Ông dạy cháu học lớp 1

Tôi vốn là công nhân cơ khí nghỉ hưu, năm nay tôi phải kèm cháu ngoại học lớp 1 tại nhà, bắt tay vào công việc tưởng đơn giản vậy mà khó. Thế là tôi đành phải “Hai ông cháu cùng học lớp 1 vậy”.

Sở dĩ tôi nói vậy vì 2 lẽ:

- Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học hay nhà giáo như các ông Phan Tử Bẳng, Trần Quang Đại mà theo cách nói của LTS Dân trí ý kiến của các vị “…thuộc về lĩnh vực chuyên sâu ngôn ngữ, chỉ có những chuyên gia thật sự am tường về lĩnh vực này mới có đủ thẩm quyền đánh giá về những ý kiến đó”.

- Tuy là người dân bình thường, tôi vẫn muốn tham gia ý kiến trên Diễn đàn Dân trí. Biết đâu lại tham góp được những ý kiến có ích, vì người dân vốn là đối tượng phục vụ của các nhà nghiên cứu mà.

Thế hệ tôi đi học vẫn đọc các chữ cái là A Bê Sê… thế hệ con cháu tôi đi học đọc là A Bờ Cờ….

Tôi đọc sách và được biết thời các cụ trước đi học thì chưa có chữ quốc ngữ mà học chữ nho (chữ Hán nhưng phát âm theo tiếng Việt ). Có một người tên là A-Lếc-Xăng Đờ-Rốt (Tôi không biết tiếng Pháp nên tôi viết theo cách này để ai không biết tiếng Pháp cũng đọc được mà không bị sai tên ông ta mong các nhà ngôn ngữ học thông cảm) theo thực dân Pháp vào Việt Nam đã dùng chữ La tinh để ghi lại tiếng nói của người Việt Nam ta, và chữ Quốc ngữ của người Việt Nam có từ đó. Một tấm bia xưa kia của ông Tây đó vẫn được người Việt Nam chiêm ngưỡng ở Hà Nội.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thế rồi sau Cách mạnh Tháng Tám, phong trào Bình Dân Học vụ (BDHV) nhằm xóa nạn mù chữ và cách đọc mới A Bờ Cờ thấy xuất hiện từ đó. Tôi vẫn nhớ tôi tham gia dạy BDHV cho lớp mẹ tôi các cô tôi lúc đó mù chữ ; tôi học ABC nay phải dạy A Bờ Cờ nên cũng hơi vất vả nhưng cũng mau thích nghi. Tôi xin nói thêm BDHV là một phong trào Cách Mạng diệt giặc dốt vừa vận động những người biết chữ dạy người chưa biết chữ vừa áp dụng những hình thức nghiêm khắc: ai đi chợ mà không đọc được những chữ ghi trên tấm cót đặt bên đường thì phải chui qua “Cổng Mù” thậm chí không được đi qua cổng vào chợ mà phải lội xuống ruộng mà vào. Thế là lớp người đó đã thoát khỏi nạn mù chữ để tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách gọi “A Bờ Cờ…”  có ý nghĩa chính trị và giá trị thực tiễn một thời, và đến bây giờ các thầy cô giáo đều học hệ A Bờ Cờ thì càng theo cái nếp đọc là A Bờ Cờ… Thôi đấy là việc ngày xưa còn bây giờ tôi hiểu chữ viết là kí hiệu quy ước để thể hiện âm thanh (lời nói) trên giấy để lưu lại và giao lưu với người khác. Ai bắt đầu đi học mà chẳng thấy khó thấy khổ, nhưng học mãi rồi cũng quen dù ABC hay A Bờ Cờ nếu không có A Bờ Cờ thì chắc cũng chẳng có bàn c•i nhiều như các ông đã viết bài trên tờ Dân trí điện tử .

Tôi khẳng định với các vị rằng; A-Lếc-Xăng Đờ-Rốt dùng ký tự hệ la tinh để biểu hiện cách phát âm rất hay (như tiếng chim hót) của người Việt Nam (vì nó có 6 thanh: bằng, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) ví dụ: phát âm chữ Quốc trong bài của ông Phan Tử Bẳng (PTB) như sau: Đọc liền một hơi các chữ Q + u + ô +c  ( cu + u + ô + sê + sắc = quốc) đó là cách đánh vần theo hệ ABC thời tôi học. Còn bây giờ đánh vần nó rắc rối như PTB nói bởi vì bà Đặng Thị Lanh có lẽ đã học theo hệ A Bờ Cờ… thì soạn sách cũng soạn theo A Bờ Cờ và ông PTB phải có ý kiến là tất nhiên.

