Đáp án mở giải bài toán khó Du lịch

(Dân trí) - Nói về du lịch lẽ ra phải có nhiều điều vui, nhiều trải nghiệm thú vị cùng được chia sẻ… Nhưng những cảm nhận đó vẫn chỉ là bình thường sau những chuyến du ngoạn nước ngoài, còn đi du lịch trong nước bây giờ ngay với dân ta thì... đầu óc còn căng lắm!

Đáp án mở giải bài toán khó Du lịch
Hàng rong đeo bám du khách - cảnh thường thấy ngay tại Thủ đô Hà Nội (ảnh Kỳ Anh, Lao Động)

 

Đánh đố du khách

 

Tuy cũng có một số người vẫn biện minh rằng ở đâu cũng có người thế này, người thế khác…Và rằng trước hết chúng ta phải là những du khách thông thái, mà một trong những “chiêu” tránh chặt chém là ăn gì, ở đâu, sử dụng dịch vụ du lịch nào… trước tiên cũng phải hỏi giá tiền (???) Cơ khổ! Chẳng phải nhiều bạn đọc đã phản ánh rằng hỏi giá rồi, nhưng sau đó vẫn bị “lật ngược thế cờ” đó sao? Du khách luôn là những người nắm dao đằng lưỡi mà! Bằng chứng đâu? Thân cô, thế cô, tranh cãi phỏng có ích gì hay lại thiệt tới thân? Đúng là chẳng khác gì đánh đố du khách!

 

Cũng có thể nguyên do một phần là ở những điều Loan thanhloan1451984@gmail.com vạch rõ (và cũng đã không ít lần được chính những người dân tại các điểm du lịch viện dẫn ra để biện minh):

 

“Vì sao dân sinh ra như thế, hay ‘bần cùng sinh đạo tặc’? Chính quyền thì thường tỏ ra… không có trách nhiệm. Cán bộ quản lý thì ăn đút lót, thậm chí còn ‘bảo kê’, làm lơ cho người ta tự do buôn bán kiểu chặt chém. Chính sách thì khác gì ‘tô cao, thuế nặng’ với các kiểu thuế, phí hàng năm đổ vào đầu người dân, lên hộ kinh doanh. Rồi còn phải phong bì, lót tay các loại nữa chứ. Không chặt chém thì lấy đâu ra tiền mà nuôi con đây? Các ông giới chức cứ ngồi đấy mà hỏi tại sao? Cho một vài nhân vật mất chức tự khắc khá lên ngay. Trên nghiêm thì dưới sao dám làm bậy???

 

Cũng về tình trạng này, Cong Chuc congchuc@gmail.com nhận xét:

 

“Tôi thấy, nếu chính quyền từ cấp Tỉnh trở xuống mà quan tâm một vấn đề nào đó thì nơi đó sẽ trong sạch, không còn các tệ nạn như đeo bám chặt chém khách. Thậm chí là cả cướp giật... cũng không còn đất sống. Còn cứ tình trạng như thế này thì ngay cả khách du lịch nội địa họ cũng không dám đi du lịch trong nước nữa, mà chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Campuchia hoặc Lào .... Vì ở những nơi này khách được tiếp đón chu đáo và lịch sự khiến ai cũng thấy thoải mái. Mong sao ngành du lịch nước ta cần phối hợp nhiều với các ngành có trách nhiệm khác, để khách du lịch quốc tế và nội địa đến ngày càng nhiều. Nếu không làm ngay thì du lịch của ta chắc sẽ bị xếp hạng bét Đông Nam Á chứ chưa nói đến so với thế giới đâu!!!”

 

Võ Trung Việt trungvietkd@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Trước những phản ánh về thực trạng DLVN như vậy, tôi nghĩ các ngành chức năng có liên quan cần tìm hiểu và xử lý triệt để. DLVN là một trong những ngành quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, thế mà cứ để tình trạng làm du lịch kiểu chặt chém như vậy ở hầu khắp mọi nơi thì còn ai dám đến VN nữa? Chỉ biết cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích dài lâu của đất nước thì quá mức… ngu dại. Chúng tôi là người miền Trung dự định du lịch ra Bắc, nhưng qua các thông tin được biết thì đành bỏ dự định đó thôi. Vào Nha Trang, đến các điểm du lịch biển ở miền Nam, đi vùng sông nước miền Tây thú vị hơn rất nhiều. Bởi ta luôn bắt gặp ở đó những người làm du lịch thân thiện, cởi mở. Đặc biệt  là giá cả hợp lí, không có tình trạng chặt chém xảy ra. Đâu chỉ có Sầm Sơn, Cát Bà mới có biển, có đảo…”

