DNews

"Chấm điểm" 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu

Hoài Thu

(Dân trí) - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ để tham khảo, mà sẽ là cơ sở đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, chất lượng từng lá phiếu của đại biểu rất quan trọng.

"Chấm điểm" 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu

Chiều 24/10, Quốc hội khóa XV bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm, mở đầu bằng việc trình danh sách dự kiến những người được lấy phiếu tín nhiệm để Quốc hội thông qua.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy ban chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh), cho rằng lần lấy phiếu tín nhiệm này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hơn so với những lần trước, đặc biệt khi câu chuyện về cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai đang diễn ra phổ biến và yêu cầu đặt ra về việc "dám nghĩ dám làm" là rất mạnh mẽ, quyết liệt.

Cơ sở để quy hoạch, điều động cán bộ

Theo ông, lần này Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm với hơn 40 vị trí được Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng đó đều là những vị trí cao nhất trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Vì vậy, việc lấy phiếu có ý nghĩa rất quan trọng.

 "Ngoài việc thực hiện theo quy trình, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này còn thể hiện đánh giá cao nhất của Quốc hội đối với những vị trí quan trọng của đất nước", theo lời đại biểu Trịnh Xuân An.

Từ góc độ của đại biểu Quốc hội, ông kỳ vọng qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ tạo được tính lan tỏa trong việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt nâng cao tinh thần dám nghĩ dám làm, xử lý những việc khó, những điều mà đất nước và nhân dân kỳ vọng.

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 1

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông An nhắc đến cơ sở chính trị quan trọng của lần lấy phiếu tín nhiệm này, đó chính là quy định của Trung ương và Nghị quyết 96 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, với nhiều điểm mới rất quan trọng.

Trong đó, việc đánh giá cán bộ sẽ cơ bản khắc phục được tính hình thức, bởi trước khi lấy phiếu tín nhiệm, các chức danh được lấy phiếu phải thực hiện nhiều bước, trong đó có báo cáo kết quả hoạt động.

Cho biết đã dành thời gian nghiên cứu nhiều báo cáo kết quả của những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, ông An nhận định các báo cáo đều rất thẳng thắn nhìn nhận về những việc đã làm được và chưa làm được. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản cán bộ cũng sẽ được rà soát, đánh giá chặt chẽ, đặc biệt sau việc vừa qua có lãnh đạo bị kỷ luật vì sai phạm liên quan kê khai tài sản.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lần lấy phiếu tín nhiệm này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng với quy định mới, kết quả phiếu tín nhiệm không còn chỉ để tham khảo, mà sẽ là cơ sở để đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trong hội trường Diên Hồng (Ảnh: Phạm Thắng).

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm lần này, theo bà Yên, cũng chặt chẽ hơn so với trước khi quy định tiêu chí đánh giá tín nhiệm còn xét đến sự gương mẫu, không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm không chỉ liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mà tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

"Lá phiếu phải có chất lượng"

Nhấn mạnh yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Tạ Văn Hạ cho rằng muốn đạt mục tiêu này, trước hết lá phiếu phải có "chất lượng".

"Lá phiếu chất lượng là lá phiếu công tâm, chính xác và phải thể hiện được tính nghiêm túc, bản lĩnh của người ghi phiếu tín nhiệm", ông Hạ nói và nhấn mạnh cần có thông tin, cơ sở đầy đủ để đại biểu đánh giá công tâm, khách quan qua từng lá phiếu.

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ (Ảnh: Phạm Thắng).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa góp ý thêm, việc đánh giá với kết quả công tác của những người được lấy phiếu cũng cần kỹ lưỡng, thấu đáo và toàn diện. Vì có những lĩnh vực, vấn đề phức tạp, cần sự thay đổi nhưng mức độ thay đổi nằm trong tính đồng bộ, ví dụ lĩnh vực giáo dục, văn hóa.

"Đánh giá của đại biểu Quốc hội phải khách quan, công tâm, đa chiều. Nếu ta cứ dùng tiêu chí chung mà không tính đến các điều kiện đặc thù cho từng người, từng lĩnh vực thì khó đạt được sự công bằng, khách quan", theo ông Hạ.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng mỗi người cần có trách nhiệm với lá phiếu của mình, cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm khi thể hiện mức độ tín nhiệm. 