Tôi mạo muội phân tích ý kiến của ông PTB về qu và gi ở trang 50 Tiếng Việt tập 1 nếu đánh vần theo lối ABC thì: q+u+ê = quê; còn đánh vần theo lối A Bờ Cờ thì mới ghép chứ  q và u làm một thành quờ + ê = quê mà ông PTB cho là không ổn như ông phân tích; cũng như vậy chữ gi  nếu đánh vần theo lối ABC thì giê + i+ dấu huyền = gì  thì làm sao người nước ngoài cười được và các cô giáo lại bị lúng túng khi ông vặn.

Tôi xin phân tích chữ quý  mà PTB đã đề cập. Nếu ghép 2 nguyên âm hữ u với chữ i (ngắn) thì thành = úi nếu q+ui+dấu sắc thì thành quí ( cúi) vô nghĩa nhưng nếu ghép u+y = uy ( uy quyền, uy nghi…) và q+uy+dấu sắc = quý ( quý báu, cao quý) . thời tôi học thì phải đánh vần như sau:

Q (cu)+u+ y( i cờ rét) + sắc = quý hơi dài giòng nhưng người đọc và người viết đều không sai. Thế cho nên A-Lếc-Xăng Đờ-Rốt đã dùng chữ y ( i cờ rét) mà bây giờ ta gọi là (i dài) để thay thế cho i ( i ngắn) là một trường hợp bất quy tắc.

Còn việc PTB nói về 2 từ Tiếng Việt như_ ai quy định và vùng nào được gọi là chuẩn tiếng Việt? Tôi xin có ý kiến như sau:

Tiếng Việt được A-Lếc-Xăng Đờ-Rốt gọi là thứ tiếng hay như chim hót bởi tiếng Việt có 6 thanh nhiều hơn các nước trên thế giới họ chỉ có 4 thanh không cần ai quy định mà cứ vùng nào phát âm được đủ 6 thanh và ai phát âm được đủ 6 thanh thì vùng đó người đó được gọi là phát âm chuẩn tiếng Việt vậy vùng nào nhiều người phát âm chuẩn tiếng Việt nhất ngoài thành phố thủ đô Hà Nội nơi đại diện cho nền văn hoá Việt Nam.

Tôi xin kể một mẩu truyện nhỏ. Khi tôi đóng quân ở vùng Con Quông tỉnh Nghệ An có quen một cô gái tên Hồng, O này có cảm tình tốt với tôi và tôi nói đùa “ Em nói trồ trồ trề trề anh nghe không hiểu” Hồng trả lời “ anh thích nói tiếng Hà Nội thì em nói cho anh nghe ..” thế là giọng Hồng nói đặc giọng Hà Nội mặc dù Hồng chưa hề được đặt chân trên đất Hà Nội. Xin nói thêm người nước ngoài học tiếng Việt họ cũng muốn ngưởi dạy mình là người Hà Nội. Thôi nói chữ nghĩa nó dài lắm.

Xin trở lại việc tôi kèm cháu gái tôi học vậy. Cháu hỏi tôi “ ông ơi người lớn viết thế nào?..” nếu là thời ABC thì tôi chỉ cần phát âm chữ lớn dài ra một chút thì chắc nó biết là chữ L ( e lờ) nhưng vì cháu học theo A Bờ Cờ nên tôi phải đưa bảng chữ cái ra chỉ vào chữ L và hỏi lại cháu rằng cô giáo dạy cháu chữ này là chữ gì và cháu nói là chữ L ( lờ dài) ạ, thế tức là tôi phải học lại cùng cháu mới dạy được cháu.

Nghe nói trong ngành giáo dục có nhiều tiễn sĩ lắm mà sao không ai nghiên cứu lai cách  học vần cho các cháu?

                                                                   Hoàng Nguyên Độ

 

LTS Dân trí - Nhiều người thuộc thế hệ trước đều ít nhiều có băn khoăn về những cải cách không đáng có trong nền giáo dục nước nhà. Thí dụ như cải cách về chữ viết mà nay đã bỏ “cải cách” đó đi rồi nhưng vẫn chưa xác định được ai là người chịu trách nhiệm về thứ “cải lùi” đó.

Còn việc cải cách tên gọi chữ cái và cách đánh vần thì thấy xuất hiện từ phong trào Bình dân học vụ khi nước nhà mới dành được độc lập và từ đó trở thành thói quen rồi được chính thức hóa đưa vào trường học chính quy. Cách gọi tên các chữ cái và cách đánh vần mới này có thật sự  ưu điểm hơn cách cũ không? Nhưng hệ lụy thì đã thấy vì nó gây thêm sự lộn xộn về sự tồn tại song song hai cách đọc chữ cái tiêng Việt.

Trả lời có sức thuyết phục và có căn cứ khoa học rõ ràng về câu hỏi này lại thuộc về trách nhiệm của các nhà nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ và sư phạm.