Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI:

Hướng tới một nền giáo dục mở

Với chức năng tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội (XH), Giáo dục (GD) xưa nay luôn vận động, phát triển để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội ngày một cao…

Mức độ, tính chất, tốc độ vận động, thay đổi của GD tùy thuộc vào mức độ, tính chất, tốc độ phát triển của XH trong từng thời kỳ.

Ngày nay, nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức, theo cơ chế thị trường, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với tốc độ phát triển như vũ bão. Đặc điểm lớn này đòi hỏi GD phải nhanh chóng liên tục thay đổi toàn diện để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ ấy.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo đó mục tiêu GD bây giờ chuyển từ trang bị tri thức sang bồi dưỡng năng lực làm trọng, trong đó chủ yếu là năng lưc sáng tạo với việc biết phát hiện, nhận thức và giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn, lý luận do cuộc sống năng động của nền kinh tế tri thức đặt ra.

Để đào tạo được những con người như vậy thì nền GD ngày nay phải là một nền GD hết sức linh hoạt về mọi mặt từ mục tiêu đến nội dung, người GD, người được GD, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức và cả khâu đánh giá kết quả GD. Tóm lại đó là một nền GD mở.

Xu hướng này trái với những khuôn mẫu cứng nhắc của nền GD giáo điều, cổ truyền xưa kia của các nền sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cơ khí phát triển chậm chạp,mỗi mẫu mã, quy trình, phương pháp, phương tiện sản xuất tồn tại hàng trăm năm.

Thế kỷ XXI này người ta tính rằng từ 6-7 năm, toàn bộ tri thức nhân loại lại tăng gấp đôi và từ 15-20 năm sau khi ra đời, các quy trình công nghệ lại trở nên lạc hậu. Trong bối cảnh đó, GD nếu không đi trước một bước để đón đầu thì cũng phải theo sát sự phát triển XH.

Vì vậy xây dựng một nền GD mở là đòi hỏi cấp thiết của mọi quốc gia trong XH đương đại.

Từ nhận thức này, nhìn vào nền GD nước ta hiện nay, chúng ta thấy thế nào?. Theo chúng tôi, về cơ bản, nền GD nước ta hiện nay là một nền GD đóng. Hãy nhìn vào từng thành tố cấu thành các quá trình GD ở nước ta hiện nay thì sẽ rõ :

+ Trước hết xét mục tiêu GD:

Về lý luận thì mục tiêu tổng quát của cả Hệ thống GD và mục tiêu cụ thể của từng ngành, từng cấp, bậc học đã được thể chế hóa trong Luật GD năm 1992.

Qua đây chúng ta thấy: các mục tiêu đó đều hướng tới việc  đào tạo người học thành  người lao động, phát triển toàn diện, "đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ". Đây là mục tiêu chung muôn thủa của mọi nền GD.

Song trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay thì những công dân tương lai không chỉ đơn thuần là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở ngay trong nước, mà còn lao động, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và hiện tại chúng ta có hàng triệu người đang lao động, học tập nghiên cứu ở nước ngoài, họ phải thích ứng với nước sở tại.

Vậy thì mục tiêu GD phải phản ánh được xu thế hội nhập ấy như phải thành thạo 1-2 ngoại ngữ và tin học, song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên thực tế, nền GD ứng thí của nước ta đã tạo ra tâm lý cho người học là học chỉ để thi. Thi để làm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chứ chẳng mấy ai xác định học để làm người nông dân, công nhân.

Tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT dự thi ĐH hàng năm đã phản ánh rõ điều này. Mặt khác chính chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH,CĐ cũng cao hơn rất nhiều các trường công nhân kỹ thuật và tình trạng thừa thày, thiếu thợ tồn tại mấy chục năm nay vẫn chưa chấm dứt.

Nền GD mở đòi hỏi phải đa phương hóa các mục tiêu đào tạo với đủ các ngành nghề cho nền kinh tế Quốc dân, sao cho có được một cơ cấu lao động hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước.

+Về nội dung GD: Thể hiện chủ yếu ở chương trình, nội dung dạy học trong giáo trình và sách giáo khoa (GT&SGK).

Tất cả GT&SGK của chúng ta hiện nay đều trình bày đầy đủ theo một hệ thống đóng. Nghĩa là nội dung kiến thức, kỹ năng các bài học ở đó được coi như pháp lệnh, như khuôn vàng, thước ngọc.

Người dạy, người học không được phép phê phán thay đổi theo cách tư duy khác, có khi lại là sự hợp lý, hoàn chỉnh hơn...

