Không cần nhiều tiền mà nhiều tâm huyết

(Dân trí) - GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội phát biểu về đề án biên soạn chương trình và SGK của Bộ GD ĐT: “Vấn đề ở đây không phải là cần nhiều tiền mà cần sự tâm huyết”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Trước số tiền khổng lồ mà Bộ GD&ĐT đưa ra, phát biểu của GS Nguyễn Xuân Hãn giúp cho lãnh đạo ngành giáo dục bình tĩnh hơn và nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện đề án này.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có giải thích các khoản chi gói 34.000 tỉ đồng thì việc biên soạn sách chi phí trên 100 tỉ đồng, số tiền còn lại chi vào các khoản khác như dạy thí điểm, tập huấn cho giáo viên, trang bị thiết bị và đồ dùng dạy học, xây dựng kênh thông tin truyền thông…

 

Dù Bộ GD&ĐT có chia số tiền 34.000 tỉ đồng ra nhiều khoản không làm thay đổi tổng số của nó. Nếu như làm nhỏ gói biên soạn sách xuống 100 tỉ đồng, thì các việc tập huấn, tuyên truyền, sắm thiết bị dạy học lại ngốn số tiền 33.900 tỉ đồng còn lại?

 

Chưa kể, ông  Đỗ Ngọc Thống – Thường trực Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa phổ thông cho rằng kinh phí chi cho biên soạn sách là 5.000 tỉ đồng. Thế nhưng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại nói trên 100 tỉ đồng. Biết tin ai bây giờ!

 

Trong khi đó, các chuyên gia hàng đầu về giáo dục và có kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa đều cho rằng chỉ cần vài chục tỉ đồng là đủ. Với những phân tích khá rõ ràng của các chuyên gia, cho thấy các con số mà Bộ GD&ĐT công bố quá cao so với nhu cầu thực.

 

Rốt cuộc, tiền nhiều như thế hay nhiều hơn cũng vô ích, cũng đổ sông đổ biển nếu như thiếu tâm huyết. Tất nhiên phải có tiền mới thực hiện được đề án, nhưng tâm huyết của người làm giáo dục, người trực tiếp thực hiện đề án mới là điều quan trọng nhất.

 

Từ phát biểu của GS. Nguyễn Xuân Hãn về việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, nhìn rộng ra các vấn đề khác liên quan đến giáo dục, có thể nhận thấy rằng chúng ta đang thiếu nguồn lực ngoài tiền bạc, đó là tâm huyết. Không dám cho rằng tất cả người làm công tác giáo dục đều thiếu tâm huyết, nhưng cũng không ít người xem trọng các loại quyền lợi hơn mục đích cống hiến cho nghề nghiệp.

 

Nếu như hai chữ “tâm huyết” mà còn thiếu vắng thì tiền nhiều cũng chỉ phục vụ các mục đích ngoài giáo dục mà thôi.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!