãi xe cao tầng quanh nhà ga metro trong bối cảnh quỹ đất đã thu hẹp; làm các tuyến xe bus gom khách cho metro; lấp đầy quy hoạch vùng ảnh hưởng của metro (100-200m dọc tuyến metro; 800-1.200m quanh trạm dừng) bằng nhiều công trình nhà cao tầng và phức hợp đa chức năng.

Ở các nước, trước khi xây metro họ đã phải chuẩn bị sẵn quỹ đất làm bãi xe (bởi khi metro đã khởi công thì giá đất đã tăng), trước khi metro khánh thành đã phải có các tuyến xe bus để tạo thói quen sử dụng cho người dân.

TPHCM đang xin cơ chế đặc thù để làm mô hình TOD (nôm na là đô thị dọc theo tuyến metro). Tuy nhiên, sự hình thành đô thị dọc theo các tuyến metro hiện nay đang chỉ dừng ở tính chất tự phát, chưa theo một quy hoạch bài bản nào. Do vậy, thành phố cần gấp rút hoàn thành quy hoạch và thu hút nhà đầu tư xây dựng nhằm tăng lượng dân cư quanh metro (đây chính là tệp hành khách sử dụng metro hàng ngày).

Rà soát lại dọc theo tuyến metro số 1 có thể thấy hiện nay chủ yếu là nhà thấp tầng, chưa xứng tầm với một tuyến metro tốn hàng tỷ USD. Để hoàn thiện được các cụm đô thị như Vinhomes, Masteri dọc theo tuyến này ước chừng còn phải mất thêm ít nhất cả chục năm nữa (bởi trong khu đô thị ngoài nhà ở còn phải xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện). Đồng thời, khi quy hoạch đô thị cần tính đến việc giúp người dân sử dụng metro một cách thuận tiện, phải có những cầu đi bộ, đường hầm hay tuyến xe bus nối qua. Như vậy, chỉ tính riêng tuyến số 1, nếu tập trung làm hoàn chỉnh theo mô hình TOD, thì có lẽ còn phải mất 10-20 năm nữa.

Do đó, quan điểm của tôi là khoan hẵng bàn đến việc làm mười mấy tuyến metro trên địa bàn thành phố (vẫn quy hoạch nhưng chưa phân tán nguồn lực làm ngay), mà nên tập trung đầu tư tới nơi tới chốn, làm tuyến nào dứt điểm xong tuyến đó, bao gồm khu đô thị dọc theo tuyến, và nếu phát triển những tuyến mới thì cũng phải có chọn lọc, ưu tiên cho các tuyến có hiệu quả cao nhất.

Ví dụ, tuyến metro số 2 có hai đoạn chính, đoạn từ Chợ Bến Thành đi sân bay muốn làm xong cũng mất gần 20 năm nữa do chạy ngang những khu vực phải giải tỏa rất phức tạp và ngân sách đền bù giải tỏa không đáp ứng được. Trong khi đó, đoạn từ Chợ Bến Thành đi qua Thủ Thiêm đến nút giao với tuyến metro 1 lại có tiềm năng rất cao về hiệu quả kinh tế đô thị, vì đi qua quỹ đất rất lớn, và băng qua quỹ đất sạch hiện chưa xây dựng nhiều, tạo cơ hội lớn cho việc thu ngân sách từ việc đấu giá đất ở hai bên và thu hút đầu tư  giúp phát triển tuyến đô thị dọc theo metro.

Nếu làm tuyến số 2 từ Chợ Bến Thành nối Thủ Thiêm qua Xa lộ Hà Nội thì giá đất Thủ Thiêm sẽ có thể bán giá cao rất nhiều lần so với hiện nay, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách.

Tóm lại, hiện tại, thành phố nên tập trung ưu tiên hoàn thiện tuyến metro số 1 và đoạn tuyến số 2 từ chợ Bến Thành qua Thủ Thiêm, và nối qua  Xa lộ Hà Nội, bao gồm các khu đô thị mới nằm trong vùng ảnh hưởng xung quanh các tuyến metro này.

Tác giả: Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley. Ông có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ và hiện là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!