1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạ tầng cơ sở Việt Nam không theo kịp GDP

(Dân trí) - “GDP đầu người tại Việt Nam đã tăng từ 298 USD (năm 1998) lên 635 USD (năm 2005). Dân giàu hơn, nhu cầu giao thông cao hơn nhưng hạ tầng cơ sở phát triển không kịp làm phát sinh nhiều vấn đề về an toàn giao thông, ùn tắc tại các đô thị…”

TS. Shizuo Iwata, Trưởng đoàn nghiên cứu Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nói như vậy tại Hội thảo báo cáo giữa kỳ Dự án nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia và lấy ý kiến các ban ngành phía Nam do Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức ngày 5/9, tại TPHCM.

Dự án này do JICA phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng chiến lược phát triển GTVT đến năm 2030, quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020… với 5 hệ thống: đường bộ, đường sắt, đường biển, vận tải thủy nội địa và đường hàng không.

Tại hội thảo, các nhà quản lý ngành giao thông phía Nam cho là mục tiêu và nội dung của dự án còn chưa chú tâm lắm đến các tỉnh ĐBSCL. Đại biểu các tỉnh như Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều có ý kiến là cần nghiên cứu và quy hoạch phát triển giao thông ĐBSCL kỹ hơn, nhất là hệ thống đường bộ hiện nay rất yếu kém.

Các đại biểu tại hội thảo cũng có ý kiến nên xây dựng tuyến cao tốc né khu dân cư. Vì khi đường cao tốc đi qua khu dân cư thì vấn đề an toàn giao không sẽ kéo giảm tốc độ lưu thông của xe trên đường, không phát huy hiệu quả của đường cao tốc.

Ngoài ra, các đại biểu khuyến cáo ban nghiên cứu dự án chú ý đến vấn đề lưu thông của xe máy trên đường cao tốc, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho loại phương tiện này. Vì thực tế là rất nhiều người dân có thói quen dùng xe máy để đi xa, có khi đi xa đến vài trăm km và tại Việt Nam thì có đến gần 30 triệu xe máy.

Cũng tại hội thảo này, Sở GTVT TPHCM tiếp tục có ý kiến là nên dời ga cuối của đường sắt cao tốc Bắc Nam sang địa phận Bình Dương hoặc Đồng Nai vì quỹ đất của TPHCM hiện còn rất ít. Nếu ban nghiên cứu vẫn giữ ý định để ga cuối tuyến đường sắt cao tốc tại TPHCM thì nên sớm xác định rõ quy mô nhà ga để TPHCM giữ quỹ đất xây dựng.

 “Việt Nam cần có 1 hệ thống giao thông hoàn chỉnh hơn đáp ứng nhu cầu tương lai” -  TS. Shizuo Iwata khẳng định khi bế mạc hội thảo.

Tùng Nguyên