Thực hiện Nghị định 37 về minh bạch tài sản, thu nhập:

Không nên mở rộng đối tượng cần kê khai tài sản và thu nhập

Mục đích của việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thuộc diện kê khai, nhằm đánh giá tính trung thực của người kê khai, đồng thời theo dõi sự biến động về tài sản, thu nhập đó có điều gì bất minh, góp phần phòng ngừa tham nhũng…

 

 Ngày 09/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập (NĐ37). Đây là vấn đề lớn đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Việc triển khai NĐ37 thế nào cho thật sự mang lại hiệu quả còn có nhiều vấn đề phải bàn như cách thức kê khai như thế nào? Công khai việc kê khai tài sản như thế nào? Việc xử lý các trường hợp che dấu, kê khai không đúng sự thật ra sao... Tuy nhiên, do tính chất mới mẻ, phức tạp của vấn đề này mà đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiến hành từng bước vừa thận trọng, khách quan nhưng phải chặt chẽ, nghiêm minh thì mới đạt hiệu quả cao.

 

Theo chúng tôi, việc triển khai NĐ 37 còn có một số bất cập, chưa hợp lý sau đây:

 

Thứ nhất, theo Điều 6 của NĐ37 thì quy định cụ thể những đối tượng phải kê khai tài sản như: Phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên,... cán bộ tài chính-kế toán, địa chính cấp xã... Như vậy, những đối tượng nào phải kê khai minh bạch tài sản đã được quy định rõ. Tuy nhiên, sau đó Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP hướng dẫn thi hành một số điều của NĐ 37, theo đó mở rộng ra rất nhiều đối tượng phải kê khai, minh bạch tài sản không đúng nội dung của NĐ37. Nghĩa là hầu như tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước phải kê khai tài sản...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nếu mới nhìn qua thì rõ ràng đây là điều tốt, cần thiết, nhưng nhìn trên bình diện rộng thì đây là điểm bất hợp lý, giảm đi ý nghĩa, mục đích của việc khai khai tài sản. Bởi lẽ, kê khai minh bạch tài sản hiện nay chủ yếu là để phòng ngừa hành vi tham nhũng đối với những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao thì NĐ37 đã liệt kê đầy đủ, chi tiết. Do vậy, nếu vừa mới triển khai công tác này mà chúng ta mở ra quá nhiều đối tượng theo quy định tại NĐ37 sẽ dẫn đến không thể kiểm soát nỗi. Từ đó, việc kê khai, minh bạch tài sản sẽ không có ý nghĩa, hiệu quả không cao.

 

Thứ hai, việc kê khai tài sản người dân đòi hỏi chủ yếu là người đứng đầu, có chức vụ quyền hạn nhất định phải công khai thu nhập, tài sản để người dân biết kiểm tra, giám sát. Ví dụ, ở các nước trước khi được bổ nhiệm hoặc được bầu đảm nhiệm một chức vụ đứng đầu một cơ quan nào đó trong các cơ quan nhà nước thì mới phải công khai thu nhập, tài sản cho dân biết. Sau khi rời chức vụ thì những người này cũng phải công khai, minh bạch tài sản để người dân, các cơ quan chức năng kiểm tra. Do đó, việc những người này rất khó thoát khỏi tội, nếu có tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tại vị. Trong khi đó, ở nước ta người dân trong tỉnh không thể biết Chủ tịch UBND tỉnh mình có bao nhiêu tài sản. Mục đích chủ yếu là nhằm phòng ngừa tham nhũng và do tính chất mới mẽ của công tác này nên yêu cầu trước hết là người dân cần biết tài sản của những người đứng đầu như lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành xem có bao nhiêu tài sản, thu nhập bao nhiêu... chứ không nhất thiết phải triển khai đại trà, ra nhiều đối tượng chưa cần thiết theo kiểu “a uôm” mang tính hình thức.

 

Thứ ba, việc kê khai theo mẫu (NĐ37) còn có nhiều bất hợp lý như việc chỉ kê khai mức thu nhập từ thu nhập chịu thuế trở lên (tổng thu nhập trong thời kỳ kê khai tài sản) là chưa hợp lý. Bởi vì, mức thu nhập chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, cao nhất là 4 triệu đồng/tháng, nhưng việc thu nhập thì phải tính theo kỳ có thể 1 năm hoặc ít nhất thì phải 6 tháng trở lên. Do đó, nếu quy định tại thời điểm kê khai (có thể hiểu là trong vòng 1 tháng) là chưa hợp lý, vì trong một tháng thì không thể đánh giá chính xác được thu nhập của một cá nhân.

 

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét triển khai theo đúng tinh thần NĐ37 về đối tượng bắt buộc phải kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Đồng thời, cần quy định rõ việc kê khai mức thu nhập chịu thuế sao cho hợp lý nhằm làm cho việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập thật sự mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phòng ngừa hành vi tham nhũng và xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức thật sự trong sạch, vững mạnh như mục tiêu đề ra.

 

                                                                 Vĩnh Linh (Công Tum)

Đ/c: Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

 

LTS Dân trí - Chủ trương thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức là một chủ trương đúng đắn nhằm tạo thêm căn cứ để đánh giá cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng đáng nghi vấn, có thể là dấu hiệu của sự tham nhũng. Vì vậy, chủ trương này góp phần thiết thực vào việc phòng chống tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Việc làm đó được tiến hành công khai, minh bạch cũng là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

 

Muốn triển khai thành công một công việc phức tạp và mới mẻ thì điều quan trọng là sau khi có chủ trương đúng thì phải có bước đi phù hợp và có những quy định cụ thể sát với tình hình thực tế. Vì vậy có hai điều đóng góp ý kiến đáng lưu ý của tác giả viết bài trên là không nên mở rộng ngay đối tượng phải kê khai tài sản; đồng thời cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở để chỉnh sửa những điều chưa hợp lý trong mẫu kê khai.

 

Chúng tôi nghĩ rằng đấy là những ý kiến đóng góp có căn cứ thực tiễn và có ý nghĩa thiết thực giúp cho các cơ quan quản lý cấp trên xem xét, cân nhắc, nếu thấy hợp lý thì nên điều chỉnh lại diện đối tượng cũng như những điều chưa hợp lý trong mẫu kê khai.