Cần tránh cách làm hình thức trong “chấm điểm” hiệu trưởng

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 8/4/2011 ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học, với 4 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Đây là căn cứ để “chấm điểm” Hiệu trưởng.

Bộ Chuẩn này là tiếp nối bộ Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS và THPT. Bên cạnh mặt tích cực, một số tiêu chí và cách thực hiện đánh giá theo kiểu chấm điểm này còn cần bàn thêm.

 

Nhiều tiêu chí chung chung, trùng lặp

 

Tiêu chí 1 “Phẩm chất chính trị” tuy rất đúng và cần thiết, nhưng hầu như chỉ có tính chất thủ tục, mang tính khẩu hiệu như: “Yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Với tiêu chí này, chúng tôi cho rằng, bất cứ Hiệu trưởng nào cũng đạt điểm tuyệt đối.

 

Các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong, giao tiếp ứng xử (tiêu chí 2,3,4) thực chất là đã trùng lặp với nhau, vì khái niệm “đạo đức nghề nghiệp” của Hiệu trưởng đã bao hàm “lối sống, tác phong” và “giao tiếp ứng xử”; hoặc khái niệm “lối sống, tác phong” đã bao hàm “giao tiếp, ứng xử”.

 

Tiêu chí “Có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và môi trường giáo dục” rất trừu tượng, nghĩa là đánh giá thế nào cũng được, hoặc không có cơ sở để đánh giá.

 

Có yêu cầu Hiệu trưởng trường Tiểu học phải sống “giản dị”, chúng tôi cho rằng không thoả đáng, bởi vì đây là sự lựa chọn cá nhân, không liên quan đến đạo đức, năng lực công tác.

 

Tiêu chí 5 “Học tập, bồi dưỡng” hoàn toàn mang tính hình thức, bởi vì không ai đánh giá việc cá nhân Hiệu trưởng học tập bồi dưỡng ra sao, mà chỉ đánh giá qua kiến thức, hành động, hiệu quả thực tiễn. Việc Hiệu trưởng “tạo điều kiện” cho các GV, CBNV học tập bồi dưỡng cũng không rõ và không cần thiết, bởi vì đó là quyền của cá nhân mỗi GV, CBNV, và đã có đầy đủ các văn bản, quy định của nhà nước.

 

Tiêu chí “Trình độ chuyên môn” và “Năng lực nghiệp vụ sư phạm” có những yêu cầu chung chung như “Có kiến thức phổ thông về chính trị, kinh tế, y tế, văn hóa, xã hội liên quan đến giáo dục tiểu học”; hoặc có yêu cầu quá khó về ngoại ngữ, tiếng dân tộc.

 

Tiêu chuẩn 3 “Năng lực quản lý trường tiểu học” được chia thành 9 tiêu chí với 29 yêu cầu cụ thể. Thực chất, đây là việc “cụ thể hoá” những yêu cầu công tác hàng năm hay quyền và trách nhiệm của Hiệu trưởng, chứ không phải là các tiêu chí để đánh giá. 

 

Ví dụ yêu cầu: “Quản lý việc thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục của toàn trường và từng khối lớp” (tiêu chí 12) hay “Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các hoạt động dạy học, giáo dục và quản lý của nhà trường theo quy định” (tiêu chí 15) là thuộc trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng. 

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tiêu chuẩn 4 “Năng lực tổ chức phối hợp với gia đình học sinh, cộng đồng và xã hội” thực chất là một yêu cầu (hay tiêu chí) của tiêu chuẩn 3 (Năng lực quản lý). Bởi vì năng lực quản lý dĩ nhiên phải bao gồm cả hoạt động phối hợp với gia đình – xã hội để giáo dục học sinh.

 

Tiêu chuẩn, minh chứng quan trọng nhất lại...thiếu

 

 Mặc dù đã nói rõ hệ thống Chuẩn Hiệu trưởng bao gồm Tiêu chuẩn, Tiêu chí và Minh chứng. Nhưng nội dung Thông tư 14 lại không đề cập đến nội dung Minh chứng, trong khi đây là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá Hiệu trưởng.

