Tâm điểm
Hoàng Hồng

Cuộc đua đại học tốp trên và thế khó của thí sinh nhà nghèo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có ba thủ khoa khối A cùng đạt 29,35 điểm và cùng đạt 9,6 điểm môn toán. Hai trong ba thủ khoa cùng dự tuyển nguyện vọng 1 vào khoa khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội và trượt như chúng ta đã biết. Nếu thủ khoa còn lại cũng nộp hồ sơ thì kết quả vẫn là trượt.

Nhìn bức tranh rộng hơn, trong số 323.187 thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chỉ 4 thí sinh sẽ đỗ vào ngành khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội nếu dự tuyển gồm: 3 thí sinh khối A00 (toán, lý, hóa) có cùng mức 29,25 điểm và cùng đạt 10 toán; một thí sinh khối A01 (toán, lý, Anh) đạt 29,8 điểm và 9,8 toán.

Tính theo công thức xét tuyển của Đại học Bách khoa, 3 thí sinh khối A00 đạt 29,43 (chưa tính điểm ưu tiên), thí sinh khối A01 đạt 29,7; điểm chuẩn của ngành khoa học máy tính là 29,42.

Như vậy, chỉ có 4 thí sinh đạt điểm chuẩn vào khoa khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ là 0,001%. Điều gì đang xảy ra với các thí sinh dự tuyển đại học chỉ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT?

Theo đề án tuyển sinh, Đại học Bách Khoa Hà Nội dành 85-90% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi, còn lại là xét tuyển sớm (10-15%). Xét tuyển bằng điểm thi bao gồm hai phương thức: Thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kết hợp các Sở GD&ĐT tổ chức. Trong đó, với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy, trường áp dụng chế độ điểm thưởng dành cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS hoặc VSTEP (kỳ thi năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn hóa của Việt Nam). Như vậy, ngay trong nhóm dự tuyển bằng thi đánh giá tư duy, ưu thế thuộc về thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ.

Cuộc đua đại học tốp trên và thế khó của thí sinh nhà nghèo - 1

Thủ khoa khối A00 (đứng giữa) Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh NVCC).

Còn với thí sinh vào Đại học Bách khoa nhờ xét tuyển sớm, ngoài thí sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế là các thí sinh có chứng chỉ SAT, ACT, A-Level, AP và IB - những chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế, mà để đạt được cần sự đầu tư rất lớn của gia đình (học phí) cùng với năng lực của thí sinh.

Như vậy, các chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ quốc tế là lợi thế cho thí sinh nào sở hữu chúng trong cuộc chạy đua vào đại học tốp trên, ngành "hot", vì các trường đại học hàng đầu dành chỉ tiêu lớn cho nhóm thí sinh này. Ngoài Đại học Bách khoa, có thể kể thêm Trường Đại học Kinh tế quốc dân dành 75% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, chỉ 25% cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Nhóm thí sinh nào thường đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ quốc tế trước khi tốt nghiệp THPT? Đó là thí sinh ở các đô thị lớn, thí sinh trường chuyên, hệ chuyên.

Trường nào cũng có nhu cầu tuyển được thí sinh chất lượng. Và tất nhiên, thí sinh có các chứng chỉ SAT, IELTS, ACT, AP… đáng tin cậy về chất lượng hơn thí sinh chỉ có điểm thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi mà các trường cho rằng không có tính phân loại khi gộp chung hai mục đích tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Để đỗ được vào ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất trường Kinh tế quốc dân, thí sinh phải đạt tối thiểu 26,1 điểm, tức gần 9 điểm/môn.

Sự tăng phi mã của điểm chuẩn đại học các trường tốp đầu kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hình thức thi 2 trong 1 và cho phép các trường đại học tự chủ tuyển sinh đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm.

Rất nhiều ngành khoa học xã hội lấy điểm chuẩn 28, 29, tức thí sinh đạt mức điểm tiệm cận sự hoàn hảo. Những ngành khoa học tự nhiên trong tốp trên thì điểm chuẩn cũng phải 27, 28, và đỉnh điểm là thủ khoa vẫn trượt. Bởi như lãnh đạo Đại học Bách Khoa cảnh báo, không đạt 30 điểm 3 môn toán, lý, hóa thì không nên nộp hồ sơ vào ngành khoa học máy tính của trường. Nói cách khác, giỏi chưa đủ mà phải rất giỏi. 

