Ma-ra-tong lớp Một!

(Dân trí) - Dạo này, cuộc maratong chạy trường, chạy lớp đang vào giai đoạn quyết liệt. Từ cách đây 6 - 7 tháng, nhiều người đã rục rịch lên kế hoạch cụ thể cho sự việc trọng đại này.

Ma-ra-tong lớp Một! - 1

(Ảnh mang tính minh họa)

 

Nhà mình năm ngoái cũng vậy. Bống nhà mình vào lớp một. Lớp một ơi lớp một. Thế mà mới sau tết âm lịch mươi ngày, đã thấy mẹ Bống khởi động chiến dịch chạy trường, chạy lớp hết sức quy mô, bài bản.

 

Bắt đầu là những cuộc mẹ Bống đi làm về muộn, mặt mũi phờ, mệt mỏi. Định hỏi, nhưng ngại mẹ Bống bảo mình… hêghen. Rồi đến một hôm, mẹ Bống mặt tươi roi rói như ngói mới ra lò. Vừa về đến nhà, chưa kịp dựng xe, mẹ Bống đã kêu toáng lên hệt… gà mẹ đẻ trứng chạy ra sân cục ta, cục tác:

- Tìm ra rồi. Tìm ra rồi. Tìm ra rồi…!

- Tìm ra cái gì mà như Acsimet tìm ra định luật (định luật gì nhỉ, quên mất rùi) vậy?

- Ra trường, ra lớp cho Bống chứ còn ra cái gì. Anh tưởng mấy tuần nay tôi đi đàn đúm hẳn.

Không. Không. Vợ kính yêu ơi! Anh thề có trời, có đất, có bít tất, có giầy da rằng anh chưa bao giờ phạm thượng để mà dám có ý nghĩ đen tối ấy với em đâu. Đang định thanh minh thì mẹ Bống đã xối xả:

 

- Anh thì suốt ngày cắm đầu vào cái máy vi tính, có quan tâm, để ý gì đến chuyện học hành của con cái đâu. Đây, tôi đã tìm hiểu kỹ rồi. Hà Nội có 3 trường công lập tốt nhất. Nhưng trường này (mẹ Bống cầm tờ giấy dí sát vào mặt mình), nhìn thấy chửa, trường ấy là tốt nhất, lại tiện trên đường  mình đi làm. Mà này nhớ là phải lớp E là lớp chọn đấy nhé.

 

- Sao lại lớp E. Ba tưởng lớp A chứ…

 

- Ối giời ơi người đâu mà như từ cung trăng rơi xuống thế. Người ta thay thứ tự bảng chữ cái theo sắp xếp tiếng Anh nên bắt đầu bằng chữ E chứ không phải chữ A. Lớp E mới là lớp tốt nhất. Dốt ơi là dốt. 

 

Cứ tưởng thế là “yên tâm vững bước mà đi” tìm trường, nào ngờ mới được mấy hôm, đã thấy mẹ Bống hớt hải:

 

- Không được rồi, trường ấy chỉ được cái tiếng thôi chứ bây giờ chán lắm… Hôm qua em vào giả vờ đi toa-let, bẩn ơi là bẩn. Thôi, để em tìm hiểu đã.

 

Có bữa nửa đêm, mẹ Bống dựng mình dậy:

- Ngủ gì ngủ lắm thế cho nó phì người ra à? Suốt ngày hết vi tính, vi teo lại lăn ra ngủ, chả hỏi han gì đến việc học hành của con cái. Anh thấy cái trường ấy thế nào?

- Tốt. Tốt lắm mẹ Bống ạ. Mấy đứa ở cơ quan anh nó khen nức nở… (Mình nói thế chứ mình có biết là mẹ Bống muốn nhắc đến cái trường nào đâu).

 

Bằng nỗ lực và sự quen biết của cả hai vợ chồng, cuộc chạy trường, hạy lớp của Bống cũng “thành công tốt đẹp” dù tốn rất nhiều mồ hôi, công sức. Nhiều khi mình nghĩ, không biết thiên hạ chạy chức, chạy quyền có vất vả đến thế không? Các tổng thống Mỹ chạy đua vào Nhà trắng có gian nan đến thế không? Và có nơi nào trên trái đất này, việc học hành cho con cái lại gian truân như ở xứ mình không nhỉ?

 

Ngày đưa đầu tiên đưa Bống đến trường, nhìn Bống đeo cái cặp lặc lè sau lưng, mình thương Bống ứa nước mắt. Thế là chấm dứt những tháng ngày vô tư, từ nay Bống phải oằn mình trước sức ép của học hành, thi cử và những lo toan lớn dần theo tuổi tác của kiếp người. Sáng học, chiều học, tối học… Còn hơn một tháng nữa mới hết năm học, Bống gầy đi 3ký. Hình như cái khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vẫn còn là chuyện của ước mơ xa vời. Có trẻ con nơi nào cực nhọc như trẻ con xứ mình không nhỉ?

 

Thôi, chả kể chuyện này nữa. Chuyển sang chuyện khác vậy.

 

Từ hôm đi học, hầu như ngày nào Bống cũng cầm về một tờ quảng cáo. Hết gia sư tại nhà đến học múa, học nhạc, học vẽ, học võ… Nhưng lạ nhất là có bữa, Bống mặt đầy hớn hở đưa cho mình tờ giấy in rất trang trọng: Giấy chứng nhận thành viên Câu lạc bộ tiếng Anh với đầy đủ các điều khoản, chữ ký to đùng và cái dấu đỏ chót. Mình hí hửng đem khoe mẹ Bống cho mẹ Bống mừng. Nào ngờ mẹ quắc mắt:

- Mặt chữ chưa thuộc hết, tiếng Việt nói còn ngọng. Dở hơi…!

 

Mình chả hiểu tại sao lại bị mắng dở hơi nhưng chưa dám hỏi lại! Hu! Hu!

 

Thôi, đi rửa bát đây!

 

Bùi Rửa Bát