Những chuyện “dễ gặp” trước giờ “G”

(Dân trí) - Chỉ còn 5 ngày nữa là hơn 700.000 thí sinh cả nước sẽ bước vào kì thi tuyển sinh ĐH đợt 1. Không khí giờ “G” đến gần thì cũng là lúc sĩ tử có “nguy cơ” đối mặt với nhiều rủi ro nhất.

Cảnh giác với bến tàu, xe

Cận kề ngày thi ĐH cũng là lúc sĩ tử tứ phương đổ xô về các thành phố lớn. Đây cũng chính là thời điểm nạn móc túi ở các bến tàu, xe nở rộ. Thực tế ở nhiều mùa tuyển sinh qua đã có không ít sĩ tử bị kẻ gian rạch túi và hậu quả là toàn bộ giấy tờ dự thi không cánh mà bay.
 
Những chuyện “dễ gặp” trước giờ “G”  - 1

Đề phòng những rủi ro để tránh bị dao động trong suốt quá trình dự thi. (Ảnh minh họa)

Mới đây nhất là là trường hợp của thí sinh N.T.K.Cúc (quê Quảng Ngãi) khi đi trên đường, túi xách của Cúc bao gồm CMND, bằng tốt nghiệp THPT, giấy báo thi vào ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Mở TPHCM, CĐ Công thương đã bị kẻ xấu giật mất.

Lãnh đạo Vụ giáo dục ĐH thuộc Bộ GD-ĐT đã từng nhấn mạnh: Những thí sinh bị mất, quên các giấy tờ (Giấy báo dự thi, bằng tốt nghiệp, Chứng minh nhân dân...) thì cán bộ coi thi sẽ yêu cầu thí sinh viết Giấy cam đoan (theo mẫu) và vẫn cho dự thi bình thường.

Mặc dù quyền lợi của thí sinh luôn được đảm bảo như vậy nhưng việc bị mất toàn bộ giấy tờ vào thời điểm nước sôi lửa bỏng sẽ ít nhiều làm sĩ tử bị dao động tâm lý.

Để hạn chế những “rủi ro” không lường trước này, các chuyên gia tuyển sinh hiến kế: thí sinh không nên “tập kết” toàn bộ giấy tờ dự thi vào một chỗ. Bên cạnh đó cần mang theo một vài bản sao bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận tạm thời để đề phòng bất trắc. Đối với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT thì không nên mang bản gốc bởi nếu bị mất sẽ không được cấp lại.

Còn các sinh viên tình nguyện đã nhiều năm làm công tác hướng dẫn sĩ tử ở bến tàu xe lại có lời khuyên xương máu: Đa phần ở các thành phố lớn đều có dịch vụ xe buýt, chính vì thế kẻ gian thường lợi dụng sự chen lấn khi lên hay xuống xe buýt để hoạt động. Do đó thí sinh cần cảnh giác với các khu vực này.

Cẩn thận với “người tốt” từ trời rơi xuống

Nhớ mùa tuyển sinh năm 2009, khi thí sinh tên Huy ở Thanh Hóa vừa xuống bến xe Giáp Bát thì một người lái xe ôm nhào tới nói là sẽ chở về tận nhà với giá rẻ. Do không biết đường, lại được một anh xe ôm tốt bụng nhận chở với giá rẻ và hứa tìm đường giúp nên Huy nhận lời ngay. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, tên xe ôm chạy lòng vòng đưa Huy ra khu vực vắng người qua lại và hiện nguyên hình là một kẻ nghiện ngập. Trước sự đe dọa của hắn, Huy bất đắc dĩ phải móc số tiền dành dụm đi thi đưa cho kẻ “tốt bụng” từ trên trời rơi xuống.

Hạnh, sinh viên một trường CĐ ở Hà Nội, thí sinh mùa thi ĐH năm 2009 chia sẻ: “Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những thí sinh tỉnh lẻ mà những kẻ lừa đảo giăng ra hàng ngàn chiêu để moi tiền, gạt điện thoại di động. Thậm chí là giở trò sàm sỡ… Chính vì thế khi sĩ tử đáp xe xuống thì nên hướng thẳng đến nhà trọ được giới thiệu trước hay nhà người thân là tốt nhất. Những sĩ tử nào còn chưa rành về đường phố hay chưa có kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với người lạ tại bến xe thì nên tìm đến những bạn tình nguyện viên”.

Còn theo Hương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương có nhiều năm làm tình nguyện viên ở bến tàu, xe thì thí sinh cũng không nên quá “hoài nghi” về lòng tốt của một ai đó tự nhiên muốn giúp đỡ. Trên thực tế có rất nhiều gia đình thông cảm hoàn cảnh của thí sinh tỉnh lẻ và tạo điều kiện đến mức “khó tin”. Chính vì thế sĩ tử cần tỉnh táo để phân biệt giữa người tốt và kẻ xấu.

Chủ động tránh những hiểm họa không lường trước

Không chỉ đối mặt với những “hiểm họa” ở nơi bến tàu, bến xe mà ngay cả việc ăn, ngủ sĩ tử cũng cần phải hết sức đề phòng.

Cách đây không lâu, sĩ tử L. ở Hà Nội đã phải nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Theo lời tâm sự của L. thì do thức đêm ôn thi nên thường hay đói chính vì thế lúc nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn ở trên bàn. Thời tiết nóng nực thức ăn dễ bị hỏng nên hậu quả là phải nhập viện.

“Cũng may mắn là kì thi chưa diễn ra, chứ nếu đúng vào hôm thi mà bị kiểu này thì chắc là 12 năm ăn học bị bỏ lỡ”, L. chia sẻ.

Bài học của L. sẽ là lời cảnh báo cho không ít sĩ tử tham dự kì thi. Với việc phải ở trọ và đi ăn cơm bụi trong 3 ngày thi thì không thể lường trước được bất kì điều gì.

Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa - Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hà Nội thì những ngày này tốt nhất thí sinh nên chọn ăn những món không có chất phẩm màu, ăn những món mà có thể kiểm chứng bằng mắt, hoặc ngửi mùi. Những món ăn thường có độ an toàn cao là trứng, rau ngót, thịt gia cầm luộc.

Cũng theo bác sỹ Hoa thì thí sinh nên chọn những món thường ngày hay ăn. Khi gọi món tốt nhất là không nên chọn đồ đã chế biến sẵn mà yêu cầu họ chế biến từ đồ tươi sống dưới sự chứng kiến của mình.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ ngộ độc trong ăn uống mà ngay cả việc ngủ thí sinh cũng cần đề cao ở mức cao nhất khi mà mấy ngày trở lại đây rộ lên thông tin bọ xít hút máu người ở Hà Nội. Theo lời của các nhà khoa học thì bọ xít hút máu người có nhiều ở các nhà nghỉ, khách sạn do điều kiện vệ sinh không được tốt. Khi bị bọ xít đốt thì thí sinh có nguy cơ ngủ triền miên từ 16-18h/ngày. Với việc các khu trọ khó có thể cung cấp đầy đủ màn chiếu cho sĩ tử thì nguy cơ sĩ tử bị những kẻ “quấy rối” này hỏi thăm là điều khó tránh khỏi.

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010