Người quan hệ cùng ông Lê Tùng Vân có bị xử lý hình sự?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Trong một vụ án loạn luân sẽ không có bị hại nếu cả 2 bên đều biết rõ mối quan hệ là cùng dòng máu nhưng vẫn thực hiện hành vi sai trái. Khi đó, cả 2 người đều có thể trở thành bị can trong vụ án".

Theo diễn biến mới nhất của vụ án loạn luân xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Công an tỉnh Long An đã yêu cầu Sở Y tế TPHCM cung cấp thông tin của 3 cá nhân liên quan đến vụ án gồm L.T.H.T. (31 tuổi, từng ở huyện Bình Chánh, TPHCM), L.T.K.D. (31 tuổi, ở huyện Đức Hòa) và V.K.X. (29 tuổi, quê Đồng Nai).

Theo đó, cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin về việc khám thai sản của những người này tại TPHCM từ năm 2006 tới nay. Đây là hoạt động nhằm mở rộng điều tra của Công an tỉnh Long An sau khi đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (92 tuổi, ở huyện Đức Hòa) về tội Loạn luân và ra quyết định truy tìm đối với Lê Thanh Kỳ Duyên (31 tuổi, ở huyện Đức Hòa). 

Từ những diễn biến trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc người có hành vi quan hệ tình dục với ông Lê Tùng Vân có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. 

Người quan hệ cùng ông Lê Tùng Vân có bị xử lý hình sự? - 1

Công an làm việc với bị can Lê Tùng Vân (Ảnh: Minh Huy).

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị xử lý hình sự về tội Loạn luân. Mức phạt cho người phạm tội là 1-5 năm tù. 

Phân tích về các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Hậu cho biết hành vi quan hệ tình dục giữa hai hoặc nhiều người thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi họ biết rõ mối quan hệ giữa họ là quan hệ huyết thống trực hệ, là anh chị em với nhau nhưng vẫn thực hiện hành vi quan hệ tình dục.

Ngoài ra, tội danh này không đòi hỏi phải có hậu quả là sinh con hay quan hệ trái ý muốn, chỉ cần có căn cứ cho thấy có hành vi quan hệ tình dục giữa những người cùng dòng máu mà họ biết rõ điều này nhưng vẫn thực hiện hành vi là có thể xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự cũng không phụ thuộc vào việc có đơn tố giác tội phạm hay không. 

Bên cạnh đó, trong một vụ án Loạn luân, có thể không có bị hại nếu cả 2 bên đều biết rõ mối quan hệ là cùng dòng máu nhưng vẫn thực hiện hành vi sai trái. Nếu xảy ra trường hợp này, cả 2 người tham gia mối quan hệ sai trái đều có thể bị khởi tố và trở thành bị can trong vụ án mà không có ai là bị hại.

Bởi vậy, người quan hệ với ông Lê Tùng Vân cũng có thể bị xử lý hình sự nếu biết rõ hành vi là sai trái, đi ngược với luân thường đạo lý, đạo đức xã hội nhưng vẫn thực hiện. 

Trong trường hợp hành vi xuất phát từ sự không đồng thuận từ một phía, cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu của các tội như Hiếp dâm hay Cưỡng dâm theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 cùng tình tiết định khung hành vi phạm tội là "có tính chất loạn luân". Nếu có đủ căn cứ cho thấy có dấu hiệu của những hành vi này, căn cứ nguyên tắc một hành vi nếu có dấu hiệu của 2 tội danh thì chỉ xử lý về tội có hình phạt nặng hơn theo quy định, cơ quan điều tra có thể xem xét chuyển tội danh ban đầu đối với người bị kết tội. 

Đối với trường hợp người phạm tội là người già yếu thì có thể được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên" theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. 

Sự khác biệt giữa khái niệm "Loạn luân" và "Có tính chất loạn luân"

Người quan hệ cùng ông Lê Tùng Vân có bị xử lý hình sự? - 2

Bị can Lê Tùng Vân tại phiên tòa xét xử tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Ảnh: Hải Long).

Cũng từ sự việc trên, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, đó là sự khác biệt ra sao giữa khái niệm "Loạn luân" và "Có tính chất loạn luân" theo quy định của pháp luật hình sự. 

Giải đáp vấn đề này, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cần phân biệt rõ giữa tội Loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hành vi phạm các tội, thuộc tình tiết định khung "có tính chất loạn luân" quy định tại các Điều 141 đến 147 Bộ luật này.

Theo đó, Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha sẽ bị xử lý hình sự về tội Loạn luân, khung hình phạt là phạt tù 1-5 năm.

Theo khoản 17, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì những người "cùng dòng máu về trực hệ" là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

"Như vậy, so với tội Loạn luân, tình tiết định khung có tính chất loạn luân có phạm vi rộng hơn và mang tính bao hàm lớn hơn. Theo đó, tội Loạn luân áp dụng với người phạm tội với những người có cùng dòng máu về trực hệ, có quan hệ huyết thống còn với tình tiết định khung có tính chất loạn luân, tình tiết này có thể áp dụng với cả trường hợp phạm tội với những người không có cùng huyết thống như con riêng, cha dượng, mẹ kế, bố chồng, con dâu, mẹ vợ, con rể", luật sư Giáp phân tích.