 

Minh chứng có ý nghĩa quan trọng, quyết định để đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng chính là chất lượng của sản phẩm giáo dục (học sinh).

 

Như vậy, trong Tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với Hiệu trưởng trường TH có quá nhiều tiêu chí, yêu cầu trùng lặp, mơ hồ, không cần thiết, hoặc có tính hình thức nhưng lại thiếu một tiêu chí quan trọng nhất -  đó là hiệu quả công tác quản lý thể hiện ở chất lượng giáo dục.           

 

Vì có quá nhiều tiêu chí và yêu cầu chung chung, hình thức, nên việc đánh giá Hiệu trưởng trường TH khó tránh khỏi xu hướng chung chung, hình thức. Sẽ không có gì bảo đảm Hiệu trưởng A hơn Hiệu trưởng B vài chục điểm đã là tốt hơn, giỏi hơn, khi mà tiêu chí về chất lượng giáo dục- tiêu chí quan trọng nhất, lại không có.     
 
Cần tránh cách làm hình thức trong “chấm điểm” hiệu trưởng  - 1

Ảnh minh họa (www.trt.com.vn)   

 

Dĩ nhiên để đánh giá chất lượng giáo dục không phải là chuyện dễ làm trong thời gian ngắn, lại phải xét đến yếu tố điều kiện, khả năng về đội ngũ, chất lượng đầu vào, điều kiện cơ sở vật chất...
 

Đã đành việc này khó, nhưng không thể không làm, vì chỉ có tiêu chí (minh chứng) này mới có tác động tích cực đến sự phát triển giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ. Còn những tiêu chí đặt ra để phục vụ công tác thi đua khen thưởng hay đề bạt thì không cần thiết.

 

Trong quy trình đánh giá cũng còn có một “điểm mờ” chưa rõ. Đó là sau khi Hiệu trưởng tự đánh giá (cho điểm) thì đến tập thể cán bộ, GV đánh giá theo kiểu chấm điểm điền vào phiếu, rồi cơ quan quản lý tổng hợp đánh giá (chính thức, có tính quyết định).

 

Giả sử có độ “vênh” quá lớn giữa bản tự đánh giá của Hiệu trưởng và kết quả đánh giá của CB GV thì sẽ xử lý ra sao? Đây là điều mà Thông tư 14/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD – ĐT không nói rõ, và có thể dẫn đến những rắc rối trong thực tiễn.

 

Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá Hiệu trưởng theo kiểu chấm điểm và dựa vào các tiêu chí có tính hình thức sẽ làm nặng thêm căn bệnh thành tích, đối phó. Thực tế triển khai việc đánh giá Hiệu trưởng trường THCS và THPT mấy năm gần đây cho thấy rõ điều đó.

 

                                             Trần Quang Đại

                                                 (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Đánh giá hay “chấm điểm” Hiệu trưởng trường Tiểu học hay các cấp học nói chung là cần thiết trong công tác quản lý giáo dục. Việc đánh giá này phải dựa trên cơ sở “Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học” được Bộ GD-ĐT vừa ban hành.

 

Tiếc rằng văn bản có tính pháp quy này chưa thể hiện rõ những tiêu chí có tính khách quan, cụ thể, rõ ràng, còn không ít điểm chung chung (khó đánh giá), trùng lặp như bài viết trên đây đã phân tích.

 

Mong rằng ý kiến đóng góp này được Bộ GD-ĐT xem xét và chỉnh sửa Quy định Chuẩn Hiệu trưởng sao cho sát với tình hình thực tế và đúng với chức năng, nhiệm vụ của Hiệu trưởng, tạo căn cứ đáng tin cậy để “chấm điểm” Hiệu trưởng.

 

Tránh cách làm chiếu lệ, không đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đánh giá Hiệu trưởng cũng như trong công tác quản lý giáo dục nói chung vốn còn nặng  tính hình thức, là biểu hiện của căn bệnh thành tích.