Từ vụ nam thanh niên chống đối, đòi xem chuyên đề của 141:

Trường hợp nào người dân được xem chuyên đề, kế hoạch của CSGT?

Khả Vân

(Dân trí) - Người dân không có quyền yêu cầu, CSGT không có nghĩa vụ phải cung cấp chuyên đề, kế hoạch tuần tra kiểm soát nếu kế hoạch đã được công khai.

Người dân có quyền yêu cầu xem "Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên" (Kế hoạch tuần tra, kiểm soát) khi lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn?

Câu hỏi trên nóng trở lại khi chỉ cách đây mấy ngày, một lái xe quê Phú Thọ yêu cầu cảnh sát giao thông tại nút giao Lê Trọng Tấn - KĐT Park City (Hà Đông, Hà Nội) phải cho xem chuyên đề, kế hoạch công tác mới đồng ý chấp hành việc cơ quan chức năng kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn.

Vụ việc tranh luận kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, gây nhiều xôn xao trong giới lái xe, người tham gia giao thông.

Dưới góc độ pháp luật, chúng ta cùng tìm câu trả lời cho vụ việc này. Theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, việc CSGT có phải đáp ứng yêu cầu của người dân khi muốn xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát hay không, phải tách làm 2 trường hợp.

Trường hợp nào người dân được xem chuyên đề, kế hoạch của CSGT? - 1

Nam tài xế người Phú Thọ liên tục yêu cầu tổ công tác 141 cho xem chuyên đề, kế hoạch làm việc và không chịu hợp tác (Ảnh: Hoàng Hiếu).

Trường hợp thứ nhất: Người dân không có quyền yêu cầu, Cảnh sát giao thông không có nghĩa vụ phải cung cấp "Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên" nếu kế hoạch đã được công khai.

Việc công khai theo quy định tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA:

- Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

- Đăng Công báo.

- Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Các quy định pháp luật của Bộ Công an hiện hành chỉ quy định 05 hình thức công khai trên, hoàn toàn không quy định hình thức công khai trực tiếp Kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho người dân xem trong quá trình xử lý vi phạm hành chính liên quan đến giao thông.

Do vậy khi kế hoạch đã được công khai, người dân thiếu căn cứ pháp lý yêu cầu và chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng không có nghĩa vụ cung cấp.

Trường hợp thứ hai: Người dân có quyền yêu cầu, Cảnh sát giao thông có nghĩa vụ phải cung cấp Kế hoạch tuần tra, kiểm soát khi kế hoạch chưa được công khai theo các hình thức quy định tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA.

Những nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: "Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện";

Mục đích ban hành Thông tư 67/2019/TT-BCA để nhân dân, người vi phạm giám sát, thực hiện quyền tự do dân chủ trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 67/2019/TT-BCA Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:

1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Nhân dân phục vụ. Nếu cơ quan chức năng chưa công khai Kế hoạch tuần tra, kiểm soát thì không có căn cứ, không có cơ sở để người dân phát huy, thực hiện quyền làm chủ của người dân.

Ngoài ra Luật Tiếp cận thông tin ghi nhận về quyền của người dân trong việc tiếp cận thông tin cụ thể tại điều 10 về Cách thức tiếp cận thông tin có nêu: Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau:

1. Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai;

2. Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Luật Tiếp cận thông tin ghi nhận về nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan chức năng khẳng định: "Điều 9. Phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin. 1. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này".

Do vậy để đảm bảo quyền làm chủ của người dân theo quy định tại Thông tư 67/2019/TT-BCA, quyền tiếp cận và nghĩa vụ cung cấp thông tin tại Luật Tiếp cận thông tin Người dân có quyền yêu cầu, Cảnh sát giao thông có nghĩa vụ phải cung cấp Kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Theo luật sư, việc thực thi quyền của bất cứ chủ thể nào, dù là người dân hay chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng cần đảm bảo nguyên tắc thiện chí, trung thực, không lạm dụng quyền gây khó khăn trở ngại cho chủ thể khác.

Trong vụ việc này, Luật sư Lực cho biết, đơn vị thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn ở khu vực thanh niên đó lưu thông qua là của Tổ công tác Y11/141. Theo đó, Tổ công tác liên ngành 141 là tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội với nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và thực hiện các chuyên đề nóng của Phòng CSGT và Công an TP.

Kế hoạch của các tổ công tác 141 đã được thông qua Ban chỉ đạo 141 của Công an TP, hàng ngày được phân công theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT và Công an TP để đảm bảo công tác nghiệp vụ. Do vậy, người vi phạm không được yêu cầu xem chuyên đề, kế hoạch của các tổ công tác này.