Làm bác sĩ có “sướng” không?

Tại Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh bắt con học ngành y vì ngành y kiếm được nhiều tiền mà không màng để ý đến sự vất vả khi hành nghề.

Phải mất 7- 8 năm học hành khổ cực, sau khi ra trường phải làm bác sĩ nội trú vài năm, 2-3 ngày không được ngủ là chuyện bình thường. Khó khăn lắm mới lên làm bác sĩ chính, có thể có phòng khám riêng của mình, nhưng ngày nào cũng phải đối mặt với những bệnh nhân luôn cau có, mệt mỏi. Vậy thử hỏi làm bác sĩ có “sướng” như người ta vẫn nghĩ không? Câu trả lời tất nhiên là không rồi và ai thực sự yêu nghề thì hãy làm bác sĩ bởi nghề này “lành nghề” chưa đủ mà còn cần phải có “cái tâm” nữa!

Tôi đã đi khám đúng chỗ!

Tại Mỹ, ngành Y cũng là ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất. Thời gian trung bình để thành Bác sĩ tại Mỹ là 11 đến 13 năm, trong đó 4 năm học đại học, 4 năm học trường Y, 3 đến 5 năm làm bác sĩ nội trú và sau đó là chuyên khoa sâu. Trong một lần làm việc với Khoa Y Đại học Tân Tạo, tôi đã có dịp nói chuyện với Lê Trọng Hà, sinh viên Y Tân Tạo mới thực tập tại Bệnh viện Saint Marry, Mỹ. Hà nói: “Em có 8 tuần thực tập tại Mỹ với bác sĩ Dolatowski. Điều làm em ấn tượng nhất đó là cách bác sĩ Dolatowski khám bệnh. Bác sĩ luôn luôn để bệnh nhân được nói những gì họ muốn. Điều này làm cho bệnh nhân cảm thấy như "tôi đã đi khám đúng chỗ, đây là người bác sĩ của tôi" và họ cảm nhận được bác sĩ thật sự quan tâm đến sức khoẻ của họ.”

Lê Trọng Hà (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên Y khoa TTU.
Lê Trọng Hà (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên Y khoa TTU.

Bác sĩ còn phải biết truyền nghề!

Người thứ hai mà tôi nói chuyện là bạn Huỳnh Trong Ân, bạn này có thành tích rất xuất sắc, từ năm thứ 2 Ân đã tham gia viết sách về bệnh động mạch vành ổn định cùng bác sĩ Thạch Nguyễn. Cuốn sách này nằm trong những Best-seller books (những quyển sách bán chạy nhất) tại Mỹ. Ân nói: “Trong thời gian thực tập tại Mỹ, em rất thích bác sĩ Gaurav Kumar, ông là một bác sĩ người Mỹ gốc Ấn rất vui tính. Bác sĩ thường dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ với bệnh nhân. Họ dường như coi ông như là người thân và thường rất vui khi ông ấy đến.”

Huỳnh Trong Ân (giữa) nhận bằng khen của ban giám đốc bệnh viện St. Marry Hoa Kỳ sau khi kết thúc khóa thực tập.
Huỳnh Trong Ân (giữa) nhận bằng khen của ban giám đốc bệnh viện St. Marry Hoa Kỳ sau khi kết thúc khóa thực tập.

Ân cho biết, em đã được truyền cảm hứng, nhiệt huyết với nghề từ bác sĩ Kumar: “Sau mỗi lần thăm hỏi bệnh nhân, bác sĩ Kumar thường đặt ra cho chúng em vài câu hỏi khác xa với dạng câu hỏi kiểu thuộc lòng-trả bài mà em thường biết. Em thật sự thấy khó khăn để trả lời chính xác. Nhưng lúc nào bác sĩ Kumar cũng sẽ có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi mà ông ấy đưa ra theo cách dễ hiểu nhất hoặc hướng dẫn chúng em nơi có thể tìm thấy chúng.”

Thay lời kết

Đối với ngành y, đam mê là một yếu tố cực kỳ quan trọng hơn hẳn các ngành khác. Không thể vì hôm nay bạn có chuyện buồn, ngày mai bạn không vui mà làm hỏng phẫu thuật được, trong tay các bạn là sinh mạng của rất nhiều người! Qua lời kể của 2 bạn sinh viên Khoa Y Tân Tạo chúng ta có thể thấy các bác sĩ tương lai ngoài việc rèn dũa tay nghề còn phải rèn “tâm”, rèn “đức”. Lại một mùa tuyển sinh nữa đang đến, rất nhiều cánh cửa đại học đang đón chờ các sĩ tử của chúng ta, hãy suy nghĩ thật kỹ để quyết định đúng con đường của mình các bạn nhé!

Hoàng Lê