Không ít người đã trưởng thành từ hệ tại chức

(Dân trí) - Tôi lớn lên từ miền trung nghèo, vào Tp.HCM từ năm 18 tuổi. Tôi đã phải làm lụng rất vất vả để kiếm sống và nuôi ước mơ vào đại học. Tôi chọn hệ tại chức để vừa làm vừa học và nay cũng thành đạt như bao bạn bè khác.

Bạn đọc L.N.N :

Những bạn sinh viên ngồi trên giảng đường có gia đình lo cơm áo, hoặc những bạn phải đi dạy kèm, đi làm bán thời gian cũng không thể gọi là vất vả bằng chúng tôi, mỗi ngày hơn 8 tiếng lao động mệt nhọc. Ăn vội miếng xôi ven đường là vào lớp học. Có những lúc đang học thì cơn buồn ngủ ập đến (vì quá mệt) tôi phải cấu véo vào tay để tỉnh ngủ, nếu không tỉnh tôi sẽ ra ngoài rửa mặt và lấy tay tát vào má để tỉnh. Hết giờ học lại lóc cóc về nhà, hôm nào khỏe thì bắc miếng cơm mai sáng có cái ăn, hôm nào mệt thì ghé quán cơm bình dân đầu ngõ xem còn chút gì bỏ bụng hay không...

Rồi bài vở, rồi đôi khi công việc gấp sếp bắt ngày mai xong sớm... Tôi phải thật sự rất cố gắng để không bỏ dở dang mọi thứ và để có chút tiền gởi về quê nghèo phụ mẹ nuôi em đi học.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

4 năm học trôi qua. Dù không được xuất sắc như các bạn cùng trang lứa nhưng tôi có thể tự hào báo với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp là tôi đã hoàn thành khóa học. Ai cũng chúc mừng.

May mắn cho tôi khi được làm ở một công ty có tư tưởng thoáng, lãnh đạo luôn ủng hộ cán bộ công nhân viên học tập nhiều hơn. Tôi thời điểm đó là nhân viên, đôi khi người quản lý trực tiếp rất khó chịu mỗi khi vừa hết giờ là tôi phải đứng lên ra về (công việc công ty tôi hay phát sinh thêm 30 phút hoặc hơn). Người đứng đầu công ty tôi biết chuyện đã họp lại cán bộ, khuyên mọi người nên động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi đi học. Tôi rất biết ơn về điều đó.

Sau này Bộ giáo dục thay đổi, đã cho người có bằng tại chức được học cao hơn (qua đây tôi xin gởi lời cám ơn đến Bộ giáo dục và cá nhân tôi rất cảm kích về điều này). Thế là sau mấy năm công tác, phấn đấu, tôi đã ôn thi vào cao học. Tiếp tục một chặng đường gian nan vì thời điểm đó tôi vừa có gia đình... Nhưng với quyết tâm cháy bỏng, tôi đã thi đậu cao học vào một trường có tiếng ở Tp.HCM.

Bây giờ tôi đã là nhà quản lý, được mời đi nói chuyện nhiều nơi và tôi đang mơ về một bậc học cao hơn trong tương lai. Không phải vì tôi sính bằng mà vì những khóa học ngày càng cao càng cho tôi nhiều kiến thức. "Học, học nữa, học mãi" với tôi là một niềm vui.

Một điều khá dễ chịu là hình như các công ty ở Tp.HCM không chê bằng tại chức. Chung lớp tại chức với tôi thuở đó có một số bạn tuổi đời khá trẻ nhưng sau khi ra trường bạn vẫn thi đậu mấy vòng tuyển dụng và vẫn có việc làm đàng hoàng.

Nếu sắp tới đây trong các buổi nói chuyện, có sinh viên hay nhân viên công ty nào hỏi tôi về bằng cấp, tôi sẽ không ngại ngần kể về những năm tháng đã qua. Tôi cũng sẽ nói với các bạn ấy rằng chính Bộ giáo dục đã mở ra một cơ hội cho những người vừa học vừa làm như chúng tôi.

Điều cuối cùng tôi muốn nói: bằng cấp như là tấm giấy thông hành, nhưng để tồn tại và phát triển thì cần có kiến thức thật sự. Và cũng mong rằng chúng ta không thể thấy vài lá sâu mà chặt hết nguyên “một cành cây” không thể thiếu nền giáo dục đại học tiesn bộ có tính đại chúng ngày nay chư không phải “giáo dục đại học tinh hoa” như thời xưa nữa!

Đương nhiên giáo dục tại chức hay không chính quy nói chung đều cần nâng cao chất lượng hơn nữa. Nhưng qua kinh nghiệm bản thân cũng như nhiều người bạn, tôi thấy chất lượng học tập chính là do quyết tâm của người học.     