 

Thắng Dương thangpro119@gmail.com chia sẻ tiếp những trải nghiệm riêng mà thật ra lại rất chung: 

 

“Đến tôi là người VN mà còn sợ, chứ nói gì đến khách nước ngoài. Đi nghỉ gần như ở đâu cũng vậy, không bị xe ôm chặt chém thì cũng bị cò chèo kéo khách thuê nhà nghỉ, khách sạn. Tôi đi cũng rất nhiều nơi, nhưng thấy chỉ có vào Đà Nẵng hay lên Đà Lạt là an toàn vì các hiện tượng nêu trên hầu như tôi không gặp. Còn bất kể các khu nghỉ dưỡng nào cũng có các tệ nạn này. Khách nước ngoài có người nói với tôi là: Người VN thân thiện và mến khách đến nỗi mà khi khách không mua gì là… cầm tờ giấy đốt vía họ ngay!!!"
 
Đáp án mở giải bài toán khó Du lịch
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường DLVN sáng 6/6 tại Hà Nội (ảnh: VGP/Từ Lương)

 

Đáp án mở

 

Đội ngũ cán bộ của bất kỳ ngành chức năng nào của VN, chẳng cần so với đâu xa mà ngay tới vài nước gần ta thôi như Campuchia, Lào, Thái Lan… cũng đã hùng hậu hơn nhiều rồi. Vậy mà những điệp khúc: thiếu người, không thể bao quát hết…dân vẫn phải nghe hoài tới mức nhàm chán. Trong khi tình hình thì tới mức nước sôi lửa bỏng từ lâu rồi!

 

Phạm Viết Hùng viethungpham2002@yahoo.com góp ý có phần khá gay gắt:

 

“Tôi thấy ở các địa điểm du lịch phía Bắc chỗ nào cũng có tình trạng chặt chém (nhiều hay ít hơn mà thôi). Lối suy nghĩ ăn xổi thật đáng xấu hổ! Tôi không biết các vị có thẩm quyền quản lý kiểu gì mà để hình ảnh quê hương mình trong mắt khách du lịch xấu xí đến vậy? Chắc cái cục xấu hổ của các vị nó chai lỳ với nỗi bất bình của du khách rồi chăng? Tôi nghĩ một mặt chúng ta phải tích cực tuyên truyền, kêu gọi mọi người sống đẹp, có văn hóa. Mặt khác cần những chế tài mạnh để đủ sức răn đe. Hãy làm tất cả để quê mình luôn đẹp trong mắt du khách!”

 

Nguyen Thi Hue  tamhue237@yahoo.com nêu rõ sự cần thiết cần có những cách làm cụ thể, quyết liệt:

 

“Mình có một ý kiến là khi du khách hay người dân thấy hiện tượng chèo kéo, chặt chém thì ngoài việc báo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý người vi phạm (phạt hành chính thật nặng). Sau đó cần chụp hình phóng to, trình chiếu trên những màn hình lớn hoặc có thể dán tại những điểm du lịch để du khách biết, mọi người biết. Còn những cửa hàng, công ty nào vi phạm tương tự thì buộc ngừng kinh doanh, buôn bán luôn. Phải làm mạnh tay và quyết liệt thì mới mong giải quyết được vấn nạn này”.

 

Dương Văn Lực dvluc0812@gmail.com gửi tiếp thông điệp cảnh báo:

 

“Tệ chặt chém và lừa lọc khá phổ biến ở một số nơi du lịch, không những bản thân tôi đã là nạn nhân mà qua báo chí vừa qua phản ánh mà tôi sởn tóc gáy... Phải có biện pháp mạnh và phối hợp đồng bộ thế nào để giải quyết tình chặt chém. Để mỗi con người VN đều có cơ hội được hưởng thụ, ngưỡng mộ vẻ đẹp hữu tình mà trên thế giới này ít nơi có được và hình ảnh DLVN ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế”.
 
Để giải được bài toán khó du lịch, trách nhiệm chẳng thể chỉ của riêng ngành nào, lĩnh vực nào mà của cả toàn dân chúng ta nữa đó. Sẽ thật hay nếu mọi người dân đều tự coi mình như một cảnh sát du lịch thực thụ, tại sao không nhỉ???

 

Kiều Anh