Mặt khác GT&SGK của chúng ta nội dung còn mang nặng tính hàn lâm, ôm đồm, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Ấy là chưa kể đến sự lạc hậu, khép kín của nó.

Nội dung dạy học của nền GD mở không chấp nhận kiểu thiết kế, trình bày sẵn nội dung kiến thức, kỹ năng cho một bài học, một vấn đề theo một cấu trúc duy nhất, mà chỉ là những gợi ý để người dạy, người học tự  xây dựng nội dung kiến thức, kỹ năng cho vấn đề nghiên cứu theo một quan điểm cấu trúc hệ thống của mình.

Đồng thời biết đánh giá, phê phán các kiểu cấu trúc nội dung bài học một cách khoa học theo logic vấn đề và theo quan điểm cấu trúc hệ thống hợp lý, toàn vẹn cho vấn đề đó.

Nội dung bài học biên soạn theo cách này sẽ phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của cả người dạy và người học.

Vì vậy ở các nước tiên tiến, Nhà nước chỉ quản lý chương trình dạy học, còn nội dung cụ thể là tùy ở từng giáo viên, từng trường và từng  địa phương biên soạn chứ Nhà nước không bao biện làm sẵn hộ tư A - Z  như ở ta.

Nội dung nền GD mở cũng không chấp nhận tư tưởng dân tộc hẹp hòi mà phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiến bộ của các dân tộc khác để hội nhập và phát triển. 

Do tốc độ phát triển của thế giới ngày nay rất nhanh,đặc biệt là khoa học kỹ thuật và công nghệ.Vì vậy để cập nhật những tiến bộ đó thì chương trình dạy học của nền GD mở khoảng  7-8 năm phải thay đổi,bổ sung.

Ý tưởng biên soạn những bộ GT&SGK  hoàn chỉnh để ổn định  lâu dài là biểu hiện của tư  tưởng  bảo thủ, lạc hậu, đóng cửa với những tiến bộ vũ bão của thế giới hiện đại.

+ Về chủ thể, khách thể GD:

Tất cả các lớp học chính quy của ta dường như chỉ có hình thức lớp _ bài. Thày phải được đào tạo chính ngạch, trò phải có đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định mới được theo học và phải tham gia đầy đủ các buổi lên lớp.

Các quy định này đã gạt bỏ những người thực học, thực tài; Trong khi nền GD mở rất khuyến khích việc tự học, tự đào tạo. Người dạy, người học trong nền GD mở không quá câu nệ bằng cấp mà coi trọng thực học, thực tài.

Một người lao động, nhà quản lý giỏi hay một nhân chứng lịch sử cũng được mời thuyết trình cho HS, sinh viên về kinh nghiệm, vốn sống của họ. Thậm chí người học cũng có thể được trình bày kinh nghiệm học tập hay kết quả nghiên cứu của mình trước lớp.

Trong quá trình dạy, người dạy nhiều khi cũng học được ở người học những kinh nghiệm, vốn sống riêng, những ý tưởng sáng tạo cho một vấn đề cụ thể . Vị trí giữa người dạy và người học không phải là tuyệt đối.

Chủ thể GD trong nền GD mở không chỉ là các nhà GD chuyên trách trong trường, mà còn là các tổ chức đoàn thể quần chúng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn hóa, xã hội, các giáo sư, chuyên gia GD nước ngoài và đặc biệt là những người thân trong gia đình của họ.

Khách thể GD không chỉ là người trong nước, mà còn có cả những sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu văn hóa dân tộc mình theo các hiệp định trao đổi văn hóa, GD để đôi bên hội nhập, hiểu biết lẫn nhau; cũng không chỉ dành riêng cho tuổi trẻ mà là mọi lứa tuổi…

+ Về phương pháp GD mà chủ yếu thể hiện ở phương pháp dạy học thì rât lỗi thời.

Từ phổ thông đến ĐH, phương pháp thuyết trình đọc chép là chủ yếu và tất cả đều tiếp cận nội dung bài học ở trạng thái TĨNH.

Điều tệ hại nhất là để nắm được nội dung kiến thức, kỹ năng của bài học, tất cả thày, trò đều đi theo một lộ trình độc đạo, nhất thể hóa kết quả dạy học. Các sách cho giáo viên, sách thiết kế bài dạy ở phổ thông hiện nay thể hiện rõ điều đó. Cách làm này đã loại bỏ tính chủ thể, sáng tạo của cả người dạy lẫn người học, kìm hãm sự phát triển của họ.. =

Nền GD mở không chấp nhận sự độc đoán, đơn điệu đó. Với phương châm biến quá trình học thành tự học, đào tạo thành tự đào tạo mà đích cao nhất là tiến tới GD tự do thì người dạy phải tôn trọng tính chủ thể, sáng tạo, lộ trình tiếp cận bài học riêng của người học. Vai trò người dạy ở đây chỉ là cố vấn, trọng tài cho các lộ trình đó.