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 4

Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Việc lấy phiếu tín nhiệm, theo bà Yên, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của những người được lấy phiếu tín nhiệm để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.

Quan trọng hơn, kết quả ấy cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Tác động lan tỏa sau lấy phiếu tín nhiệm

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, trong kỳ lấy phiếu lần này, Quốc hội chỉ đạo rất sát sao và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Song điều quan trọng hơn, ông cho rằng đó là hiệu quả từ việc lấy phiếu tín nhiệm đến đâu.

Tin tưởng với sự thẳng thắn, khách quan, công tâm của các đại biểu Quốc hội trong từng lá phiếu, ông An cũng kỳ vọng bản thân những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có sự điều chỉnh trong hoạt động sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Vị đại biểu nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác động đến công tác cán bộ trong cả hệ thống chứ không phải "lấy phiếu xong rồi bỏ đó mà không có chuyển dịch gì", hay nói cách khác, phải thấy được tác động rất rõ từ việc lấy phiếu tín nhiệm.

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 5

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Trịnh Xuân An tái khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ lan tỏa tinh thần trách nhiệm không chỉ với người đứng đầu bộ ngành mà qua việc đánh giá của Quốc hội cũng thấy được yêu cầu, đòi hỏi và mong muốn của đại biểu Quốc hội đối với những người mà họ bỏ phiếu bầu, phê chuẩn.

"Ví dụ lấy phiếu tín nhiệm với một bộ trưởng không chỉ là đánh giá cá nhân bộ trưởng đó, mà đằng sau, nó là sự kỳ vọng, mong muốn của hệ thống với cả ngành, cả lĩnh vực đó", theo lời ông An.

Quy định 96 nêu rõ nhiều hệ quả đối với người tín nhiệm thấp, ví dụ "Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định".

Hoặc "Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm".

Dù vậy, với dự báo của mình, ông An tin tưởng "sẽ không có ai rơi vào vòng nguy hiểm trong đợt lấy phiếu tín nhiệm này". 

"Lấy phiếu tín nhiệm ngoài thực hiện theo quy định và quy trình, thủ tục, còn là cơ hội để nhìn nhận lại công tác cán bộ và tạo nên một xung lực mới, không chỉ với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, mà lan tỏa trong cả đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm và tinh thần của cả hệ thống", ông An nói.

Theo vị đại biểu, lá phiếu tuy mỏng nhưng trách nhiệm rất nặng nề. "Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải công tâm, khách quan. Còn trách nhiệm của người được lấy phiếu còn nặng hơn, đó là phải biến những kỳ vọng, những đánh giá của đại biểu và nhân dân thành hiện thực", đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Chấm điểm 44 nhân sự cấp cao và sức nặng của từng lá phiếu - 6

Đại biểu Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Hồng Phong).

Đại biểu Trần Quang Minh (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Quảng Bình), cũng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là dịp rà soát, đánh giá uy tín, kết quả điều hành công việc của các chức danh trong khoảng thời gian đương nhiệm, cũng là cơ hội để người được lấy phiếu tự xem xét lại mình để chỉ đạo, điều hành, thực hiện công vụ tốt hơn.

Quan trọng hơn, theo ông Minh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để làm tốt công tác cán bộ, để sắp xếp phù hợp hơn với sở trường, năng lực từng người.

Với những quy định chặt chẽ trong Nghị quyết 96, ông Minh kỳ vọng sau đợt lấy phiếu tín nhiệm, kết quả chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của các chức danh sẽ có chuyển biến tốt hơn.

"Người có phiếu tín nhiệm quá thấp thì bãi nhiệm ngay. Kết quả tín nhiệm là một yếu tố để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có sự cảnh tỉnh tốt về ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống", theo lời ông Minh.

Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín tại phiên họp sáng 25/10, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố chiều cùng ngày, theo chương trình nghị sự.

Trừ 5 trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm do được bầu, phê chuẩn trong năm nay, lần này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 44 nhân sự. Trong đó, có 2 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4; 12 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 và 30 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.