Nếu đọc đề án tuyển sinh của các trường, không thể không ngậm ngùi cho hai thủ khoa trượt nguyện vọng 1. Bởi các em trượt không phải vì không đủ "rất giỏi", mà vì thiếu thông tin về tuyển sinh và/hoặc thiếu điều kiện để sở hữu các chứng chỉ quốc tế.

Câu chuyện này cũng vén tấm màn nhung của cuộc chạy đua IELTS khốc liệt đang diễn ra tại Hà Nội, Nghệ An, TPHCM và nhiều tỉnh thành lớn khác.

Tại sao cha mẹ phải đưa con vào các lò luyện IELTS từ lớp 6, 7, thậm chí từ tiểu học? Cơn "cuồng" IELTS đó không tự nhiên mà có. Nó xuất phát từ chính sách tuyển sinh hiện nay, từ cấp THPT đến đại học. Cá biệt một số nơi áp dụng từ đầu vào bậc THCS. Có IELTS là có điểm cộng. Có điểm cộng là có ưu thế. Ở bậc đại học, cày IELTS và nắm chắc kết quả trong tay từ trước khi thi tốt nghiệp THPT vẫn hơn đặt cược vào một kỳ thi duy nhất với nhiều môn thi và kết quả biết vào phút cuối cùng của cuộc chơi.

Sau IELTS là SAT. Nếu điểm SAT trước đây chỉ dành cho nhóm học sinh có nhu cầu du học thì hiện tại được rất nhiều trường ưu tiên tuyển sinh.

Làm thế nào để có được điểm IELTS và SAT ở mức an toàn cho việc nộp hồ sơ vào đại học nói chung và trường tốp, ngành "hot" nói riêng? Tất nhiên cần năng lực của người học, nhưng đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là tiền.

Với các chứng chỉ này, rất hiếm học sinh có thể tự học. Đại đa số phải đến các lò luyện thi. Khảo sát các trung tâm ở Hà Nội, chi phí trung bình để đạt IELTS 6.5 là 30 triệu đồng, chi phí trung bình để đạt SAT 1200 là 20 triệu đồng. Cũng cần lưu ý thêm, để vào khoa khoa học máy tính của Đại học Bách khoa, điểm SAT cần đạt 1500 trở lên, mức điểm mà chỉ khoảng 8 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ áp dụng, trong đó có Harvard. Muốn điểm SAT cao hơn 1200 thì chi phí cũng tăng lên.

Khi IELTS và SAT chiếm lĩnh mọi sân chơi, cơ hội nào cho học sinh tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, học sinh không học hệ chuyên, trường chuyên? Liệu một học sinh con nhà không có điều kiện miệt mài ôn bài và dựa cả vào một kỳ thi tốt nghiệp THPT có đủ khả năng cạnh tranh để vào các ngành đào tạo hàng đầu Việt Nam? Câu trả lời là có nhưng chỉ là thiểu số. Thiểu số như con số 0,001% thí sinh đỗ vào ngành khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội như đã nêu ở trên.

Các trường không có lỗi trong sự bất bình đẳng này. Họ không có nhiệm vụ phải tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả thí sinh. Đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục. Các trường không ưu tiên tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nghĩa là họ không hoàn toàn đặt niềm tin vào chất lượng của kỳ thi. Nhưng kỳ thi lại là "chuyến đò" duy nhất của đa số học sinh THPT trên toàn quốc.

Kỳ thi cũng là phương tiện duy nhất để phần đa thí sinh thực hiện ước mơ vào đời của mình. Họ có quyền chính đáng được bình đẳng trong cơ hội học tập. Và ngành giáo dục cần thay đổi cách thức thi cử để đảm bảo quyền bình đẳng đó, bắt đầu bằng việc cải cách cách ra đề để đảm bảo tính phân loại, cải thiện công tác tổ chức để phòng ngừa gian lận thi cử, cải thiện cách đánh giá học sinh bậc THPT để đảm bảo tính trung thực của học bạ. Khi chất lượng khảo thí tăng - đủ để các trường đại học tin tưởng, khi đó học sinh thuộc nhóm yếu thế mới chạm tay vào sự bình đẳng về cơ hội học tập.

Bên cạnh đó, thay vì hạn chế các trường tuyển sinh bằng IELTS, ngành giáo dục hãy truyền thông cho chứng chỉ VSTEP - chứng chỉ do chính Bộ GD&ĐT cấp với chi phí để học, thi rẻ hơn nhiều so với chứng chỉ "ngoại". Học sinh cần được tiếp cận giáo dục chi phí thấp. Bởi một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ là nền giáo dục không bỏ học sinh thiếu điều kiện kinh tế ở lại phía sau.

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!