+ Về hình thức tổ chức GD, dạy học :

Ở tầm vĩ mô chúng ta đã có một hệ thống GD hoàn chỉnh với đủ các hình thức đào tạo, đủ các loại trường, song các trường Quốc tế còn ít nên chưa mở ra được sự giao lưu học hỏi rộng rãi với các nước và không có sự cạnh tranh quốc tế.

Ở tầm vi mô trong một bậc, cấp học cụ thể thì hình thức tổ chức GD, dạy học còn nghèo nàn, dạng lớp bài vẫn là chủ yếu. Các hình thức xi mi na, nghiên cứu thực tế, chuyên đề, thí nghiệm, học theo nhóm, tổ...vv tuy có tiến hành song mang tính hình thức, chiếu lệ.

Đặc biệt việc hướng dẫn người học tự nghiên cứu bài học trước khi lên lớp theo đúng yêu cầu của phương pháp dạy học tích cực thì không mấy giáo viên làm được. Hình thức tổ chức của nền GD mở phải phong phú, đa dạng, trong đó tôn trọng tính độc lập, sáng tạo của mỗi người.

+Việc đánh giá kết quả GD:

Đây dường như là công việc độc quyền của ngành GD. Kiểu vừa đá bóng,vừa thổi còi, con hát mẹ khen hay đó đã làm mất đi tính khách quan của việc đánh giá.

Trong nền GD mở, việc đánh giá kết quả GD được XH hóa cao độ, với việc mở rộng dân chủ, thu hút mọi lực lượng GD ngoài nhà trường tham gia vào khâu đánh giá kết quả GD của mình, nhất là đánh giá kết quả học tập.

Đặc biệt các trường phổ thông phải coi các lực lượng GD ngoài nhà trương như những thành viên chính thức, có tư cách pháp nhân, có năng lực để tham gia vào việc đánh giá kết quả GD.

Nội dung đánh giá kết quả GD của chúng ta hiện nay cũng là nội dung đóng. Các câu hỏi, bài tập kiểm tra, thi cử đều bám theo nội dung dạy học nhằm kiểm tra trình độ thông hiểu kiến thức chứ chưa hướng tới  việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn, lý luận của cuộc sống năng động đặt ra.

Cần biết rằng mục tiêu của nền GD hiện đại là đào tạo những con người có khả năng "giải quyết vấn đề gì" chứ không phải là "biết gì" hay " làm gì" như các nền GD giáo điều và cổ truyền xưa kia.

Tóm lại, nền GD mở là nền GD được XH hóa một cách toàn diện. Nội dung, phạm vi XH hóa không chỉ là các vấn đề trong nước mà còn cả các vấn đề quốc tế, thời đại theo xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa., không chỉ là vấn đề tinh thần mà còn cả vật chất để đa phương hóa nguồn lực.

Tất cả hướng tới 4 mục tiêu cách mạng của Unesco về sự học là : học suốt đời; học cách học; học để hiểu, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người; xây dựng XH học - hành.

Vũ Duy Yên

Trường CĐSP Thái Bình

 

LTS Dân trí - Xây dung nền “Giáo dục mở” là một yêu cầu khách quan ở thời đại ngày nay. Đấy là nền giáo dục không còn bị giới hạn bởi “bốn bức tường” của nhà trường, mà mở cả về không gian và thời gian.

Có thể coi đấy là một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục, phải bắt đầu từ việc đổi mới mạnh mẽ và triệt để về tư duy giáo dục, từ đó đề ra lộ trình tiến tới một nền giáo dục mở từ việc xác định đúng mục tiêu toàn diện của giáo dục, soạn thảo chương trình, sách giáo khoa theo dạng mở, cho đến cách dạy, cách học và kiểm tra, thi cử đều theo dạng mở,

Quá trình tiến tới một nền giáo dục mở không phải là câu chuyện một sớm một chiều, xong mục tiêu và những quan điểm cơ bản của nền giáo dục mở cần đươc thể hiện trong cương lĩnh và chiến lược của Đảng ta, từ đó từng bước được cụ thể hóa thành lộ trình thực hiện trong đời sống xã hội.

Với ý nghĩa đó, bài viết trên đây đóng góp thiết thực vào việc xây dung các Dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi về chủ đề này.