Bạn đọc Nam Trân:

Có lẽ tranh luận về vấn đề “Đà Nẵng không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước” sẽ còn kéo dài, nhưng vấn đề là làm thế nào để mọi người có cái nhìn tích cực hơn về những người tốt nghiệp đại học hệ không chính quy.

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam chúng ta thường có thái độ phân biệt loai hình đào tạo không chính quy bằng câu nói đầy ý mỉa mai “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Tôi thiết nghĩ, tốt nghiệp đại học hệ tại chức mà bị gán cho cái từ “ngu” thì những ai theo học hệ từ xa chắc còn bị gán cho cái mỹ từ “vô cùng dốt”.

Với tư cách là người đã từng học hệ từ xa, tôi cũng góp chút ý kiến để các bạn có cái nhìn thoáng hơn về loại hình đào tạo mà chúng tôi đã học và có thể sẽ còn nhiều người học theo xu thế phát triển các hình thức học tập của thời nay.

Tôi đã cùng các bạn của mình từng theo học hệ từ xa của trường Đại học Huế niên khóa 2002 -2005, trước đó chúng tôi học chính quy hệ cao đẳng. Tôi không biết ở các nơi khác như thế nào nhưng tôi dám khẳng định với các bạn công tác tổ chức tuyển sinh, giảng dạy, học tập và thi cử ở niên khóa tôi học rất nghiêm túc. Tất cả chúng tôi đều học tập chăm chỉ. Chúng tôi cũng lo lắng, trăn trở khi ngày thi đến, cũng vui mừng khi kết quả thi tốt và cũng buồn lúc kết quả thi không như mong đợi của mình.

Nhiều người cứ nghĩ rằng học từ xa thì học làm gì, bằng đại học tại chức mà người ta còn chê thì bằng từ xa chỉ có đem dán ở xó bếp. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ học, học một cách say mê và đã tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Chúng tôi hài lòng với nỗ lực và thành quả của riêng mình.

Bản thân tôi còn mãn nguyện hơn nữa khi hồ sơ của mình đã vượt qua hơn 3.000 hồ sơ trên thế giới để được nhận học bổng toàn phần cho khóa học thạc sỹ của trường Đại Học Westminster, Luân Đôn, Anh Quốc và hiện giờ tôi vừa mới hoàn thành xong học kỳ một. Những gì tôi đã trải qua cho thấy rằng loại hình đào tạo không quan trọng mà quan trọng là ở quyết tâm và năng lực thật sự của bản thân người học.

Trở lại vấn đề “Đà Nẳng không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học hệ không chính quy” vừa qua, tôi thiết nghĩ Đà Nẳng nên tổ chức thi tuyển công khai để tuyển những người có năng lực thật sự chứ không phải tuyển những người có bằng cấp chính quy. Bên cạnh đó, Bộ GD & ĐT cũng cần chấn chỉnh công tác đào tạo đại học hệ không chính quy ở một số nơi để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với những ai học hệ không chính quy như chúng tôi.

Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi mong muốn những bạn nào đang học đại học hệ không chính quy cứ vững tin vào năng lực của mình, cứ tiếp tục học say mê và nghiêm túc. Nếu chúng ta có năng lực thật sự thì cơ hội sẽ luôn rộng mở với mình.

London, 18/12/2010

N. Tr.

 

LTS Dân trí - Làm điều gì muốn đi đến thành công cũng cần có niềm tin. Việc học tập, nhất là học theo hệ không chính quy, phải vừa làm vừa học là một quá trình phấn đấu gian nan, càng cần sự quyết tâm cao hơn. Chỉ có lòng say mê và khát khao học tập, muốn chiếm lĩnh những kiến thức mới mẻ mới giúp ta vượt qua mọi thử thách để đạt được kết quả đáng tự hào như hai bạn trẻ ngỏ bầy tâm sự trong hai bài viết ngắn trên đây.

Đứng về phía người tuyển dụng nhân lực, không thiếu những người, những doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, có cách “nhìn thoáng” để mở rộng cánh cửa tuyển dụng đối với những người dù có bằng cấp loại nào, miễn là người đó có năng lực thật sự, đạt được những tiêu chí khách quan qua những hình thức trắc nghiệm và thử việc.

Đúng là ở TP. Hồ Chí Minh, nơi đi đầu trong việc  phát triển mạnh mẽ hình thức đào tạo không chính quy và cũng là nơi có cách nhìn “thoáng” đối với việc tuyển dụng người tốt nghiệp hệ đào tạo không chính quy miễn là ứng viên đó đáp ứng đầy đủ những tiêu chí khách quan mà công việc đòi hỏi.

Dòng sự kiện: Bằng tại chức