Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Sách giáo khoa và khung chương trình

Cơ quan thanh tra vừa chuyển thông tin hai nội dung sang Bộ Công an, trong đó có thông tin về dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong việc in ấn, phát hành sách bài tập (thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018).

Chúng ta chờ lực lượng chức năng làm rõ và xử lý thông tin nói trên. Tôi không bàn luận về nội dung thanh tra, tuy nhiên, ở góc độ giáo dục thì tôi thấy rằng ở nhiều nước phát triển, người ta bỏ sách giáo khoa từ rất lâu rồi, chỉ có khung chương trình và cũng không có chuyện "loạn" sách tham khảo, sách bài tập như báo chí từng phản ánh ở ta.

Bằng những trải nghiệm, những hiểu biết trong các chuyến đi nước ngoài, trước đây tôi đã viết bài về sách giáo khoa dạy tập đọc của GS Hồ Ngọc Đại và sách Cánh diều. Lúc đó tôi bị "ném đá" tơi tả và còn nhận cả những lời đe dọa. Nhưng cho dù thế nào, tôi thấy rằng, sách dạy tập đọc "vuông tròn" của GS Đại, bắt đầu có xu hướng tiếp cận dạy ngữ âm rất sớm cho học sinh, chỉ 3-6 tháng trẻ đọc thông viết thạo, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trẻ học hết lớp 1 biết đọc biết viết.

Xu hướng giáo dục ở các nước phát triển là không có sách giáo khoa đóng khung theo tiêu chuẩn, mà chỉ đưa ra yêu cầu lớp 1 phải đọc ở mức tốc độ 100 từ/phút (người lớn mỗi phút đọc 180 - 360 từ), phải có 5.000 từ vựng, tự kể được một câu chuyện ngụ ngôn, hoặc một câu chuyện cổ tích, thần thoại nào đó.

Quy định đó là khung chương trình DẠY - HỌC.

Căn cứ khung chương trình, giáo viên cùng với học sinh tìm các tài liệu để dạy - học. Tập đọc tập viết đâu cần phải cuốn sách giáo khoa. Có thể lấy một đoạn văn trong bài báo, một đoạn trong cuốn sách nào đó hay trên Internet, miễn là phù hợp với nội dung và đạt mục tiêu của buổi học tập. Học sinh tự tìm tài liệu là chính, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm và cùng tìm, phụ huynh cũng tham gia tìm.

Quá trình dạy - học đọc và viết, đầu tiên giáo viên hướng dẫn cụ thể, làm mẫu, sau đó giáo viên và học sinh cùng đọc và tìm hiểu, tiếp theo học sinh chia ra các nhóm để hoạt động.

Nhóm hoạt động về văn học sẽ tìm hiểu về thể loại tác phẩm, tác giả, nội dung câu chuyện, ý nghĩa câu chuyện, bài học rút ra. Nhóm hoạt động về ngữ âm, chẳng hạn như vuông vuông tròn tròn hay tam giác trong sách của GS Đại.

Các em học sinh trong từng nhóm sẽ tự tìm kiếm, thảo luận nhóm, đưa ra những hiểu biết, quan điểm, chính kiến, nhận xét của mình để cùng thống nhất. Sau thảo luận trong nhóm là thảo luận giữa các nhóm, tự các em cử đại diện nhóm đứng ra trình bày, giáo viên sẽ giúp các em hoàn thiện nốt.

Học như vậy, đương nhiên các em sẽ tập đọc trôi chảy, hiểu sâu sắc câu chuyện, có thêm vốn ngữ âm, vốn từ vựng qua bài học.

Tài liệu sẽ không tránh khỏi những từ khó, từ mới, từ địa phương, những vấn đề mà chúng ta gọi là "nhạy cảm". Giáo dục hiện đại không cấm đoán tìm tòi, không hạn chế các em tìm tòi, không cực đoan. Chỉ những điều vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục mới bị cấm.

Giáo dục ở các nước không dạy theo cách đóng khung kiến thức, bắt đứa trẻ phải tư duy theo cách người lớn. Sách giáo khoa chỉ là phương tiện để dạy học, phương tiện thì không khó và không thiếu, nhưng cách dạy mới là quan trọng. Mà cách dạy thì phụ thuộc vào khung chương trình yêu cầu, vào kiến thức và chuyên môn sư phạm của giáo viên, vào cả phụ huynh nữa.

Lợi ích từ viết sách giáo khoa là không nhỏ, nhưng việc đóng khung chương trình trong cuốn sách giáo khoa, vô hình trung chúng ta đang dạy - học theo cái cách có thể làm cho nhiều em chán học ngay từ tấm bé. Cách dạy - học như vậy chỉ để học sinh ghi nhớ điều gì đó. Nhưng mục đích của việc học là để chúng ta có phương pháp tiếp cận với mọi vấn đề cuộc sống, hay như nhiều người thường nói "giáo dục là thắp sáng hơn là đổ đầy". Cách dạy - học "đóng khung" sẽ dẫn đến hậu quả là nhiều người có bằng đại học nhưng kiến thức lạc hậu rất nhanh và không có khả năng tự học.

Trong khi đó, chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ tri thức, bùng nổ thông tin, lượng tri thức và thông tin tạo ra trong một năm bằng tổng lượng kiến thức và thông tin trong hàng trăm năm ở thời cổ đại. Khả năng quan trọng nhất của một người giờ đây là khả năng tự học để biết cách trích xuất kiến thức và thông tin hiệu quả trong những "rừng" dữ liệu ngày càng rậm rạp.

Chúng ta đã có chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa, với định hướng đúng đắn là một chương trình nhiều sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Một định hướng đúng đắn phải được đảm bảo triển khai một cách đúng đắn, nghĩa là không bị chi phối bởi "lợi ích nhóm". Có như vậy chúng ta mới thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông; và có như vậy thì giáo dục Việt Nam mới bắt kịp với thế giới, vốn đã thay đổi rất nhiều và tiến rất xa.

Tác giảBác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!